Huyện Trấn Yên: Hiệu quả tích cực từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách

|

Huyện Trấn Yên: Hiệu quả tích cực từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội; Đồng thời, triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách xã hội và coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đối tượng được thụ hưởng tín dụng chính sách ngày càng mở rộng, mức cho vay ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư ngày càng lớn, được tăng cường từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội ( NHCSXH) cho các hộ dân vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội...

Bà Nguyễn Thị Bích Ngân, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Trấn Yên
 

Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND - UBND huyện và sự chỉ đạo thường xuyên của NHCSXH tỉnh Yên Bái, của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, ngay từ đầu năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (PGD NHCSXH) huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên cơ sở. Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được triển khai sâu rộng tới 100% các chi bộ, đảng bộ thuộc Huyện ủy; các cơ quan đơn vị. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ lãnh đạo, ban hành các kế hoạch, nghị quyết chỉ đạo các đơn vị cơ sở, xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, quyết tâm, quyết liệt để tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Giao dịch khách hàng tại Trụ sở UBND xã Y Can, huyện Trấn Yên
 

Về kết quả thực hiện đến ngày 25/3/2024: Tổng nguồn vốn là 557.434 triệu đồng; Tăng 4.582 triệu đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 0,83% so năm 2023. Trong đó: Doanh số cho vay là 26.249 triệu đồng; Doanh số thu nợ là 22.190 triệu đồng. Số khách hàng còn dư nợ 9.815 hộ. Số khách hàng vay vốn từ đầu năm 855 hộ. Tổng dư nợ 556.476 triệu đồng; Tăng 4.059 triệu đồng so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng đạt 0,73% so năm 2023. Chất lượng tín dụng: Nợ quá hạn 608 triệu đồng, tỷ lệ  0,11% /tổng dư nợ. NHCSXH huyện Trấn Yên ủy thác thông qua 4 Tổ chức hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) cấp huyện, với 76 tổ chức Hội ủy thác cấp xã, thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách với 268 tổ tiết kiệm và vay vốn. Số lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội là 4.495 hộ; Số công trình nước sạch là 6.379 công trình; Số công trình vệ sinh là 6.350 công trình; Số căn nhà cho hộ nghèo là 225 nhà; Số học sinh, sinh viên được vay vốn là 257 người; Tạo việc làm cho 4.552 lao động; số hộ vay vốn nhà ở xã hội 24 hộ; cho vay người chấp hành xong án phạt tù 3 hộ.

Cán bộ NHCSXH huyện Trấn Yên giải ngân vốn vay tín dụng chính sách tại cơ sở
 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện Trấn Yên và sự vào cuộc tích cực của các ngành và các địa phương cơ sở, Chỉ thị số 40/CT/TW và Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng: Cấp ủy chính quyền các cấp đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách tạo sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường hội tụ, làm sáng hơn một chính sách tín dụng riêng giàu tính nhân văn của Đảng và Nhà nước và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, Huyện tập trung nguồn lực, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay, bố trí địa điểm, đảm bảo an toàn cho các điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, thị trấn. Góp phần không nhỏ giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trấn Yên đến cuối năm 2023 còn 1,75% (916 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,38% (566 hộ).

Hội nghị tập huấn Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và Vay vốn năm 2024 NHCSXH huyện Trấn Yên
 

Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Trấn Yên nhờ phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Cụ thể: Hộ gia đình ông Giàng A Chư (Vàng Thị Bầu) ở thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành năm 2015 nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi ban đầu 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư cho phát triển trồng Quế, trồng Măng tre Bát Độ, đến nay đã phát huy được hiệu quả rõ rệt; đến đầu năm 2019 nhận thấy thị trường tiêu thụ hàng Dệt may thổ cẩm của người Mông đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình đã mạnh dạn mua máy dệt Thổ cẩm bằng nguồn vốn gia đình tích lũy được cùng với vay vốn của NHCSXH huyện Trấn Yên 100 triệu đồng từ chương trình cho vay Giải quyết việc làm đã đầu tư mua máy xếp ly hiện đại tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng; có sản phẩm trao đổi mua bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh, cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định và phát triển. Mô hình nuôi bò sinh sản của hộ Hà Thị Lễ, thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh: Vay vốn Giải quyết việc làm năm 2022 với số tiền 100 triệu đồng, gia đình mua 2 con bò sinh sản, đến năm 2023 đã sinh được 2 con, tổng đàn bò hiện nay là 4 con. Mô hình nuôi Hươu sinh sản của hộ Nguyễn Minh Phượng, thôn Thịnh Bình, xã Hưng Thịnh: Năm 2022 vay vốn chương trình Giải quyết việc làm 100 triệu đồng, mua 4 con hươu, đến nay đã sinh sản được 2 con, tổng đàn hươu là 6 con...

Mô hình hộ vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Trấn Yên nuôi bò sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao
 

Từ những kết quả đạt được nêu trên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay ưu đãi, PGD NHCSXH huyện Trấn Yên đề ra một số giải pháp để tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau: Một là: PGD NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, HĐND - UBND huyện tăng cường lãnh đạo các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, chỉ đạo thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 53-KH/HU ngày 31/8/2021 của Huyện ủy Trấn Yên về triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hai là: Tích cực tham mưu cho UBND huyện chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác; gắn việc triển khai tín dụng chính sách với chủ trương, định hướng của huyện về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông- lâm nghiệp; tập trung ưu tiên vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, cũng như quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động, phát triển các sản phẩm dich vụ, sản phẩm OCOP… trên địa bàn.

Mô hình hộ vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Trấn Yên nuôi hươu sao lấy nhung  

 
Ba là: Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp phải tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến cán bộ, hội viên, đoàn viên. Qua đó, người vay nhận thức đầy đủ về chính sách tín dụng ưu đãi, nâng cao trách nhiệm, ý thức trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; Thực hiện tốt văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác đã ký kết với NHCSXH huyện. Tổ chức họp bình xét công khai dân chủ, đầy đủ các thành phần theo quy định, đồng thời lồng ghép có hiệu quả việc đầu tư vốn tín dụng chính sách với đào tại nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro làm thất thoát tài sản Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã, đảm bảo chất lượng, tránh hình thức; đồng thời phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
 
Bốn là: PGD NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các ngành địa phương, các cơ quan đơn vị, chủ động thực hiện tốt việc huy động, đồng hành cùng các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác triển khai thực hiện kịp thời đầy đủ các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, với phương châm: “Thấu hiểu lòng dân - Tận tâm phục vụ”, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn vốn tín dụng chính sách.

Hội nghị Tổng kết năm 2023 triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024


Đặc biệt, từ thực tế cho thấy nhu cầu của Nhân dân về vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện nay là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn phân bổ ít nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn tạo việc làm chính đáng của người lao động. NHCSXH đề nghị hằng năm Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái có nghị quyết về việc Ủy ban nhân dân các cấp được trích một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp mình để tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo điều 7 Nghị định 78/2002/NĐ-CP. Hằng năm quan tâm bổ sung Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tạo nguồn vốn cho vay đối với người lao động chưa có việc làm, tăng số lao động được giải quyết việc làm qua từng năm. Đề nghị xem xét nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (hiện nay mức cho vay 20 triệu/2 công trình là tương đối thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân)./.

Nguyễn Thị Bích Ngân
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Trấn Yên