Còn nhiều dư địa hợp tác sau 10 năm đối tác toàn diện Việt - Mỹ

|

Còn nhiều dư địa hợp tác sau 10 năm đối tác toàn diện Việt - Mỹ

Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 và xác lập quan hệ "Đối tác toàn diện" vào ngày 25/7/2013. Đến nay, sau một thập kỷ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và gần 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt - Mỹ đang có bước phát triển tích cực, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, vững chắc trên nhiều lĩnh vực.
 
Nhiều dấu ấn trong quan hệ hợp tác

Trong công tác đối ngoại, hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao. Trong các tuyên bố chung và các buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam và Mỹ luôn nhất quán khẳng định việc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc; luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Cùng với sự phát triển quan hệ chính trị, an ninh - quốc phòng, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư được coi là một trong những lĩnh vực thành công nhất, đang trở thành điểm sáng nổi bật, động lực phát triển cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 giữa hai quốc gia đạt 123,9 tỉ USD, tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2013 (29,1 tỉ USD). Với con số 123,9 tỉ USD, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 8 của Mỹ. Trong hoạt động xuất khẩu, Mỹ là một thị trường khó tính khi có nhiều quy định và thủ tục phức tạp và ngặt nghèo, nhưng trong thập kỷ qua, quốc gia này luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt năm 2022, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD với kim ngạch đạt 109,1 tỉ USD. Trong nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, có 13 nhóm hàng đạt trên 1 tỉ USD, trong đó có 4 nhóm trên 10 tỉ USD; 2 nhóm hàng xuất khẩu tiến tới mốc 20 tỉ USD gồm dệt may và máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác. Quý I/2023, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 5 tỉ USD so cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn đạt 20,6 tỉ USD, chiếm tới 26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với hàng hóa nước ta xuất khẩu sang Mỹ, song kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tiếp tục vượt mốc 100 tỉ USD.

Hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác toàn diện hai quốc gia, quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hòa Kỳ cũng ghi nhiều dấu đậm nét. Tiêu biểu là hợp tác giữa Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing và hãng hàng không Vietjet trong giao dịch phát triển đội tàu, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng hàng không, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu đầu tư... nhằm hướng tới phát triển lâu dài, bền vững của hai tập đoàn.

Nhờ vào vị trí địa kinh tế, với nền tảng chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô tăng trưởng cao, có nhiều chính sách đầu tư cởi mở, năng lực của các địa phương, doanh nghiệp trong nước ngày một tăng cường, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Mỹ nói riêng. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính lũy kế đến tháng 12/2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỉ USD với tổng số 1.216 dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam,
trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 14-16/4/2023 (Ảnh: Hải Nguyễn)


Mỹ hiện đứng thứ 11/141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đều đã có mặt tại nước ta như ExxonMobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Nike, Amazon và P&G... Dòng vốn đầu tư của Mỹ đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đáng kể thúc đẩy đa dạng hóa sản xuất trong nước, tăng cường chuyển giao công nghệ, tri thức và kỹ năng quản lý, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ nằm trong top 10 quốc gia mà Việt Nam có dự án đầu tư với 48,2 triệu USD trong năm 2022, chiếm 9% tổng 534 triệu USD vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh). Các nhà đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo; cấp nước và xử lý chất thải; vận tải kho bãi…

Bên cạnh đó trong những năm qua, Việt Nam - Mỹ cũng tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục, thể hiện qua sự hợp tác mạnh mẽ giữa các trường đại học của hai nước trong đào tạo và nghiên cứu. Đến nay, tại Việt Nam có khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo; 6 cơ sở giáo dục phổ thông và 1 trường đại học có vốn đầu tư của Mỹ. Các trường đại học của Mỹ luôn đi tiên phong về công nghệ và kỹ thuật giáo dục, do đó Mỹ cũng là quốc gia nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn học tập. Hiện, tại Mỹ có gần 30.000 bạn trẻ Việt Nam đang theo học ở tất cả các cấp. Xếp thứ 5 trong các nước có số sinh viên Việt Nam du học nhiều nhất.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu, Mỹ đã sát cánh, viện trợ hàng chục triệu liều vắc xin, giúp Việt Nam từng bước kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo cho sự phục hồi an toàn và mạnh mẽ sau đại dịch. Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực y tế công cộng, trong đó có việc thành lập Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ tại Hà Nội. Ở chiều ngược lại, Việt Nam kịp thời hỗ trợ Mỹ trang thiết bị, vật tư y tế trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Mỹ - Việt Nam cũng tăng cường hợp tác trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học và công nghệ… Bên cạnh đẩy mạnh hợp tác song phương, hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, tiểu vùng Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, liên quan đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác toàn diện trong tương lai

Những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là nền tảng để tiếp tục vun đắp, nâng quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/3/2023, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi những định hướng lớn trong quan hệ chung hai nước, nhất là việc gặp gỡ, giao lưu cấp cao để tăng cường hiểu biết, tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo...

Tại các cuộc gặp trong chuyến thăm của với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken tới nước ta vào tháng Tư mới đây, các Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tiếp tục khẳng định coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Mỹ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Đồng thời thể hiện quan điểm kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken cũng khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, ủng hộ Việt Nam“mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”.

Đánh giá còn nhiều dư địa hợp tác trong tương lai, để làm sâu sắc và phát triển hơn mối quan hệ song phương, hai bên cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục củng cố quan hệ Việt - Mỹ ngày càng sâu rộng, ổn định và vững chắc trong thời gian tới. Trong đó đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như bổ sung thêm các lĩnh vực hợp tác mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo…

Việt Nam tiếp tục ưu tiên tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số) nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, góp phần giúp doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Việt Nam và Mỹ cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới, để giải quyết những khó khăn, thách thức mà cả hai nước đều đang phải đối mặt, nhằm đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050./. 

ThS. Nguyễn Hữu Bình - ThS. Lưu Thị Duyên
Trường Đại học Lao động Xã hội