Nghịch lý tại hai trại giống cây lâm nghiệp ở Bắc Cạn

|

NDO - NDĐT - Hiện nay, nhu cầu giống cây lâm nghiệp tại Bắc Cạn rất lớn, vào giai đoạn 2010-2015 tại địa phương trồng từ chín đến mười nghìn ha rừng, nhưng hai trại giống thuộc đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh lại không thể chủ động cung cấp giống cho các chương trình, dự án vì không có tư cách pháp nhân. Điều này bó buộc tính tự chủ, hoạt động kém hiệu quả, đi ngược lại chủ trương hiện nay.

Trại giống Cao Kỳ và Vườn ươm Nà Pài thuộc Trung tâm Giống cây trồng và Vật nuôi tỉnh Bắc Cạn, từ đầu năm 2017 trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Cạn. Hai trại giống này được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để sản xuất các loại giống cây lâm nghiệp. Mặc dù bố trí hai cán bộ, được ngân sách trả lương hằng tháng, nhưng những năm qua cả hai trại giống này hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu, là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, nhưng cả hai đơn vị lại không có tư cách pháp nhân nên hoạt động không hiệu quả.

Từ đầu năm 2017, chị Mã Thị Xuân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Cạn được giao nhiệm vụ quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Trại giống Cao Kỳ. Thấy cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư khá lớn, trong khi chỉ có một mình, không có vốn nên chị Xuân đã xin nghỉ việc.

Được sự động viên của cơ quan, đồng nghiệp nên chị Xuân tiếp tục nhận nhiệm vụ, tự huy động vốn, thuê nhân công, tổ chức gieo ươm hàng vạn cây giống lâm nghiệp sẽ xuất bán từ vụ trồng rừng 2018. Là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh giống, nhưng Trại giống Cao Kỳ “toàn không”, đó là không có tư cách pháp nhân, không có con dấu, không có hóa đơn chứng từ, không tài khoản nên mặc dù đã liên hệ được nơi tiêu thụ giống, nhưng chị Xuân phải nhờ Cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Mạnh Ninh ở phường Xuất Hóa (TP Bắc Cạn) đứng tên để có hóa đơn, chứng từ cung cấp cho bên mua cây giống.

Tương tự như vậy, Vườn ươm Nà Pài cũng có năng lực sản xuất vài chục vạn giống cây lâm nghiệp, nhưng cũng không có tư cách pháp nhân, muốn xuất bán giống cho các dự án trồng rừng của Nhà nước thì phải đứng tên đơn vị khác để được xuất hóa đơn, chứng từ thanh toán. Phụ trách Vườn ươm Nà Pài Đỗ Thị Thử cho biết: Năm 2017 đã nhiều lần trình phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh của vườn ươm nhưng không hiểu vì sao chưa được phê duyệt.

Tiếp nhận cơ sở vật chất đầu tư của Nhà nước, được giao nhiệm vụ chuyên sản xuất giống cây trồng, nhưng lại không có tư cách pháp nhân nên không thể tự mình đứng ra bán giống cây trồng, muốn bán giống phải “núp bóng” một đơn vị khác nên không tự chủ được, đây đang là nghịch lý đối với hai trại giống nêu trên.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Cạn Đỗ Xuân Việt cho biết: Trại giống Cao Kỳ và Vườn ươm Nà Pài trực thuộc Trung tâm Khuyến nông (đơn vị có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản), nhưng Trung tâm Khuyến nông không thể đứng ra bán giống cây trồng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Cạn đã đề nghị phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh của hai trại giống, nhưng cơ quan có thẩm quyền chần chừ chưa phê duyệt.

Việc trao tư cách pháp nhân cho hai đơn vị này sẽ không làm tăng bộ máy, biên chế, vì trên thực tế, Vườn ươm Nà Pài và Trại giống Cao Kỳ đã là đơn vị tự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Bắc Cạn cần quan tâm, tháo gỡ vướng mắc này để phát huy cơ sở vật chất đã được đầu tư, đồng thời giao quyền tự chủ cho hai cơ sở này để phát huy tinh thần năng động trong việc sản xuất và tiêu thụ cây giống. Qua đó từng bước thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư cho hai trại giống.