Xã Quảng Lạc: Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng cao

|

Xã Quảng Lạc: Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng cao

Những năm qua, xã Quảng Lạc (TP. Lạng Sơn) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp nâng cao đời sống, tinh thần của Nhân dân, diện mạo nông thôn ngày thêm đổi mới.

Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp

Xã Quảng Lạc có tổng diện tích tự nhiên là 2.769,42ha, được chia thành 09 thôn, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 507,21ha, đất lâm nghiệp 2.057,39ha. Với diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn, cùng với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng là điều kiện thuận lợi để Quảng Lạc phát triển sản xuất nông nghiệp.

Để phát huy những lợi thế đó, xã Quảng Lạc vận động Nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như: Hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. 

 


Hội trợ hoa đào xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn lần VII năm 2024

Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Quảng Lạc có sự phát triển tích cực, các cây trồng thế mạnh của Xã đã phát triển nhanh chóng về diện tích và sản lượng, tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: Trồng dẻ, đào, cà gai leo, rau xanh, hồi, nuôi ong lấy mật, nuôi lợn …  mang lại thu nhập cao cho người dân.

Cây dẻ đã trở thành cây trồng thế mạnh, gắn liền với sản xuất hàng hóa và phát triển du lịch ở Quảng Lạc. Diện tích trồng dẻ, thời gian qua đã có sự phát triển mạnh, hiện nay xã Quảng Lạc có khoảng 100 ha trồng dẻ, sản lượng bình quân hàng năm hàng chục tấn. Hạt dẻ của Quảng Lạc đã được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2022 và đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Lạng Sơn năm 2021”. Hàng năm, cây dẻ đã mang lại nguồn thu hập ổn định cho người dân, cá biệt có những hộ thu nhập từ 300-400 triệu /năm từ cây dẻ. Đặc biệt, để nâng cao giá trị kinh tế từ cây dẻ, những năm gần đây, xã Quảng Lạc đã tổ chức rất nhiều hoạt động lý thú, hấp dẫn để phát triển du lịch gắn với cây dẻ như: Giao lưu hát Then, Sli, Lượn và trưng bày mời du khách thưởng thức các sản phẩm chế biến từ hạt dẻ.

 


Du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn dẻ xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn

Cùng với cây dẻ, cây đào cũng là cây nông nghiệp thế mạnh của Quảng Lạc. Nhờ điều kiện tự nhiên về đất đai đồi rừng, khí hậu rất phù hợp cho cây đào sinh trưởng, bông to, cánh dầy, lâu tàn, nên cây hoa đào ở Quảng Lạc rất được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, có 9/9 thôn của Xã đều trồng đào, với tổng diện tích là hơn 100 ha, ước tính khi vào độ tuổi khai thác, trung bình 1 ha đào mang lại nguồn thu từ 200 - 300 triệu đồng/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng các loại cây khác. Cũng như cây dẻ, xã Quảng Lạc luôn gắn việc canh tác cây đào với phát triển du lịch cộng đồng, hiện Xã đã thành lập Hợp tác xã hoa đào Bản Cao với 24 thành viên, diện tích trên 20 ha để vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch. Đặc biệt, vào mỗi dịp đầu năm mới, Xã tổ chức Hội chợ hoa đào xã Quảng Lạc để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, chụp ảnh,... Hoạt động này đã góp phần bảo tồn, phát triển giá trị cây đào gắn với du lịch cộng đồng, quảng bá thương hiệu hoa đào Xứ Lạng.

Trồng dẻ và đào chỉ là ví dụ điển hình trong nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thành công ở xã Quảng Lạc. Nhờ có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả đã giúp Quảng Lạc giữ vững tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Xã.

Nông thôn mới khởi sắc

Năm 2023, xã Quảng Lạc được tỉnh Lạng Sơn chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Để thực hiện mục tiêu đề ra, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã Quảng Lạc đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động huy động nguồn lực của người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện nâng cao các tiêu chí NTM.

Theo số liệu báo cáo của xã Quảng Lạc, tổng nguồn lực huy động xây dựng xã NTM nâng cao trên địa bàn Xã là trên 90 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 40 tỷ đồng; người dân đóng góp trên 12,7 tỷ đồng và các nguồn vốn khác.

 


Đường giao thông nông thôn xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn được bê tông hóa,
thuận tiện cho việc đi lại của người dân

Từ nguồn lực trên, xã Quảng Lạc đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm..., Tuyên truyền vận động người dân tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chuồng trại chăn nuôi tạo môi trường sạch, đẹp.

Đến nay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% tuyến đường xã, thôn và 96,86% tuyến đường ngõ xóm được bê tông hóa. Các công trình trường học, nhà văn hóa trên địa bàn xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo quy định. Các công trình thủy lợi khai thác đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

Môi trường sống trên địa bàn xã tiếp tục được cải thiện; trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; xây dựng được các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả… An sinh xã hội được xã chú trọng, thông qua việc huy động từ nhiều nguồn lực để đầu tư cho chương trình giảm nghèo, các đối tượng chính sách, người gặp khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 52,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 1,9%, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày một nâng lên.

Với những kết quả tích cực đó, vừa qua xã Quảng Lạc vinh dự được tỉnh Lạng Sơn trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023. Với thành tích đó, xã Quảng Lạc đang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong những năm tiếp theo./.

 
Minh Châu