Tận dụng hiệp định EVFTA cho tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU

|

Tận dụng hiệp định EVFTA cho tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU

Sau hơn 2 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đem lại hưởng lợi khả quan cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU; đồng thời góp phần quan trọng làm giảm các tác động bất lợi từ bối cảnh quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển lên tầm cao mới.

Tối đa hóa lợi ích của Hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU

Hiệp định EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, đây là FTA có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu, rộng nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cân bằng giữa hai bên và được đánh giá góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

 

Sắt thép một trong những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU 

EU là thị trường lớn và nhiều dư địa tăng trưởng. Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì đối đầu cạnh tranh. Việc thâm nhập thành công vào thị trường EU giúp Việt Nam góp phần giải quyết bài toán đầu ra và mở rộng, đa dạng hóa thị trường đưa sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam ngày càng  tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020 và chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ các thuận lợi từ Hiệp định đã giúp tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường EU rất tích cực. Cụ thể, ngay trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%. Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 của Bộ Công Thương, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU27 đạt 62,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7%; nhập khẩu đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,7%. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU27 khoảng 31,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU27 đều ghi nhận mức tăng trưởng cao so với năm 2021, trừ xuất khẩu sang Áo, Slovakia, Bồ Đào Nha và Phần Lan giảm. Về mặt hàng, năm 2022, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU27, có 09 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như: Điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại; hạt điều; sản phẩm mây tre...

Điểm sáng khác trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 (mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu đi châu Âu) đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so cùng kỳ năm 2020. Riêng 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2021. Kết quả tích cực này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA.

Việc tối đa hóa lợi ích của Hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU có thể kể đến Tập đoàn Lộc Trời chuyên xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU thời gian qua. Để tận dụng cơ hội từ mức thuế quan trong Hiệp định EVFTA mang lại, Tập đoàn Lộc Trời đã củng cố lại các khâu sản xuất, tăng diện tích vùng trồng, tăng cường kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu theo tiêu chuẩn EU để gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Với sự thay đổi tích cực này, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu gạo đi EU hưởng ưu đãi của Hiệp định EVFTA. Kết quả sản lượng xuất khẩu gạo của Tập đoàn Lộc Trời vào EU tăng rất nhanh. Nếu trước khi Hiệp định EVFTA,  xuất khẩu gao của Tập đoàn vào EU năm 2018 là 2.200 tấn gạo, sang năm 2019 đã tăng lên 8.000 nghìn tấn. Năm 2020, khi Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8 thì xuất gạo của Tập đoàn vào EU là 11 nghìn tấn, năm 2021 là 12 nghìn tấn và năm 2022  tăng cao đạt khoảng 25 nghìn tấn. Tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA không chỉ giúp gia tăng sản lượng xuất khẩu gạo vào thị trường EU, mà còn giúp Tập đoàn Lộc Trời xây dựng thương hiệu quốc tế riêng cho doanh nghiệp.

Đối với Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sự quan tâm của khách hàng EU đối với mặt hàng rau quả của Công ty đã tăng 30-40%. Tận dụng cơ hội, Công ty cũng đã thành công đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như: Dừa, bưởi, thanh long,... vào EU.

Tham gia vào Hiệp định EVFTA các doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng lợi khả quan từ EVFTA, chủ yếu từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất - nhập khẩu, bên cạnh đó là các hiệu ứng tích cực trong việc gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận, tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Mặt khác, các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ các nước Châu Âu. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với hơn 500 doanh nghiệp sau 2 năm thực thi hiệp định EVFTA cho thấy kết quả tích cực. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp thì có 4 doanh nghiệp cho biết đã từng thu được những lợi ích nhất định từ EVFTA, trong đó nhóm lợi ích phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU hoặc đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU.

Có thể thấy, tích cực tối đa hóa lợi ích của hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đang đem lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Đồng thời, việc thực hiện các cam kết của Hiệp định với tiêu chuẩn cao cũng đang tạo ra động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống Thương vụ tại nước ngoài đã nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, kịp thời thông tin giúp các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU ngày càng thuận lợi hơn.

Tận dụng hiệp định EVFTA cho tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm thực thi EVFTA, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này. Tỷ trọng xuất khẩu sang EU tăng chưa tương xứng; mặt hàng có giá trị tốc độ tăng trưởng chưa cao, nhiều mặt hàng chưa tận dụng triệt để các ưu đãi từ EVFTA; mức độ tận dụng gắn kết thương mại và thu hút đầu tư từ EU vẫn chưa như mong muốn; giá trị và lợi ích các doanh nghiệp Việt Nam thu về chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo Bộ Công Thương, hiện dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn. Tiềm năng từ EVFTA đang trải rộng đối với nhiều ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của cả hai phía trong thời gian tới. Riêng tỷ lệ mặt hàng rau quả tươi, rau quả chế biến, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU hiện mới chiếm khoảng 2,7% thị phần tại EU; với nhóm mặt hàng thủy sản (cá tra và sản phẩm khác), tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU cũng mới chiếm khoảng 4,2% thị phần. Do đó, dư địa để Việt Nam xuất khẩu hai mặt hàng này sang EU là rất lớn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi, nắm bắt tốt hơn cơ hội từ EVFTA, trong thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai các nội dung như: Thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP) để doanh nghiệp có thể kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội; đổi mới các hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khóa tập huấn, hội thảo ngắn với chuyên đề thiết thực cho doanh nghiệp, nhất là đối với các lãnh đạo, chủ doanh nghiệp; thúc đẩy xây dựng và thực hiện các giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, để tận dụng hiệu quả thị trường EU sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần tập trung vào các giải pháp sau:

Về phía cơ quan quản lý

Một là, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường, nghiên cứu, định hướng thiết lập các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam trên thị trường các nước thành viên EVFTA đối với các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam; Nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU cho các nhóm hàng trọng điểm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; Chú trọng truyền thông, quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam hướng tới thị trường EU, và chương trình quảng bá chỉ dẫn địa lý tại thị trường EU trong khuôn khổ Chương trình thương hiệu Quốc gia; Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn tại thị trường EU trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

Hai là, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp hướng tới tiêu chí xanh nhằm tiếp cận thị trường, định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế, phù hợp với xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường của người tiêu dùng tại các nước EU; Hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Ba là, tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác định hướng và có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm có chất lượng, sẵn sàng tham gia thị trường; Chỉ đạo hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng, miền nhằm quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; Tăng cường liên kết hoạt động xúc tiến thương mại giữa các tổ chức xúc tiến thương mại, tích cực chia sẻ thông tin nhằm tận dụng hiệu quả các nguồn lực. Trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoặc hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại lựa chọn các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn, có uy tín tại thị trường châu Âu để xây dựng đề án xúc tiến thương mại quốc gia, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia.

Bốn là, về công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA: Tổ chức các hội thảo giới thiệu, khóa tập huấn chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tới các đối tượng thụ hưởng khác nhau, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp tại các cụm tỉnh, thành khác nhau trên cả nước; Tổ chức các hội thảo/diễn đàn doanh nghiệp tại EU để giới thiệu, phổ biến về Hiệp định và các cơ hội tiếp cận thị trường, cũng như kết nối xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư của doanh nghiệp EU vào Việt Nam,

Về phía doanh nghiệp

Một là, chủ động tìm hiểu Hiệp định EVFTA thông qua việc tham gia các chương trình phổ biến, hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn về EVFTA do Bộ Công Thương và các đơn vị phối hợp tổ chức; tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về Hiệp định, cơ hội thị trường EU tại trang thông tin điện tử về EVFTA của Bộ Công Thương tại địa chỉ evfta.gov.vn.

Hai là, doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ theo từng cơ chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của Hiệp định. Cụ thể, cần lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động và các quy định, nguyên tắc về bảo vệ môi trường.

Ba là, chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của Hiệp định và tiêu chuẩn cao của EU đối với các mặt hàng. Bên cạnh đó, phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả, xây dựng và bảo vệ thương hiệu hướng đến thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.

Năm là, cần chủ động và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực./.

Minh Thư