Xây dựng môi trường văn hóa báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn

|

Xây dựng môi trường văn hóa báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã dành riêng một phiên thảo luận về chủ đề xây dựng môi trường văn hóa báo chí. Tại đây, vai trò quan trọng của văn hóa trong môi trường báo chí một lần nữa được khẳng định và nhấn mạnh là nội dung mang tính cấp thiết đối với quá trình xây dựng và phát triển nền Báo chí Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới. Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và những người làm báo trên cả nước.

Xác định tầm quan trọng của văn hóa trong môi trường báo chí

Ngày 21/6/2022, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” được phát động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí. Việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí” là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, “Đảng ta đã nhấn mạnh đến công tác phát triển nền văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thanh, điện ảnh, thư viện, bảo tồn bảo tàng, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của các công việc đó…” và khẳng định “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…”

Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…



Xây dựng môi trường văn hóa báo chí vì nền báo chí Cách mạng Việt Nam hiện đại, nhân văn

Tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 vừa diễn ra, báo chí được nhấn mạnh là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa. Tác phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa, tinh thần phổ biến nhất trong xã hội hiện đại. Báo chí cũng là tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng, tích cực quảng bá và góp phần phát triển các loại hình văn hóa khác. Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội. Mặt khác, những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế - xã hội tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở, chuyên nghiệp hơn.

Kể từ khi được phát động, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của hầu hết các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng, bước đầu đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày, ngày càng nhiều các cơ quan báo chí có ý thức rõ ràng hơn về việc sử dụng thông tin, hình ảnh đăng báo với tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức, không gây ảnh hưởng đến môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam vẫn còn tồn tại những thách thức, hệ lụy, mặt trái của sự phát triển như hiện tượng một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp... Chính vì vậy, các cơ quan báo chí phải nhận thực rõ rằng, văn hóa báo chí phải luôn đồng hành với nghề làm báo; việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, văn hóa báo chí cần luôn trong tâm thế thi đua thường xuyên, thực chất trong mỗi người làm báo Việt Nam. Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí” là một phong trào lớn, không mang tính nhất thời, mà cần coi đó là một nếp sinh hoạt cần thiết, thường xuyên, lâu dài đối với các cơ quan báo chí.

Trách nhiệm của người làm báo trong xây dựng môi trường văn hóa báo chí

Đối với quá trình xây dựng và phát triển ở bất cứ lĩnh vực nào, nguồn lực con người luôn giữ vai trò là nhân tố quan trọng, là chủ thể thực hiện, mang tính quyết định đến sự thành công của quá trình đó. Vì vậy, để có được những thành tựu trong xây dựng môi trường văn hóa báo chí không thể thiếu trách nhiệm của người làm báo. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được nhắc đến tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024. Trước bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến mới, gia tăng tính cạnh tranh như hiện nay, bên cạnh trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, người làm báo cần hội tụ đầy đủ các yếu tố về trình độ văn hóa, phẩm chất đạo đức, tư duy. Bởi, văn hóa giữ vai trò định hướng và hình thành phương cách làm việc để có được những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, giá trị nhân văn, tính định hướng giáo dục sâu sắc.

Trách nhiệm của người làm báo là bằng trình độ và sự hiểu biết của bản thân, nhận định vấn đề một cách chính xác, khách quan, phản ánh tất cả các vấn đề trong xã hội theo tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, đưa đến cho độc giả những nội dung thông tin, bài viết thiết thực nhất, có thông điệp lan tỏa giá trị văn hóa, giúp hiểu rõ vấn đề, thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi hành vi để cùng hướng đến một cộng đồng xã hội phát triển tốt đẹp, văn minh. Để làm được điều đó, lợi ích quốc gia, dân tộc cần được đặt lên hàng đầu để nhìn nhận vào các vấn đề, hiện tượng, sự việc một cách trung thực, có tính nhân văn.

Song song với trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo đã được quy định rõ trong Luật báo chí 2016 quy định, khoản 3 Điều 25, nhà báo có các nghĩa vụ: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình về những hành vi vi phạm pháp luật. Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Trách nhiệm, nghĩa vụ người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có giá trị, cần có sự bồi đắp thường xuyên về văn hóa, đạo đức, chuyên môn để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn. Qua đó, giữ gìn phẩm chất văn hóa, kiên định theo sự nghiệp báo chí, mỗi người làm báo cần giữ “Tâm sáng, Bút sắc, Lòng trong - nhất quán trong con người, trái tim, sự nghiệp người cầm bút”. Để làm được điều đó, mỗi người làm báo trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam cần có lối sống và làm việc theo tư tưởng đại đức của chủ tịch Hồ Chí Minh; nắm vững, tin tưởng thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần phát huy trách nhiệm chính trị của bản thân, trách nhiệm với cơ quan báo chí đang công tác, bằng việc phát hiện ra những đề tài hay, sáng tạo ra tác phẩm báo chí có giá trị lan tỏa những thông tin có giá trị, việc làm hay, gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng xã hội. Thường xuyên nâng cao nghiệp vụ về chuyên môn báo chí hiện đại, kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kiến thức chuyên ngành, kiến thức kinh tế - xã hội. Kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của đất nước Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong tất cả các cơ quan báo chí, chi hội nhà báo từ trung ương đến địa phương và thi đua trong mỗi cá nhân người làm báo. Qua đó, nhân lên những giá trị nhân văn, lòng tự hào, tự tôn về nghề báo, khích lệ mỗi cá nhân người làm báo, đơn vị báo chí phát triển, đoàn kết và thể hiện sức mạnh của báo chí, góp phần quan trọng chống lại những ảnh hưởng mặt trái về tiêu cực trên không gian mạng và báo chí trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay.


Bộ tiêu chí thực hiện “Cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo Việt Nam”

6 tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa

Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực phấn đấu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuyên mục về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan.

Tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung. Quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và văn phòng đại diện.

Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tinh thần nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái hướng đến các giá trị "chân, thiện, mỹ", lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

Tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo; hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

6 tiêu chí văn hóa của người làm báo

Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo.

Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tinh thần nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Ứng xử chân thành, thân ái, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.

Tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ./.
T.H