Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện năng suất lao động quốc gia

|

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện năng suất lao động quốc gia

Sáu định hướng lớn

Thứ nhất, cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường để khắc phục các “nút thắt” là nguyên nhân khiến NSLĐ chưa cao. Nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mỗi người dân, mỗi lao động được trao cơ hội, qua đó có thể phát huy tối đa năng lực của mình, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế - xã hội.

 

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao; từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng; từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang lao động có giá trị gia tăng cao hơn.

Thứ ba, cải cách khu vực tài chính ngân hàng để đảm bảo dòng vốn chảy vào khu vực có NSLĐ cao nhất, trong đó ưu tiên nguồn vốn vào các lĩnh vực có NSLĐ cao hơn.

Thứ tư, cải cách mạnh mẽ và nhanh hơn nữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển; thúc đẩy, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân và các khu vực khác (như hợp tác xã) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo...

Thứ năm, tiếp tục thu hút FDI một cách có chọn lựa, ưu tiên các dự án thâm dụng công nghệ, sử dụng nguồn lực chất lượng cao để cùng với khu vực kinh tế trong nước nâng cấp nền sản xuất, tăng năng suất chung của nền kinh tế.

Thứ sáu, tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia vào các “dòng chảy” thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các“dòng chảy” đó trở thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia.

Sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Một là, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Hai là, tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả ở phía cung (người lao động) lẫn phía cầu (doanh nghiệp) của thị trường lao động, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có thể tham gia thị trường lao động với chi phí giao dịch thấp nhất để tìm được việc làm hay lao động tốt nhất theo nguyện vọng, qua đó phát huy được tối đa năng lực và yêu cầu của mình.

Ba là, thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam nói chung, các tài năng Việt Nam đang ở nước ngoài nói riêng, trong đó có du học sinh của Việt Nam.

Bốn là, xây dựng một cơ chế cán bộ mở trong các cơ quan Nhà nước để thu hút người giỏi vào bộ máy Nhà nước, đồng thời tạo dựng môi trường làm việc cùng với cơ chế cạnh tranh để chọn lọc và thúc đẩy những người tài năng.

Năm là, NSLĐ có tương quan chặt chẽ với trình độ giáo dục, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi sẽ luôn là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.

Sáu là, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới, để có thể phát huy được năng lực, do đó, đầu tư vào ứng dụng KHCN cũng là một chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. Hai chiến lược là đào tạo kỹ năng chuyên môn cho lao động và đầu tư cho công nghệ cần phải tương thích với nhau để bảo đảm hiệu quả tốt nhất.

Tại Hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm đưa NSLĐ Việt Nam phát triển, đặc biệt là xây dựng chính sách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ thể chế hóa nội dung Hội nghị, xây dựng văn bản pháp luật trình Thủ tướng xem xét, ban hành, làm cơ sở pháp luật để triển khai ở các cấp, các ngành./.