Bắt đầu từ 01/11/2021 ngành Thống kê triển khai điều tra lập bảng IO
Ngày 09/7/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 1176/QĐ-TCTK về việc Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian năm 2021 (viết gọn là Điều tra IO năm 2021). Cuộc điều tra thực hiện nhằm lập Bảng cân đối liên ngành năm 2019 của Việt Nam theo 178 ngành sản phẩm IO; biên soạn hệ số chi phí trung gian và các hệ số tài khoản quốc gia theo ngành kinh tế cấp 1, cấp 2 cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, điều tra IO nhằm phân tích, đánh giá kết quả sản xuất chi tiết theo 178 ngành sản phẩm IO và đánh giá sự thay đổi cơ cấu chi phí sản xuất, tích luỹ, tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu và các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác. Ngoài ra, để tính các chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê ASEAN, chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam (V-SDG); xây dựng các mô hình phục vụ cho công tác phân tích kinh tế vĩ mô.
Cuộc điều tra triển khai trong 40 ngày (từ ngày 01/11/2021 – 10/12/2021) và được thực hiện theo hình thức điều tra chọn mẫu trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung điều tra bao gồm: Thông tin định danh, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh (viết gọn là SXKD) và chi phí SXKD của các tổ chức; thông tin tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư; thông tin về giá trị thuế xuất, nhập khẩu; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa; giá trị thu thuế, phí và lệ phí và chi ngân sách nhà nước; dư nợ tín dụng, dư nợ cho vay và số dư huy động vốn; giá trị sản xuất của các sản phẩm theo 178 ngành sản phẩm IO được chọn.
Đơn vị điều tra của cuộc điều tra, gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước; Các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (viết gọn là cơ quan hành chính) và đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị dự toán cấp II, cấp III hoặc cấp IV), đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, hiệp hội; Doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, hợp tác xã hạch toán kinh tế độc lập (viết gọn là doanh nghiệp) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Hợp tác xã năm 2012 và các Luật chuyên ngành đã đi vào hoạt động SXKD trước thời điểm 01/01/2020 và hiện đang hoạt động SXKD; Cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (viết gọn là cơ sở SXKD cá thể); Hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; Tổ chức vô vị lợi phục vụ hộ gia đình; Hộ dân cư tiêu dùng cuối cùng (viết gọn là hộ dân cư).
Quy trình xử lý và tổng hợp kết quả điều tra
Về quy trình xử lý thông tin
Đối với Phiếu điều tra trực tuyến (Webform): Thông tin trên phiếu điều tra trực tuyến được truyền về và lưu trữ trên hệ thống máy chủ của Tổng cục Thống kê ngay sau khi đơn vị điều tra hoàn thành cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử.
Đối với Phiếu điều tra điện tử (CAPI): Thông tin trên phiếu CAPI được ĐTV hoàn thành và gửi về máy chủ của Tổng cục Thống kê thông qua đường truyền dữ liệu trực tuyến ngay trong quá trình điều tra thực địa. Dữ liệu được kiểm tra, nghiệm thu (duyệt) bởi các giám sát viên (viết gọn là GSV) cấp tỉnh và GSV cấp Trung ương.
Đối với Phiếu CAPI, phải bảo đảm cả 3 khâu quan trọng của điều tra: bảng kê và phân quyền thực hiện thực địa; thu thập thông tin và đồng bộ dữ liệu; kiểm soát thông tin điều tra và quản trị thông tin.
Phiếu điều tra giấy: Thông tin trên phiếu điều tra giấy được thực hiện nhập tin trực tuyến song song cùng với quá trình thu thập thông tin. Thông tin sau khi được nhập được truyền về và lưu trữ trên hệ thống máy chủ của Tổng cục Thống kê.
Thông tin thu thập được từ các loại phiếu, biểu của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước được thực hiện nhập tin ngay sau khi quá trình thu thập thông tin kết thúc.
Về tổng hợp kết quả điều tra
Kết quả thu thập thông tin của từng phiếu điều tra sẽ được tổng hợp theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các hệ số và ma trận. Cụ thể:
- Tổng hợp và tính toán Giá trị sản xuất (theo phương pháp doanh thu và chi phí) theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng hợp và tính toán chi phí trung gian và các cấu phần của chi phí trung gian theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng hợp và tính toán giá trị tăng thêm và cấu phần của giá trị tăng thêm theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tính toán các hệ số điều tra mẫu gồm: Hệ số chi phí trung gian và các hệ số của cấu phần của chi phí trung gian; hệ số giá trị tăng thêm và các hệ số cấu phần của giá trị tăng thêm.
- Tổng hợp và xử lý số liệu giá trị sản xuất toàn bộ của 63 tỉnh, thành phố theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế; tổng hợp cho 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng hợp số liệu trả lãi tiền vay, phí bảo hiểm, tính toán hệ số trả lãi tiền vay, phí bảo hiểm để phân bổ FISIM.
- Tổng hợp và xây dựng hệ số chi phí trung gian, cấu phần của chi phí trung gian, giá trị tăng thêm và cấu phần của giá trị tăng thêm (số liệu toàn bộ) theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng hợp ma trận giá trị sản xuất, véc tơ xuất khẩu, nhập khẩu, véc tơ thuế.
- Tổng hợp và xây dựng ma trận nhập khẩu, phí vận tải, phí thương mại, thuế.
- Tổng hợp và xây dựng ma trận hệ số chi phí trực tiếp.
- Tổng hợp và xây dựng ma trận cầu cuối cùng.
- Tổng hợp và xây dựng ma trận giá trị tăng thêm.
Kết quả thu thập thông tin về giá trị sản xuất theo ngành kinh tế và thành phần kinh tế theo giá hiện hành trên phạm vi cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ các Vụ Thống kê chuyên ngành thuộc Tổng cục Thống kê sẽ được tổng hợp để phục vụ lập Bảng IO năm 2019 của Việt Nam./.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)