Từ 1/11/2021, ngành Thống kê triển khai điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian

|

Từ 1/11/2021, ngành Thống kê triển khai điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian

Ngày 09/7/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 1176/QĐ-TCTK về việc điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian. Hiện, ngành Thống kê đang tập trung lực lượng triển khai cuộc điều tra này. Dự kiến, cuộc điều tra kết thúc trong tháng 12/2021.

Theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia, cuộc điều tra IO lần thứ 6 được thực hiện vào năm 2018 (Ngành Thống kê đã thực hiện 5 cuộc điều tra IO vào các năm 1989, 1996, 2000, 2007 và 2012). Tuy nhiên, do năm 2020, Tổng cục Thống kê tiến hành chuyển đổi năm gốc so sánh và theo khuyến nghị của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc thì năm thực hiện điều tra biên soạn hệ số IC và lập bảng IO cần trùng với năm gốc so sánh (chỉ có hệ số chi phí trung gian của năm gốc), vì vậy Lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cuộc điều tra IO lần 6 từ năm 2018 sang năm 2021 để biên soạn bảng IO cho năm 2020.
Việc triển khai điều tra IO 2021 là thực sự cần thiết, bởi kể từ năm 2012 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có rất nhiều biến động (đặc biệt ở nhiều ngành kinh tế; nhiều tỉnh, thành phố đã có sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu kinh tế), hệ số chi phí trung gian năm 2012 (dù đã được cập nhật một số ngành) đã không còn phù hợp cho cả nước và các tỉnh, thành phố trong giai đoạn mới.

Theo phương án, Điều tra IO thực hiện chọn mẫu trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thực hiện từ ngày 1/11-10/12/2021) nhằm thu thập thông tin 178 ngành sản phẩm của Bảng IO. Đối tượng điều tra: Là các tổ chức, cá nhân chứa đựng thông tin cần thu thập. Trong cuộc điều tra này, đối tượng điều tra bao gồm: Thông tin định danh, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh (viết gọn là SXKD) và chi phí SXKD của các tổ chức; thông tin tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư; thông tin về giá trị thuế xuất, nhập khẩu; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa; giá trị thu thuế, phí và lệ phí và chi ngân sách nhà nước; dư nợ tín dụng, dư nợ cho vay và số dư huy động vốn; giá trị sản xuất của các sản phẩm theo 178 ngành sản phẩm IO được chọn.

Đơn vị điều tra, bao gồm: (i) Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. (ii) Các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (viết gọn là cơ quan hành chính) và đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị dự toán cấp II, cấp III hoặc cấp IV); đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; hiệp hội. (iii) Doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, hợp tác xã hạch toán kinh tế độc lập (viết gọn là doanh nghiệp) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Hợp tác xã năm 2012 và các Luật chuyên ngành đã đi vào hoạt động SXKD trước thời điểm 01/01/2020 và hiện đang hoạt động SXKD. (iv) Cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (viết gọn là cơ sở SXKD cá thể). (v) Hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. (vi) Tổ chức vô vị lợi phục vụ hộ gia đình. (vii) Hộ dân cư tiêu dùng cuối cùng.

Điều tra IO năm 2021 thu thập các thông tin sau:

- Đối với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước: Thông tin về thu chi ngân sách, thuế sản xuất, trợ cấp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa dịch vụ; thông tin về dư nợ tín dụng, huy động vốn theo ngành kinh tế, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và tín dụng qua thẻ tín dụng.

- Đối với doanh nghiệp: Thông tin về loại hình, ngành hoạt động SXKD, ngành sản phẩm chính, doanh thu, chi phí sản xuất, chi phí khấu hao tài sản cố định, thu nhập, thuế, thành phẩm tồn kho và sản phẩm dở dang…

- Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp: Thông tin về loại hình, ngành sản phẩm chính; các hoạt động thu của đơn vị, các hoạt động chi thường xuyên, tổng giá trị khấu hao/hao mòn tài sản cố định, chi phí cho người lao động, chi trả lãi tiền vay ngân hàng (nếu có), các khoản nộp ngân sách nhà nước, tổng chi phúc lợi xã hội năm 2019…

- Đối với đơn vị hiệp hội, cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và các cơ sở vô vị lợi khác: Thông tin về loại hình hoạt động, ngành nghề hoạt động, ngành sản phẩm chính của cơ sở; lao động, thu hoạt động và chi hoạt động thường xuyên của cơ sở năm 2020...

- Đối với cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Thông tin về loại hình, ngành nghề hoạt động; lao động, doanh thu từ sản phẩm, chi phí cho sản xuất sản phẩm, thu nhập, thuế, thành phẩm tồn kho và sản phẩm dở dang.

- Đối với hộ tiêu dùng sản phẩm vật chất và dịch vụ: Thông tin về tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư.

Dự kiến, cuộc điều tra IO 2021 sẽ kết thúc trong tháng 12/2021. Kết quả thu thập thông tin của từng phiếu điều tra sẽ được tổng hợp theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các hệ số và ma trận.

Kết quả thu thập thông tin về giá trị sản xuất theo ngành kinh tế và thành phần kinh tế theo giá hiện hành trên phạm vi cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ các Vụ Thống kê chuyên ngành thuộc Tổng cục Thống kê sẽ được tổng hợp để phục vụ lập Bảng IO năm 2019 của Việt Nam./.

 
                                                                                                PV