Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS

|

Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS

Với vai trò quan trọng, các tổ chức xã hội được xem là “cánh tay nối dài” hỗ trợ hệ thống y tế công trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS, bởi tính chất và đặc thù riêng của dịch bệnh này. Thời gian qua, tại Việt Nam với sự chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước và sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các tổ chức xã hội, cộng đồng công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS của thế giới.
 
Bước tiến dài của Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

HIV/AIDS không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Năm 2023 đánh dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra virus HIV, Việt Nam cũng đã trải qua hơn 30 năm ứng phó với đại dịch này. Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến nay, nước ta đã phát hiện gần 250.000 ca nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở độ tuổi 16 đến 39, trung bình mỗi năm phát hiện thêm khoảng hơn 10.000 người nhiễm HIV, chủ yếu ở nhóm nam tình dục đồng giới; vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV. Năm 2023 là năm thứ 15 liên tiếp (kể từ khi Việt Nam phát hiện virut HIV - năm 1990), dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và trên đà giảm liên tục ở cả 3 tiêu chí (giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm số người tử vong liên quan đến AIDS). Tích lũy từ năm 1990 đến nay, nước ta đã có hơn 112.000 người tử vong do HIV/AIDS.

Theo đánh giá, trong suốt hành trình phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự tham gia của các cơ quan liên quan, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các mô hình, sáng kiến của cộng đồng đã giúp nước ta kiểm soát tốt dịch bệnh và được xem là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS của thế giới. Trong đó, Việt Nam đã làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS; huy động sự tham gia của không chỉ ngành y tế, các ban ngành, các cấp và các tổ chức cộng đồng cùng làm truyền thông. Hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, không chỉ là truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, truyền hình, báo in hoặc tổ chức truyền thông trực tiếp, mà còn tận dụng tốt hiệu quả tích cực trong việc sử dụng mạng xã hội như: Website; facebook; tik tok… nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông. Nhờ vậy, đến nay hầu hết người dân đã có những hiểu biết cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS đã giảm đi đáng kể.

Việt Nam cũng là quốc gia triển khai tốt các hoạt động can thiệp giảm hại do HIV/AIDS gây ra: Phân phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt gần đây tập trung nhiều các can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Mỗi năm, hàng chục triệu bơm kim tiêm và bao cao su được cấp phát miễn phí. Bên cạnh đó, để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cũng đã được mở rộng ở tất cả các tỉnh, thành phố. Hiện đã có hơn 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng methadone. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) cho hơn 40.000 khách hàng. Điều này giúp giảm đáng kể việc lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Thời điểm cao nhất đỉnh dịch (vào những năm 2000) tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy ở nước ta khoảng xấp xỉ 30% thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 10%.

Trong công tác xét nghiệm sàng lọc HIV: Đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV; bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước. Mỗi năm có tới hơn 1 triệu test HIV được triển khai, không chỉ ở hệ thống y tế mà ở cả cộng đồng và do chính các tổ chức cộng đồng thực hiện.

Trong điều trị HIV/AIDS, hiện có khoảng 170.000 người đang được điều trị HIV bằng thuốc ARV, mang lại hiệu quả cao. Tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỉ lệ này. Hiệu quả trong công tác điều trị này không chỉ giúp người bệnh khỏe mạnh mà còn giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng, thậm chí không làm lây truyền HIV cho bạn tình của mình. Ngoài ra, nước ta cũng đang triển khai điều trị viêm gan C cho bệnh nhân HIV và bệnh nhân điều trị methadone. Tỉ lệ khỏi bệnh đạt tới 97,4%.

Với sự liên tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch HIV/AIDS. Nhiều năm liền tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Cùng với đó, chương trình phòng chống HIV/AIDS đã giúp cho khoảng 950.000 người không bị nhiễm HIV và hơn 300.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

Thực tế cho thấy, để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội. Nhờ hoạt động tích cực, trong suốt hơn 30 năm qua các tổ chức xã hội ở Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, các tổ chức xã hội đã tích cực trong vận động, hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao năng lực cũng như hiệu quả triển khai các công tác phòng, chống dịch: Ở cấp độ quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS, góp thêm tiếng nói trong nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu toàn cầu về tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ về HIV và thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững.

 

Tổ chức xã hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS 
 
Ở cấp độ quốc gia, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đoàn thể cũng như các tổ chức phi chính phủ, các mạng lưới đã tham gia vào việc vận động nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quyền của người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV, vấn đề tiếp cận thuốc giá rẻ, tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị. Thông qua việc tổ chức các hoạt động đối thoại quốc gia, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo với sự tham dự của các Bộ, ngành, tổ chức… những người nhiễm HIV, các mạng lưới và các tổ chức phi chính phủ đã góp ý trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS quốc gia, các đề xuất viện trợ từ Quỹ Toàn cầu, Khung chiến lược đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS HIV/AIDS; Đề án bảo đảm tài chính phòng, chống HIV/AIDS,... Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách, tham gia tích cực vào việc xây dựng Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS…

Trong cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội tại Việt Nam đã trực tiếp cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ cho người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ trong những lĩnh vực hoặc vùng, khu vực mà dịch vụ của chính phủ chưa bao phủ hết hoặc các dịch vụ đó là ưu thế của các tổ chức cộng đồng. Tổ chức xã hội đã triển khai thực hiện công tác truyền thông; tư vấn; chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS; tiếp cận các nhóm có hành vi nguy cơ cao để truyền thông, tư vấn, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm; chuyển gửi điều trị Methadone; tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; hỗ trợ giới thiệu, chuyển gửi đến các dịch vụ y tế và xã hội...

Theo thống kê, hiện ở nước ta có khoảng 400 nhóm hỗ trợ cộng đồng – CBO, là những nhóm xuất thân từ cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), người có HIV (NCH), phụ nữ bán dâm (SW); hoạt động phòng, chống HIV/AIDS lớn nhỏ đang hoạt động, bao gồm những CBO được hỗ trợ và không được hỗ trợ từ các dự án phòng chống HIV. Các CBO này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông giảm hành vi nguy cơ cho cộng đồng đích, xét nghiệm và kết nối điều trị HIV. Đây là hai yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình của người có HIV và trong cộng đồng.

Các báo cáo quốc gia cho thấy, CBO có thể đóng góp từ 25-50% các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ. Một số tỉnh, thành phố có tới 60-70% các ca nhiễm HIV mới được phát hiện do các tổ chức cộng đồng thực hiện.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, các tổ chức cộng đồng tại Việt Nam hiện ngày càng có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, chung tay góp phần kiểm soát bệnh dịch HIV/AIDS. Sự hình thành và hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng thực sự đã góp phần thúc đẩy phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường hiệu quả của các hoạt động chăm sóc, điều trị, tư vấn, truyền thông trong cộng đồng, trở thành cầu nối hoạt động thực tiễn trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội, không chỉ cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại, như: Truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển gửi khách hàng tiếp cận dịch vụ thích hợp… thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập doanh nghiệp xã hội và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các doanh nghiệp xã hội lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều khách hàng e ngại dịch vụ y tế công.

 

Có thể thấy, mặc dù tình trạng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát đại dịch, song Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi, dịch tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, chiếm 80%... Hiện vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khỏe cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV… Chính vì vậy, để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, bên cạnh việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS của hệ thống y tế công thì việc nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, cộng đồng, qua đó tạo điều kiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này được xem là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế, kinh phí hạn hẹp và quá tải trong công tác phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế./.
Gia Linh