Mộc Châu: Những bước đi vững chắc để trở thành đô thị xanh, sinh thái và thân thiện

|

Mộc Châu: Những bước đi vững chắc để trở thành đô thị xanh, sinh thái và thân thiện

Những năm gần đây, nhờ phát huy tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và thu hút đầu tư phát triển du lịch, Mộc Châu đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá và ổn định. Bên cạnh đó, Huyện cũng đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại IV. Nhờ vậy, cao nguyên Mộc Châu đang thay đổi diện mạo từng ngày, hướng tới mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2025.

Mộc Châu đang thay đổi từng ngày, hướng tới trở thành thị xã vào năm 2025

Kinh tế - xã hội phát triển ổn định, toàn diện

Mộc Châu là huyện có vị trí đặc biệt quan trọng của vùng Tây Bắc, có thể kết nối trực tiếp với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng. Năm 2023, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm chính trị cao, cùng sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo của Huyện ủy, sự năng động, sáng tạo trong điều hành của UBND huyện Mộc Châu, tình hình kinh tế - xã hội của Huyện cơ bản ổn định và có bước phát triển tốt. Huyện đã hoàn thành đạt và vượt 24/26 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nổi bật là việc thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 358 tỷ đồng (vượt dự toán tỉnh giao) và lĩnh vực nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mộc Châu

Cụ thể, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, năm 2023, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp bình quân đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện có trên 10 nghìn ha cây ăn quả, 35 sản phẩm OCOP (trong đó 11 sản phẩm đạt 4 sao, 24 sản phẩm đạt 3 sao); 02 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao (vùng chăn nuôi bò sữa và vùng sản xuất chè), 30 mã số vùng trồng xuất khẩu và 53 chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn; 346 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; Triển khai mô hình hỗ trợ trồng cây ngô sinh khối tại xã Tân Hợp với tổng diện tích gần 35 ha. Chương trình xây dựng Nông thôn mới được Nhân dân tích cực hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua thường xuyên, sâu rộng, lan tỏa khắp các xã, bản, tiểu khu. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện đạt 175 tiêu chí, tăng 35 tiêu chí so với năm 2022, bình quân đạt 13,46 tiêu chí/xã. Hiện nay, theo Bộ tiêu chí xã NTM của giai đoạn 2021-2025, Nà Mường là xã đầu tiên đạt đủ 19/19 tiêu chí. 

Nà Mường là xã thứ 8 của huyện Mộc Châu được công nhận đạt chuẩn NTM
và là xã đầu tiên đạt 19/19 tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025

Hoạt động công nghiệp và thương mại tiếp tục được duy trì ổn định. Công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa được quan tâm và đẩy mạnh. Năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn đã liên kết và hỗ trợ xuất khẩu được trên 1300 tấn chè; 18 tấn tơ tằm; 50 tấn hạt giống rau; 220 tấn các sản phẩm trái cây.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục tiếp tục được củng cố; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023 đạt 99,64%, toàn Huyện có 34/49 trường chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 69,4%. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt, đúng đối tượng, đúng chính sách và kịp thời. Mộc Châu là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh hoàn thành kế hoạch chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng an sinh xã hội. Năm 2023, Huyện đã vận động Nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được trên 22 tỷ đồng để chăm lo tết cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết, làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong 2 năm (2022 - 2023), Huyện đã vận động xóa 308 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với tổng giá trị đưa vào sử dụng hơn 25 tỷ đồng. Đời sống Nhân dân trên địa bàn được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 3,47% (vượt chỉ tiêu giảm 0,52% so với kế hoạch).

Các doanh nghiệp chung tay cùng Huyện làm tốt công tác an sinh,
chăm lo người nghèo, đối tượng chính sách và gia đình hoàn cảnh khó khăn

Quốc phòng được củng cố, trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới được giữ vững. Công tác phòng chống, kiểm soát ma túy tại địa bàn phức tạp về an ninh trật tự được đẩy mạnh. Quan hệ đối ngoại với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào được duy trì, củng cố và phát triển.

Dồn lực để trở thành đô thị xanh và trọng điểm du lịch

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/5/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025, với quan điểm quy hoạch đi trước một bước, huyện Mộc Châu triển khai Quy hoạch chung đô thị Mộc Châu đến năm 2040; đồng thời, xây dựng Chương trình phát triển đô thị Mộc Châu đến năm 2030 và Đề án Công nhận đô thị Mộc Châu là đô thị loại IV (với phạm vi toàn bộ địa giới hành chính huyện Mộc Châu). Bên cạnh đó, Huyện đã đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Trong năm 2023, Huyện đã hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng đối với 12 đề án phát triển đô thị.

Khu du lịch Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Đây là khu du lịch quốc gia thứ 8
được công nhận trên cả nước

Trên cơ sở các quy hoạch được triển khai và phê duyệt, huyện Mộc Châu đã huy động, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trên địa bàn huyện, hiện đang triển khai thực hiện 24 dự án trọng điểm. Trong năm 2023, Huyện đã hoàn thành được 6 dự án, gồm: Cải tạo tuyến đường từ ngã ba quốc lộ 43 đến khu du lịch bản Lùn, xã Mường Sang; trụ sở làm việc xã Nà Mường, xã Chiềng Hắc và thị trấn Mộc Châu; tu bổ, tôn tạo di tích Đồn Mộc Lỵ, thị trấn Mộc Châu; hệ thống điện sinh hoạt và điện chiếu sáng các tuyến đường nội thị khu trung tâm hành chính mới.

Năm 2023, tổng số vốn đầu tư thực hiện công tác phát triển đô thị đã phân bổ gần 560 tỷ đồng. Nhờ nguồn lực này, việc hoàn thiện tiêu chí đô thị loại IV của đô thị Mộc Châu đến cuối năm đã đạt được 82,93 điểm, trong đó đạt 5/5 tiêu chí, 56/63 tiêu chuẩn. Diện mạo từ đô thị đến nông thôn ngày càng đổi thay tích cực, Nhân dân phấn khởi, đồng lòng, góp sức xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Cùng với quá trình xây dựng và kiến tạo một đô thị xanh đáng sống, Mộc Châu cũng xác định và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mộc Châu là nơi sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, đã tạo nên những giá trị quý giá, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc. Mộc Châu còn có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Mộc Châu nằm trong Khu du lịch Mộc Châu có quy mô 206.150 ha bao gồm các xã, thị trấn thuộc 02 huyện Mộc Châu và Vân Hồ.

Duy trì và tổ chức đều đặn các  sự kiện văn hóa, thể thao giúp Mộc Châu quảng bá tiềm năng du lịch
tới đông đảo du khách trong và ngoài nước

Những năm qua, Khu du lịch Mộc Châu đã có sự phát triển vượt bậc, hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, dịch vụ du lịch phát triển mạnh, công tác tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh thông qua tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ, trở thành thường niên; triển khai được Ứng dụng Du lịch thông minh “Moc Chau Tour” với nhiều tiện ích hỗ trợ cho trải nghiệm của du khách được tốt nhất. 

Đồng thời, Huyện đã phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, như các loại hình du lịch: Sinh thái; trải nghiệm; cộng đồng; lễ hội, văn hóa; tâm linh; MICE; nghỉ dưỡng và du lịch nông nghiệp... Nổi bật, khu Du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Rừng thông bản Áng, có diện tích hơn 50 ha, gồm các tổ hợp công trình hiện đại như: Hệ thống nhà hàng, khách sạn, Bungalow, khu cắm trại trải nghiệm, khu du lịch tâm linh, khu vui chơi cảm giác mạnh, khu nông nghiệp công nghệ cao, ngoại cảnh với nhiều điểm check-in thơ mộng… thu hút hàng vạn lượt du khách mỗi năm. Cách khu du lịch Rừng thông bản Áng không xa là Khu Du lịch Mộc Châu Island (tại xã Mường Sang) gồm hai phân khu chính: Khu vui chơi giải trí và khu lưu trú trải nghiệm với các hạng mục như cầu kính Bạch Long, nhà hàng TaBamboo (nhà hàng Tre lớn nhất thế giới), khu trượt Air Slide, khu vui chơi ngoài trời, khách sạn đoàn tàu, thám hiểm hang chim thần…

Khu du lịch rừng thông bản Áng thu hút hàng vạn lượt du khách mỗi năm

Với phương châm phát triển du lịch nhưng vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống, hoạt động dịch vụ du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng trong đồng bào dân tộc được quan tâm và có bước phát triển nhanh. Huyện đã hỗ trợ các xã nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng các công trình nước sạch tại các bản, khôi phục truyền thống văn hóa, cải tạo nhà ở theo kiến trúc dân tộc kết hợp dịch vụ du lịch.

Nhờ cách tiếp cận và phát triển du lịch một cách bền vững, kết hợp hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, trong hai năm liên tiếp (2022-2023), Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn, vinh danh giải thưởng “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Giải thưởng khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của du lịch Mộc Châu, sự tôn vinh, công nhận của cộng đồng quốc tế đối với vùng đất này. Giải thưởng không chỉ là vinh dự mà còn là dấu mốc quan trọng để Huyện tiếp tục quảng bá, khai thác, phát huy các giá trị văn hoá, thiên nhiên. 

Khu du lịch Mộc Châu Island nổi tiếng có cầu kính Bạch Long là cầu đi bộ đáy kính dài nhất thế giới

Ngành du lịch đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội bền vững địa phương, năm 2023, Mộc Châu thu hút được gần 2,5 triệu lượt khách du lịch, vượt 23% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, doanh thu xã hội đạt trên 2.800 tỷ đồng, qua đó góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân.

Phát huy những thành tựu đạt được, thời gian tới, huyện Mộc Châu sẽ quyết liệt trong thực hiện chương trình phát triển đô thị, quản lý quy hoạch, hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tập trung triển khai quy hoạch để làm căn cứ, cơ sở triển khai các dự án thu hút đầu tư; nghiên cứu, đề ra giải pháp hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm; gắn việc xây dựng nông thôn mới nâng cao với phát triển đô thị để đáp ứng mục tiêu nâng cấp xã lên phường, huyện lên thị xã vào năm 2025./.

Lê Trọng Bình 
Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu