Phụ nữ Việt Nam tích cực, năng động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và công nghệ

|

Phụ nữ Việt Nam tích cực, năng động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và công nghệ

Các nhà khoa học nữ với năng lực sáng tạo đã và đang giữ một vị trí hết sức quan trọng trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và đóng góp to lớn vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN). Tuy nhiên, bên cạnh những thành công phụ nữ cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội. Để phát huy vai trò của phụ nữ tham gia vào nghiên cứu KH&CN trong thời gian tới cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong hoạt động này.

Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong nghiên cứu khoa học

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học. Theo đó, KH&CN là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện, số lượng phụ nữ Việt Nam tham gia vào hoạt động nghiên cứu KH&CN ngày càng tăng lên và ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Những nghiên cứu KH&CN của phụ nữ đã và đang đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Tham gia vào các hoạt động nghiên cứu KH&CN, phụ nữ ngày càng khăng định vai trò, vị thế của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận.

 

Trong những năm qua, nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN của phụ nữ Việt Nam được khai thác, chuyển giao tới các cơ sở sản xuất, cộng đồng và toàn xã hội. Những đóng góp nghiên cứu KH&CN của phụ nữ rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, từ sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, hóa học, giáo dục đến môi trường, an sinh xã hội… Nhưng kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và phát triển đời sống kinh tế đất nước.

Trong các kết quả này có thể kể tới thành công trong nghiên cứu khoa học của PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm - giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi nghiên cứu hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng; hay GS.TS. Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc, với nhiều phát hiện mới về hoạt tính sinh học trong các loài thực vật sẵn có trong tự nhiên đã góp phần đưa đến nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng có giá trị trong thời gian qua. Điển hình như: Sản phẩm Bioglucumin và Bioglucumin G... Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có ba nhà khoa học nữ năm 2020 được tạp chí Asian Scientist, Singapore bầu chọn vào danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu Châu Á. Nhiều nhà khoa học nữ, nữ giáo sư trẻ được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO, Top 1% những nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu, Top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á... Đồng thời, ở nhiều chuyên ngành khác vẫn còn rất nhiều nhà khoa học nữ đang hàng ngày hăng say, tận tụy với công việc nghiên cứu KH&CN đem lại nhiều giá trị đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Không chỉ trực tiếp nghiên cứu KH&CN, các nữ giảng viên và những người làm công tác nghiên cứu khoa học, còn đóng vai trò là người truyền tri thức, truyền lửa cho sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, tham gia bồi dưỡng hướng dẫn sinh viên, học viên, thực hiện nghiên cứu khoa học. 

Trong 13 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có gần 6.000 hội viên (trong đó có 24 Giáo sư, 224 Phó Giáo sư, 727 Tiến sĩ và gần 2.000 Thạc sĩ). Trong phát huy vai trò đổi mới sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức phục vụ sự phát triển đất nước bền vững, Hội đã tập trung vào việc thúc đẩy, nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học. Thông qua việc tổ chức trên 100 hội thảo khoa học; hàng trăm công trình nghiên cứu được công bố và trình bày tại các hội nghị cấp quốc gia đã khẳng định năng lực của nữ trí thức Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Hội chú trọng hỗ trợ nữ trí thức chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu thông qua việc tổ chức nhiều khóa tập huấn về sở hữu trí tuệ, kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp, qua đó đã tạo điều kiện cho các sản phẩm nghiên cứu của nữ trí thức được ứng dụng vào thực tiễn. Trong hội nhập với quốc tế, Hội đã chủ động mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài và là thành viên của Mạng lưới các nhà Khoa học và Kỹ sư nữ khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APNN), thuộc tổ chức các nhà khoa học Công nghệ nữ quốc tế (INWEST).

 

Các đại biểu tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương
(INWES APNN) năm 2024.

Để phát huy tiềm năng, tăng cường sự tham gia ngày càng chất lượng của phụ nữ trong phát triển, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, mới đây, Bộ KH&CN và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2024-2026. Chương trình gồm 3 nội dung quan trọng: Phối hợp trong nghiên cứu khoa học, đề xuất chính sách, nâng cao năng lực, tôn vinh các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc; Phối hợp trong truyền thông, đào tạo nâng cao năng lực về ứng dụng KH&CN; Phối hợp trong việc thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ.

Khuyến khích phụ nữ tích cực tham gia sáng tạo, nghiên cứu KH&CN, tại buổi gặp mặt đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Phải khuyến khích, vận động chị em phụ nữ chủ động, sáng tạo, ra sức học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Bình đẳng giới; hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các văn bản có liên quan. Quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp với việc triển khai hiệu quả chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030"; Đề án "Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025".

Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong sự nghiệp nghiên cứu KH&CN đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, song trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nữ giới tham gia vào nghiên cứu KH&CN vẫn còn có những khó khăn, thách thức đến từ gia đình và xã hội, như: Vừa phải đi làm vừa phải làm tròn thiên chức làm mẹ; quan điểm "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn phổ biến trong nhiều cộng đồng dân cư khiến nhiều phụ nữ mất đi cơ hội phát triển năng lực bản thân;...Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong nghiên cứu KH&CN thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp như:

Một là, tiếp tục phát huy tiềm năng, tăng cường sự tham gia ngày càng chất lượng của phụ nữ trong phát triển, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực này. Tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong hoạt động nghiên cứu KH&CN.

Hai là, cần quan tâm, chăm sóc và thúc đẩy phát triển nữ trí thức Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy, làm việc ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Tiếp tục bổ sung nhiều chương trình KH&CN cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ.

Ba là, có chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên đối với nữ trí thức làm công tác nghiên cứu KH&CN, nhất là đội ngũ nữ trí thức trẻ. cần quan tâm và ưu đãi cán bộ nữ làm nhiệm vụ NC&KH thuộc dân tộc thiểu số, phụ nữ làm việc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nữ tại các trường đại học trên cả nước. Coi trọng và huy động các nguồn lực xã hội để hình thành quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nữ, đào tạo nữ trí thức trẻ có tri thức, năng lực, kiến thức về hội nhập quốc tế.

Bốn là, các nhà khoa học nữ cần chủ động đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN, để các kết quả nghiên cứu KH&CN đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

Năm là, bản thân người phụ nữ cũng phải nỗ lực hơn, có niềm đam mê và nhiều nghị lực. Để tham gia nghiên cứu khoa học, người phụ nữ phải giải quyết tốt mối quan hệ nội bộ gia đình, bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học./.

Trang Nguyễn