Đặc sản quýt Bắc Cạn được người tiêu dùng ưa thích

|

NDO - NDĐT - Quýt Bắc Cạn có hương vị đặc trưng, thơm ngon nổi tiếng, người dân không dùng hóa chất bảo quản, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý nên ngày càng được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến. Hiện nay đang vào vụ thu hoạch, loại cây đặc sản này đang góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Những ngày này, dọc Quốc lộ 3B, từ xã Quang Thuận vào xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, người buôn tổ chức nhiều điểm thu mua quýt, bảo quản trong những thùng xốp rồi đưa lên ô- tô vận chuyển về các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn... tiêu thụ.

Tại xã Quang Thuận, địa phương trồng nhiều quýt nhất, phù hợp với thổ nhưỡng nên quýt ở đây quả to, đều, đẹp và thơm ngon nhất. Những ngày này, các hoạt động thu hái, vận chuyển, buôn bán quýt trên địa bàn xã Quang Thuận diễn ra thật nhộn nhịp, sự phấn khởi hiện rõ trên những khuôn mặt thật thà, chất phác của đồng bào dân tộc Tày địa phương.

Đến gia đình chị Triệu Thị Thành ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận thấy đồi quýt rộng gần 4ha, cây nào cũng lúc lỉu quả đang vào độ chín trên sườn đồi thoai thoải trông thật thích mắt. Với diện tích này, hằng năm gia đình chị Thành thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Chị vui mừng: “Năm nay quýt không sai quả bằng năm trước, nhưng bù lại là quả to, đều, ước chừng sẽ thu 40 tấn quả, giá bán ổn định nên cũng mang lại thu nhập khá cho gia đình”.

Đến nay, xã Quang Thuận có khoảng 500 ha cam, quýt cho thu hoạch quả, sản lượng hằng năm khoảng ba nghìn tấn, mang lại nguồn thu cho đồng bào dân tộc Tày, Dao trên địa bàn xã khoảng 30 tỷ đồng.

Những năm trước đây, mặc dù quýt Quang Thuận nói riêng và quýt Bắc Cạn nói chung thơm, ngọt, nhưng đặc sản này của địa phương chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Từ khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, quýt Bắc Cạn được người tiêu dùng các tỉnh lân cận, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang biết đến. Người buôn ở các tỉnh này lên Bắc Cạn thu mua quýt, một số người địa phương tổ chức thu mua rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Do đó, những năm gần đây, quýt Bắc Cạn bán được giá cao và ổn định hơn, mở ra cơ hội cho bà con các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể và Chợ Mới xóa đói giảm nghèo.

Bà Lèng Thị Yết ở thôn Nà Kha, xã Quang Thuận là người chuyên thu mua quýt ở địa phương rồi vận chuyển về Thái Nguyên tiêu thụ, chia sẻ: “Quýt Quang Thuận có hương vị đặc trưng, ngọt, quả đều, người dân địa phương không dùng hóa chất bảo quản, hái trên vườn là vận chuyển xuống điểm thu mua bán ngay nên người tiêu dùng Thái Nguyên ưa thích”.

Để bảo tồn chất lượng loại quả đặc sản này, tỉnh Bắc Cạn đã quy hoạch vùng trồng cam, quýt; lựa chọn những cây đầu dòng, cây ưu tú để tạo nguồn giống, ban hành chính sách hỗ trợ người dân trong vùng quy hoạch trồng; thực hiện một số đề tài nghiên cứu để nâng cao chất lượng quýt nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu từ loại cây này.