Phát triển doanh nghiệp xanh trong xu thế kinh tế xanh

|

Phát triển doanh nghiệp xanh trong xu thế kinh tế xanh

Hiện nay, xu hướng phát triển xanh - bền vững đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc phát triển xanh một cách toàn diện là yêu cầu tất yếu.
 
Doanh nghiệp xanh – trong xu thế kinh tế xanh

Kinh tế xanh được hiểu đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển bền vững. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải các-bon, ô nhiễm môi trường, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Như vậy, một nền kinh tế xanh phải vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường. Các tiêu chuẩn bền vững đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Các chuyên gia cho rằng, “xanh” và “số” là hai từ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đang đeo đuổi nếu muốn thích ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế. Nếu như trước đây, theo đuổi “tính xanh” là sự đánh đổi chi phí, thì bây giờ xanh là để bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Trước yêu cầu ngày càng cao và mang tính bắt buộc trên toàn cầu, các doanh nghiệp cũng bắt buộc phải chuyển mình và thay đổi để thích ứng.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn đến việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh; lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất; lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…

Tuy nhiên, khảo sát doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước hiểu rõ các quy định môi trường. Bên cạnh đó, các vấn đề về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định về môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định về môi trường còn cao. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường.

Để một doanh nghiệp được đánh giá là "Doanh nghiệp xanh" cần phải dựa vào 3 yếu tố, tiêu chí chính bao gồm: (i) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; (ii) Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; (iii) Tuân thủ về hồ sơ quản  môi trường cùng các vấn đề liên quan khác. Đây là những tiêu chí bắt buộc các doanh nghiệp phải hướng đến để hòa mình trong xu hướng phát triển xanh, bền vững. Bên cạnh đó, các quy định về sản phẩm xanh của các thị trường nhập khẩu cũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ nếu muốn gia nhập sân chơi quốc tế. Điển hình như ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua quy định sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản, gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ và đồ gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà quy trình sản xuất được thực hiện trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 vào thị trường EU. Như vậy, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như: Cà phê, gỗ và đồ gỗ, ca cao, cao su sẽ buộc phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng.

 

Phát triển doanh nghiệp xanh trong xu thế kinh tế xanh

Đối với ngành Dệt may, hiện tiêu chuẩn LEED được đánh giá trên sáu yếu tố chính bao gồm: Vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước, các khía cạnh bền vững, đổi mới trong hoạt động và ưu tiên khu vực...  Ngoài ra, ngành dệt may thế giới còn yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế. Các quy định này được tính điểm trong đơn hàng... Đồng thời, việc ngành Dệt may Việt Nam để mất đơn hàng vào tay Bangladesh và có thể bị quốc gia này lấy lại vị trí số 2 thế giới trong năm 2023, trong đó có nguyên nhân do chậm chuyển đổi xanh. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để các ngành hàng tại Việt Nam tái cấu trúc, phát triển bền vững. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản cũng như thực hiện xanh hóa chuỗi cung ứng là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường EU.

Mới đây, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi cả nước chỉ có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì có tới 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cũng cho thấy, quý II/2023 có 36,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm, 38,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, các hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị giảm sút, mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, đến năm 2050 giảm phát thải ròng các-bon bằng 0 là những thách thức không nhỏ.

Định hướng và một số giải pháp phát triển doanh nghiệp xanh trong xu thế kinh tế xanh

Để vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu; quá trình này cần lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, trong đó sẽ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các bên liên quan; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực trong phát triển xanh.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt với định hướng tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Chiến lược tăng trưởng xanh bước đầu được triển khai thành công, từng bước góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mở rộng khả năng tiếp cận bình đẳng cho nhân dân về thành quả phát triển của quá trình chuyển đổi xanh; hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Để việc triển khai thực hiện Chiến lược đạt hiệu quả cao nhất, cần tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh, trong đó cần bảo đảm các công cụ thực thi, theo dõi, đánh giá… được ban hành đầy đủ, cơ chế chính sách thuận lợi cho việc triển khai tại các cấp từ Trung ương đến địa phương; bên cạnh đó cần quan tâm đầy đủ tới nguồn lực đầu tư (công, tư), công nghệ quản trị, đào tạo nhân lực; các bộ, cơ quan liên quan cần tích cực, chủ động hội nhập, học tập kinh nghiệm quốc tế về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và mới đây, ngày 16/6/2023, tại Thông báo số 227/TB-VPCP về kết luận cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động, tích cực thực hiện các nội dung đã được phân công tại Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh thực hiện nền kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững, về phía Chính phủ, Nhà nước cần đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp cho chính người quản lý và lao động trong doanh nghiệp mình và tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, cơ sở sản xuất… Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, phát huy vai trò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng trước những hoạt động sản xuất - kinh doanh, những sản phẩm có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng./.
 Gia Linh