Du lịch đô thị với thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật và sự đa dạng về khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, ẩm thực… được coi là xu hướng bứt phá của ngành công nghiệp không khói.
Định vị thương hiệu và phát triển các đô thị du lịch Việt Nam
Những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến tháng Chín năm 2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 loại I, 35 loại II, 46 loại III, 94 loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.
Quảng bá du lịch TP.Hà Nội tới khách quốc tế và trong nước
Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch, trong đó nhiều đô thị với lịch sử lâu đời, có bản sắc văn hoá đặc trưng, hoặc đô thị hiện đại với nhiều tiện ích hấp dẫn khách du lịch đã góp phần thúc đẩy du lịch trở thành động lực đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tiêu biểu như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)...
Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước, thúc đẩy du lịch đô thị trở thành xu hướng bứt phá của ngành công nghiệp không khói và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, du lịch đô thị phát triển đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và tạo sức lan tỏa khi kéo theo nhiều ngành nghề liên quan cùng phát triển. Cụ thể, tại các đô thị với thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, kiến trúc, thẩm mỹ và sự đa dạng về khả năng đáp ứng nhu cầu đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng và mua sắm… Vì vậy, mỗi năm các đô thị du lịch không chỉ thu hút lượng lớn khách du lịch tới thăm quan và trải nghiệm mà còn mang đến giá trị kinh tế từ việc cung cấp hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch chất lượng cao phát triển như: Dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, thương mại, ẩm thực.
Trong bức tranh phát triển du lịch đô thị, TP.Hồ Chí Minh mỗi năm đón hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú. Đặc điểm nổi bật của TP. Hồ Chí Minh là một đô thị lớn có nhiều nét văn hóa lịch sử mang tính đặc trưng. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh có biển, rừng và hệ thống sông rạch liên hoàn từ nội thành ra đến biển. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh có sản phẩm tự nhiên, độc đáo, đặc sắc là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ gắn với đô thị sinh thái biển Cần Giờ và Khu sinh thái sông nước dọc sông Sài Gòn lên đến khu địa đạo Củ Chi... Ngoài ra, TP.HCM có nhiều địa điểm du lịch tâm linh, nhất là các đền, chùa được thiết kế theo nhiều lối kiến trúc khác nhau, từ những nét đẹp cổ kính, thuần túy của Á Đông đến phong cách cổ điển Châu Âu. Phát huy tiềm năng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất cả nước. Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh ước tính cả năm 2022, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 6.701 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,6% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 190,8% so với cùng kỳ. Tháng Mười một năm 2023 doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 973,8 tỷ đồng, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh thu lữ hành ước đạt 10.075,7 tỷ đồng, tăng 70,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Thành phố Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam với hơn 1.000 năm tuổi luôn là điểm đến hấp dẫn, an toàn, ghi dấu ấn trong lòng du khách quốc tế với vẻ đẹp dịu dàng, thanh bình và những dấu tích lịch sử như: Hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm, Nhà hát lớn, cầu Long Biên... Hiện Hà Nội đang thúc đẩy hoạt động các tuyến phố đi bộ như: Hồ Gươm, Trịnh Công Sơn, hồ Thiền Quang, Thành cổ Sơn Tây… Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch golf… cũng đang phát triển mạnh ở ngoại thành Hà Nội. Thời gian qua, Thành phố Hà Nội cũng đã tích cực xây dựng đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, Website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội. Tổ chức Lễ ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội. Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, tổ chức Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023... Thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc mang đậm nét văn hóa Thủ đô. Theo Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, năm 2022, thành phố Hà Nội được công nhận là “Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu châu Á” và “Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu Thế giới” với tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội cả năm ước đạt 2,6 triệu lượt người, gấp 2,4 lần năm 2021. Trong 11 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 534 nghìn lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 4,5 triệu lượt người, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 2.940 nghìn lượt người, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2022, khách du lịch nội địa đến Hà Nội đạt 1.570 nghìn lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Vẻ đẹp của TP. Đà Nẵng về đêm
Sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng sự đầu tư lớn cho hạ tầng, Thành phố Đà Nẵng là vùng đất của sự kiện, lễ hội sôi động quanh năm và đang vươn mình trở thành đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và châu lục. Mặc dù có khởi đầu muộn nhưng thành phố Đà Nẵng đã đi rất nhanh, rất xa và sớm hoàn thiện hạ tầng du lịch, để sở hữu các khu du lịch đặc sắc, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, sự kiện, lễ hội, định vị sâu trong tâm trí du khách như: Bà Nà Hills, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, công viên châu Á - Asia Park, Khu du lịch núi Thần Tài, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF…
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú thành phố Đà Nẵng ngày một nâng cấp về số lượng, quy mô, kiến trúc, dịch vụ tiện nghi. Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, năm 2022 với việc tổ chức nhiều chương trình kích cầu, kết nối, khai trương các đường bay mới, nối lại đường bay đã bị gián đoạn bởi dịch Covid-19... Đà Nẵng đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh, điểm đến để du khách trong và ngoài nước hiểu biết sâu hơn về một Đà Nẵng “đẹp hơn thế nữa”. Bên cạnh đó, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) công bố; đứng vị trí thứ 3 trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á - Giải thưởng du lịch Châu Á 2022 do Tạp chí du lịch Travel & Leisure (Mỹ) tổ chức và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022 của World Travel Award.
Theo số liệu thống kê, năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành của thành phố Đà Nẵng ước đạt 20.809 tỷ đồng, tăng 99,3% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 18.542 tỷ đồng, tăng 83,5%; dịch vụ lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 2.267 tỷ đồng, tăng 575,2% năm 2021. Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2022 ước đạt 3.687 nghìn lượt, tăng 208,5% năm 2021, trong đó khách quốc tế khoảng 481 nghìn lượt, tăng 380,2%; khách trong nước ước đạt 3.205 nghìn lượt, tăng 192,8%.
11 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của thành phố Đà Nẵng ước đạt 20.826 tỷ đồng, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 8.946 tỷ đồng, tăng 57,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 11.880 tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 6.853 nghìn lượt, tăng 102,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 1.838 nghìn lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ; khách trong nước đạt hơn 5.015 nghìn lượt, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đô thị Vũng Tàu được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế như: Vị trí giao thông thuận tiện, thế mạnh cảng biển, khí hậu bốn mùa dễ chịu với bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp. Mặt khác, trong quá trình hình thành và phát triển, Vũng Tàu đã để lại nhiều dấu ấn đặc trưng và giá trị cốt lõi hình thành nên bản sắc riêng của đô thị. Đó là những dấu ấn về một bến đậu bình yên với hình ảnh của những ngọn núi nên thơ giữa một đô thị giao lưu, hội tụ nhiều dòng văn hoá thông qua hệ thống các di tích tôn giáo nhà thờ, đình, chùa... Là một trung tâm nghỉ dưỡng, tắm biển, chăm sóc sức khỏe cấp quốc gia, quốc tế với các bãi tắm, khách sạn, trung tâm thương mại theo phong cách kiến trúc hiện đại. Một đô thị biển thông minh, hiện đại và năng động với trung tâm sự kiện, lễ hội, vui chơi giải trí, mua sắm vận hành trên nền tảng của công nghệ số... Theo Cục Thống kế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lũy kế năm 2022 doanh thu du lịch lữ hành là 167,3 tỷ đồng, tăng 2,4 lần. Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2022 ước tính 6.418 ngàn lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh thu ngành du lịch lữ hành ước đạt 318,2 tỷ đồng, tăng 102,24%; tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước tính 6.194 ngàn lượt khách, tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước;
Với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không rất thuận lợi cho giao thương và du lịch, thành phố Cần Thơ được biết đến là "đô thị miền sông nước" với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, với các chợ nổi trên sông rất độc đáo. Các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố Cần Thơ có thể kể đến như: Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, chợ nổi Cái Răng, các vườn cây ăn trái, nhiều công trình di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa và làng nghề truyền thống. Đặc biệt, việc hình thành các tour du lịch đường sông đã thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Với các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, nhiều loại hình thương mại dịch vụ và vui chơi giải trí, Cần Thơ đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách khi đến với thành phố. Cục Thống kế thành phố Cần Thơ cho biết, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức và tham gia các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài nước. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 11/2023 ước đạt 24,35 tỷ đồng, tăng 6,77% so tháng trước và 5,55% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2023, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 330,12 tỷ đồng, tăng 29,93% so cùng kỳ.
Chùa Thới Long Cổ Tự - ngôi chùa đẹp của TP. Cần Thơ
Tuy nhiên, sự phát triển du lịch tại các đô thị thời gian qua cũng đã bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững như: Gia tăng sức ép đến môi trường; Giao thông tại các khu, điểm du lịch bị tắc nghẽn nhất là khi vào mùa cao điểm du lịch; Quy hoạch cảnh quan đô thị trước các dự án xây dựng hạ tầng du lịch và một số vấn đề xã hội khác...
Giải pháp phát triển đô thị du lịch bền vững trong thời gian tới
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao cùng tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đặt ra nhiều thách thức trong phát triển du lịch bền vững nói chung và phát triển du lịch đô thị nói riêng. Do đó, đòi hỏi du lịch đô thị phải có những giải pháp mới, sáng tạo hơn, linh hoạt và phù hợp hơn, đặc biệt là các giải pháp với sự trợ giúp của công nghệ trong quản trị đô thị.
Để phát triển du lịch đô thị bền vững, tại Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã tập trung đóng góp đưa ra nhiều ý kiến về giải pháp phát triển du lịch đô thị bền vững. Theo đó du lịch đô thị thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
Một là, cần quan tâm đến chính sách đối với phát triển đô thị mang tính đặc thù cho du lịch; phát triển năng lực quản lý của chính quyền đô thị theo hướng xanh và thông minh, có hiểu biết về du lịch; khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị; Các sản phẩm du lịch đô thị vẫn là một trong những hướng ưu tiên chính của ngành Du lịch Việt Nam trong định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn bảo đảm phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Hai là, các đơn vị chức năng cần có phương án lồng ghép kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong kế hoạch phát triển của các đô thị du lịch để đảm bảo trong tương lai gần, các đô thị du lịch ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh. giúp du khách tiếp cận một cách nhanh nhất, đầy đủ thông tin về điểm đến du lịch cũng như được trải nghiệm những sản phẩm du lịch đô thị hoàn hảo nhất với sự hỗ trợ của công nghệ.
Ba là, chú trọng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý lưu lượng khách du lịch, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ các di sản văn hoá trong phát triển du lịch, sử dụng công nghệ số để kiểm soát dòng khách du lịch, thực hiện chính sách mở rộng ra ngoại thành để giảm áp lực tại đô thị, mở rộng các vùng du lịch vệ tinh cho đô thị.
Bốn là, ngành du lịch cần phối hợp với ngành xây dựng sớm triển khai nghiên cứu hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị du lịch - nơi du lịch đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó, xây dựng những thương hiệu mạnh về đô thị du lịch dựa trên tính nổi trội, tính chuyên biệt của đô thị để nâng cao mức độ nhận diện điểm đến đô thị cũng như thương hiệu sản phẩm du lịch đô thị.
Năm là, du lịch đô thị cần đẩy mạnh kết nối vùng không chỉ cho phép tận dụng lợi thế của từng vùng để tạo ra chuỗi sản phẩm phong phú, chất lượng mà còn tận dụng lợi thế, bản sắc riêng của từng đô thị đồng thời giúp hạn chế sự trùng lặp về sản phẩm./.
Trang Nguyễn