Phát triển du lịch nông thôn, hướng đi sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

|

Phát triển du lịch nông thôn, hướng đi sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới là một hướng đi sáng tạo, đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Phát huy lợi thế, giá trị khác biệt

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, xu hướng du lịch trên thế giới đang thay đổi, chuyển dần từ du lịch truyền thống trong không gian kín sang các loại du lịch mới, du lịch xanh, ưu tiên hơn cho việc lựa chọn các điểm đến gần nhà, các chuyến trải nghiệm nội địa, an toàn gần gũi thiên nhiên với không gian rộng, thoáng mát.  Dự kiến đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tỷ lệ tăng hằng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm. Vì vậy, du lịch xanh, du lịch nông nghiệp sẽ là phân khúc phát triển và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, tháng 8/2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một trong 6 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, là thời cơ để du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ. 

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 tiếp tục khẳng định: “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn”.

 
Du lịch nông thôn hấp dẫn các du khách nước ngoài

Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở chiều cạnh khác, du lịch nông thôn là chuỗi hoạt động dịch vụ và tiện nghi được cung cấp để khai thác các giá trị ở nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, giáo dục, vui chơi... với các hoạt động nông nghiệp cho du khách, từ đó tạo ra thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa nông nghiệp.

Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nông thôn, đặc biệt là lối sống nông nghiệp gắn với nền văn minh lúa nước. Góp phần không nhỏ vào việc định hình nên sản phẩm du lịch nông thôn là hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các không gian nông thôn gồm những làng cổ, làng nghề truyền thống về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủ công mỹ nghệ ở các vùng miền. Qua đó, tạo dựng nên những sản phẩm du lịch nông thôn độc đáo như thưởng ngoạn mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), trải nghiệm trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam), không gian văn hóa trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên), trải nghiệm miệt vườn Cù lao Mây (Vĩnh Long), thăm mùa lúa chín tại Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)... 

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Qua thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long…

Nhờ những cách làm sáng tạo, phát huy những lợi thế, giá trị khác biệt, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình du lịch nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhờ có du lịch, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút trở nên tự tin, năng động hơn; nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn; Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân; Tri thức, văn hoá bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức; Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài, rừng dừa nước… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm.

Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác. Đó là định vị hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái, thông qua đó có thể tiếp thị, quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn; Giới thiệu, quảng bá hình ảnh nông thôn Việt Nam giàu bản sắc văn hoá, người dân nông thôn Việt Nam đôn hậu, hiền hòa, mến khách; Tăng tính cấu kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, cùng nhau giữ gìn hồn quê; Khơi gợi tình yêu với nông nghiệp, với thiên nhiên, với người nông dân; Tư duy tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn, hướng đến những làng quê đáng sống, đáng quay về, đáng tìm đến…  

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2023 đã có 45/63 tỉnh, thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tỉnh đặt mục tiêu sớm chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông thôn và phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.

Có thể nói, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan làng quê, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương, vừa tăng thu nhập cho người nông dân ngay trên chính mảnh đất quê hương của họ, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn, góp phần phát triển du lịch Việt theo hướng xanh và bền vững.

Tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội để du lịch nông thôn “cất cánh”

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, du lịch nông thôn Việt Nam còn phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn, bất cập. Đó là, nhiều địa phương chưa nhìn thấy những tiềm năng từ loại hình du lịch này nên chưa quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết. Một số điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng. Cơ chế chính sách hỗ trợ chưa trở thành động lực để phát triển một ngành du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang giá trị xã hội…

 
Du khách ưa thích trải nghiệm các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn

Trên tinh thần đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Thứ nhất, đây là thời điểm quan trọng để thay đổi tư duy về tầm quan trọng và giá trị tích hợp của du lịch nông nghiệp, nông thôn, một phân ngành của kinh tế du lịch. Với cách thức tiếp cận này, Bộ Nông nghiệp đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét chính thức đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào Chương trình du lịch quốc gia để quảng bá và kích hoạt, góp phần làm phong phú hơn tài nguyên du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Tư duy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần phải theo hướng “đa dạng trong thống nhất” - đa dạng về sản phẩm, điểm đến, gắn với đặc trưng vùng miền, nhưng thống nhất về chiến lược kết nối và hỗ trợ, về cách thức tổ chức, tính kết nối.

Thứ hai, vấn đề quy hoạch cần phải được quan tâm. Cần sớm đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia. Quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc… Đây là tiền đề rất quan trọng để tổ chức bài bản loại hình du lịch giàu tiềm năng này.

Thứ ba, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Sử dụng hiệu quả và phát huy các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, canh tác, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng, gắn với chuyển đổi số. Trong đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền vững, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách. Phát triển hài hòa, lấy cộng đồng làm trung tâm, là cơ sở phát triển sản phẩm du lịch.

Thứ tư, tăng cường sự kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn, nhằm giới thiệu, lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.

Thứ năm, cần thay đổi cách thức quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn ở cả tầm quốc gia và địa phương. Thúc đẩy chương trình quốc gia về xúc tiến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động giới thiệu, xúc tiến, quảng bá loại hình du lịch này cũng cần trở thành một điểm nhấn, một thông điệp mới mẻ, một sự kiện ở tầm quốc gia. Mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc, không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu đến du khách, mà còn tạo động lực khơi dậy sự đoàn kết, hỗ trợ của cộng đồng trong làm du lịch.

Thứ sáu, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Bên cạnh đó, sự đa dạng và đặc thù của du lịch nông nghiệp, nông thôn yêu cầu mỗi địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, dựa trên điều kiện của từng địa phương. Các chính sách hỗ trợ về phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường… cần được xem xét, lồng ghép phù hợp. Các địa phương quan tâm, tạo điều kiện bằng các nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển loại hình du lịch còn nhiều tiềm năng này.

Hy vọng rằng, những giải pháp trên sẽ giúp du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam tăng trưởng, phát triển bền vững và cất cánh bay xa trong tương lai./.

 
TH