Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

|

Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được xem là một quyết sách đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi, đồng thời củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, với sự đa dạng về nội dung, chính sách, hình thức triển khai, quy mô đầu tư cho từng chính sách nhỏ cùng nhiều định mức quy định khác nhau... đã khiến việc triển khai thực hiện chương trình khá khó khăn và phức tạp. Do vậy, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình này, các địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị với nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG DTTS và miền núi) được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần. Chương trình này được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1719/ QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021, với giai đoạn I từ năm 2021-2025 có mục tiêu chung là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS, miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

 


 
Với sự đa dạng về nội dung chính sách, hình thức triển khai cùng quy mô đầu tư cho từng chính sách nhỏ với nhiều định mức quy định khác nhau… nên công tác quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình cần có sự tham gia của nhiều bộ, cơ quan Trung ương. Theo đó, để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì Chương trình đã tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, triển khai cụ thể các chương trình phối hợp.

Giai đoạn I của Chương trình từ năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện là 47.057 tỷ đồng; giao kinh phí nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình năm 2022 là hơn 14.400 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 9.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 5,4 tỷ đồng. Đến ngày 30/01/2023, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình năm 2022 tại các địa phương trên cả nước đạt trung bình 42,53%.

Theo kết quả báo cáo của Ủy ban dân tộc, tính đến hết tháng 01/2023, việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành với 32/33 văn bản được ban hành. Tổ công tác về Chương trình đã được thành lập. Tại địa phương, 50/50 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp tỉnh và cấp huyện. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức, do đó Chương trình MTQG DTTS và miền núi hiện được các cấp, các ngành, dư luận xã hội và người dân đặc biệt quan tâm, tích cực vào cuộc để tổ chức triển khai thực hiện.

Tuy vậy, theo đánh giá chung việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể: Một số nội dung của chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 còn chưa thực sự đồng bộ, chưa có định mức hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng thụ hưởng; Việc bố trí nguồn lực cho chính sách chưa phù hợp với mục tiêu, nội dung và thời gian thực hiện chính sách; Văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của một số bộ, ngành chưa rõ, hướng dẫn chưa cụ thể, chi tiết gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện ở địa phương… Bên cạnh đó, quá trình triển khai Chương trình cũng đối mặt với nhiều rủi ro như hệ thống quy định chồng chéo, khác nhau khi Chương trình này phải lồng ghép với các Chương trình còn lại (Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ triển khai 03 chương trình MTQG gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững). Điều này dẫn đến việc các bộ tiêu chí cũng khác nhau, gây khó khăn trong việc lựa chọn các bộ tiêu chí để áp dụng.

Đặc biệt, đối với Chương trình MTQG DTTS và miền núi, do có địa bàn triển khai khá rộng, dàn trải, đa dạng về công việc, loại hình, khoảng cách địa lý xa, tình hình an ninh chính trị một số vùng đồng bào DTTS và miền núi còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định nên càng gây nhiều khó khăn cho công tác giải ngân mặc dù nguồn vốn dành cho Chương trình là khá lớn. Kết quả quá trình triển khai Chương trình còn chậm, kéo theo việc tỷ lệ giải ngân năm 2022 ở mức chậm nhất với 42,53% so với tỷ lệ bình quân 57,7% của cả 03 Chương trình.

Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc song hiện các địa phương đã và đang tập trung triển khai Chương trình với quyết tâm cao. Theo đó, tại Hòa Bình, là một tỉnh miền núi phía Bắc có trên 74% dân số là đồng bào DTTS, với đa dạng các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông... chủ yếu sinh sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Để triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG DTTS và miền núi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp thống nhất, xây dựng phương án giao, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là trên 1.573 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 1.430 tỷ đồng; nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương 143.047 triệu đồng (vốn ngân sách tỉnh 7.706 triệu đồng, vốn ngân sách huyện 135.341 triệu đồng); giao, phân bổ kế hoạch năm 2022 thực hiện Chương trình là: Vốn đầu tư phát triển: 274.535 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 149.025 triệu đồng bảo đảm đúng quy định về tiêu chí, định mức phân bổ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tại tỉnh Lào Cai: Tổng vốn bố trí, huy động để thực hiện Chương trình năm 2022 của tỉnh là hơn 721 tỷ đồng. Để đảm bảo sự thống nhất cũng như nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình, Tỉnh ủy Lào Cai đã có sự chỉ đạo quyết liệt cùng sự giám sát cặt chẽ của HĐND tỉnh và UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc các ngành, phối hợp với các địa phương chủ động triển thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình. Với sự chủ động, tích cực triển khai, tiến độ về tổ chức, thực hiện giải ngân vốn kế hoạch Chương trình của tỉnh Lào Cai năm 2022 được đánh giá đứng tốp đầu toàn quốc.

Tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện Chương trình MTQG và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh có kế hoạch dành 1.984 tỷ đồng để triển khai 10 dự án thành phần của Chương trình với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Với quyết tâm cao, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh bình quân 2%/năm, phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân của người DTTS lên gấp 2 lần so với năm 2020; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; giảm 50% số thôn, xóm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 100% đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa… Cùng với đó, công tác y tế của Tỉnh cũng sẽ được tăng cường để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%...

Tại Quảng Bình, để từng bước thực hiện thành công Chương trình MTQG, tạo sự thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi như kỳ vọng, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG. Trong đó, năm 2022, tổng nguồn vốn được phân bổ hơn 260 tỷ đồng. Trong nguồn vốn theo kế hoạch, tỉnh Quảng Bình sẽ dành 89 tỷ đồng để thực hiện Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Với nhiều mục tiêu quan trọng, tỉnh quyết tâm giảm bình quân 4%/năm số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Xây dựng 2 điểm du lịch cộng đồng để tạo sinh kế, bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh…

Tại Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là gần 1.022 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 698,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 104,7 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách hơn 193,5 tỷ đồng; vốn huy động khác gần 25 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Chương trình sẽ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và trong dự toán ngân sách Nhà nước 2021 - 2025 từ nguồn vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ 10 dự án thành phần của Chương trình; trong đó, ưu tiên các dự án trọng điểm để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Đầu tư để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS…

Tại Sóc Trăng, hiện tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cơ chế quản lý triển khai thực hiện Chương trình. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình với tổng vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 trên 790 tỷ đồng; riêng năm 2022 nguồn vốn ngân sách trên 242 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến 31/12/2022 ước đạt 162.8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 78,17% so với kế hoạch vốn năm 2022; ngân sách địa phương và vốn huy động giải ngân 27,4 tỷ đồng đạt tỷ lệ 79,21%...

Có thể thấy, để hiện thực hóa mục tiêu tại Chương trình cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh có triển khai thực hiện Chương trình đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc; yêu cầu việc triển khai các tiểu dự án, chính sách thành phần phải đảm bảo hiệu quả thiết thực; nêu cao vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát.

Cùng với đó, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc nói chung và Chương trình MTQG nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trong đồng bào DTTS; huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách Nhà nước là quyết định; tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thời gian tới, để quá trình triển khai Chương trình đạt được thành quả tích cực, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung triển khai tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc nhằm tập trung tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện Chương trình; hướng dẫn về định mức vốn; các chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế, phát triển nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng…

Với sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống Chính trị, các cơ quan bộ, ngành cũng như chính quyền các cấp tại mỗi địa phương đã cho thấy sự quyết tâm trong triển khai thực hiện Chương trình. Tin tưởng rằng, Chương trình MTQG DTTS và miền núi sẽ là đòn bẩy thực sự tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các địa phương miền núi còn nhiều khó khăn; tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS có cơ hội phát triển vươn lên, giúp cho đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào DTTS và miền núi nước ta ngày được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS sẽ có thêm nhiều khởi sắc./.

 
ThS.Triệu Văn Lượng
Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng