Được sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, sự đoàn kết cao của mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, bức tranh kinh tế - xã hội của Lạng Sơn đạt được nhiều khởi sắc.
Những kết quả ấn tượng
Năm 2023, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm chính trị cao, cùng sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn cơ bản ổn định và có bước phát triển tốt. Nổi bật, tốc độ tăng GRDP đạt 7,0%, xếp thứ 5 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Thu ngân sách nhà nước 7.806,5 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 2.700 tỷ đồng, vượt 22,7% dự toán năm 2023.
Bằng sự linh hoạt, chủ động trong các hoạt động đối ngoại, Lạng Sơn đã khôi phục hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu chủ lực, quan trọng, nâng tổng số cửa khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 07/12 cửa khẩu. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng mạnh, đạt 4.780 triệu USD, tăng 56,2%. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình đạt 52,028 tỷ USD, tăng 85,12% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực đầu tư, tỉnh Lạng Sơn là một trong bảy cơ quan, đơn vị trên toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” năm 2023, khi xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 4 toàn quốc về số giao dịch thành công, đứng thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số. Nền tảng cửa khẩu số được duy trì ổn định, 100% phương tiện chở hàng khai báo trực tuyến và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh.
Tỉnh Lạng Sơn là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn quốc
đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” năm 2023
Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung triển khai quyết liệt, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức họp chuyên đề đánh giá tiến độ thực hiện theo định kỳ hằng tháng, quý, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông có tính liên vùng được triển khai quyết liệt, đã phê duyệt Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (dự kiến khởi công trong năm 2024); phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải khởi công dự án Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện tốt, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Các giải pháp ổn định, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai hiệu quả, giải quyết việc làm mới cho khoảng 17 nghìn lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,02%.
Bước tiến mới trong thu hút đầu tư
Lạng Sơn là một trong những cửa ngõ quan trọng trong hành trình kết nối ASEAN với các tỉnh miền Tây của Trung Quốc. Đây là lợi thế rất lớn để Lạng Sơn thu hút đầu tư, thúc đẩy khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là về phát triển dịch vụ vận tải và logistics, du lịch, nông lâm nghiệp, công nghiệp điện, chế biến chế tạo...
đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
cho 14 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 18.600 tỷ đồng
Xác định rõ tiềm năng, lợi thế cũng như vị thế của Lạng Sơn, trong năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 135-NQ/TU ngày 09/11/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hút đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023-2030. Tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư ngay từ khi quan tâm, bằng cách hỗ trợ thủ tục đầu tư, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã có một số chính sách riêng cho các ngành nghề cụ thể như dự án cụm công nghiệp, dự án chợ nông thôn, các dự án lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng đã kiện toàn hệ thống Tổ hỗ trợ đầu tư, bao gồm thành viên các sở, ban, ngành cũng như các Tổ tại các huyện/thành phố trong thực hiện mục tiêu chung là đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư, tháo gỡ vướng mắc khó khăn.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng thành công trong cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo công bố của VCCI, năm 2022 với điểm tổng hợp đạt 67,88 điểm, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2021. Nhờ vậy, bức tranh thu hút đầu tư của địa phương đã thực sự khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước Đức, Hàn, Nhật, Trung Quốc. Các tập đoàn lớn trong nước đã đến đầu tư tại Lạng Sơn như Vingroup, Sun Group, Sovico, APEC, VSIP, một số tập đoàn khác đang mong muốn được đầu tư như Viglacera, T&T, TH True Milk…
Kết quả, năm 2023, Lạng Sơn đã thu hút 15 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 6.922 tỷ đồng; thành lập mới 762 doanh nghiệp, tăng 56% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký là 7.171 tỷ đồng, tăng 34%. Điểm nhấn nổi bật nhất trong năm qua, đó là Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn với quy mô gần 600ha với tổng số vốn đầu tư 6.361,3 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Khi đưa vào vận hành, khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển dịch vụ cho địa phương./.
Trịnh Long