Kinh tế số và đo lường kinh tế số là một trong những vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm để làm rõ hơn khi triển khai xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, chiều ngày 1/9/2021, tại Hà Nội Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Đo lường kinh tế số. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến; các thành viên của Tổ biên tập xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số; Cục Thống kê tỉnh Hải Dương.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ông Cao Viết Sinh nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ, Tổ trưởng Tổ tư vấn chuyên gia tư vấn của Bộ trưởng; đại diện Vụ Khoa học, Giáo dục và Tài nguyên Mội trường.
Về phía các Bộ, ban, ngành có ông Đỗ Ngọc An - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thống, trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến Đo lường kinh tế số
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã nêu rõ định hướng về các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025) trong đó có quy định đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GDP và để đo lường được đóng góp của kinh tế số đối với GDP cần thiết phải xây dựng khung đo lường kinh tế số với góc nhìn toàn diện đó là quy mô nền kinh tế số, hạ tầng số và các chỉ tiêu có liên quan. Thực hiện yêu cầu đặt ra, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, TCTK đã chủ động thành lập Tổ công tác về đo lường kinh tế số để xây dựng khung đo lường kinh tế số ở Việt Nam ngay từ năm 2020. Đồng thời đề xuất một số chỉ tiêu và khẩn trương đề xuất để sửa đổi Luật Thống kê nhằm đo lường và thống nhất triển khai thực hiện ở các Bộ, ngành cũng như các cơ quan có liên quan.
Tổ chức Hội thảo, TCTK mong muốn xin ý kiến thống nhất về khái niệm, định nghĩa và các khung đo lường được thể hiện cụ thể qua các chỉ tiêu đề xuất. Đồng thời Hội thảo cũng là cơ hội để TCTK nhận các ý kiến đóng góp hữu ích của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu của các trường đại học và các ý kiến thực tiễn của các đơn vị triển khai thực hiện đo lường kết nối, xây dựng các công cụ kinh tế số.
Định nghĩa về nền kinh tế số đã được đề cập đến từ giữa những năm 1990 nhằm phản ảnh bản chất thay đổi nhanh chóng của công nghệ và việc sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo đó, từ điển Oxford định nghĩa “Nền kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”. Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Năm 2020 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa “Nền kinh tế số kết hợp tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu”.
Tại Việt Nam định nghĩa kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng ICT, tức là điện tử, viễn thông và CNTT, để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế.
Đề xuất định hướng xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số là đo lường kinh tế số thông qua “nền kinh tế số” và “xã hội số” trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế có tính đến các đặc thù của Việt Nam. Đến nay, việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số đã làm được một số công việc như: thành lâp Tổ biên tập xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số; Tiến hành được khoảng 8 cuộc hội thảo (Tổ, Bộ Thông tin và Truyền thông…); Đề xuất 24 chỉ tiêu kinh tế số quy định trong Luật Thống kê sửa đổi và đề xuất hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số gồm 54 chỉ tiêu thống kê. Việc đề xuất chỉ tiêu được xây dựng trên nguyên tắc phản ánh tổng thể về kinh tế số (tiếp cận ở phạm vi rộng); Bảo đảm tính khả thi; Bảo đảm tính so sánh quốc tế.
Kết quả đề xuất, về danh mục gồm 5 nhóm với 54 chỉ tiêu. Cụ thể: Quy mô kinh tế số (10 chỉ tiêu); Hạ tầng số (6 chỉ tiêu); Mức độ phổ cập phương tiện số (20 chỉ tiêu); Mức độ phổ cập dịch vụ trực tuyến (15 chỉ tiêu); Kỹ năng và nguồn nhân lực số (3 chỉ tiêu). Trong đó, kế thừa kinh nghiệm quốc tế trong rà soát ban đầu có 28 chỉ tiêu của G20 và 30 chỉ tiêu của EU.
Nội dung mỗi chỉ tiêu được chuẩn hóa theo các tiêu chí như: Khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn dữ liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
Dự kiến cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp gồm: TCTK: 38/54 chỉ tiêu; Bộ Thông tin và Truyền thông: 08/54 chỉ tiêu; Bộ Giáo dục và Đào tạo: 03/54 chỉ tiêu; Ngân hàng Nhà nước VN: 01/54 chỉ tiêu; Bộ Y tế: 01/54 chỉ tiêu; Bộ Công thương: 02/54 chỉ tiêu; Bộ Khoa học và Công nghệ: 01/54 chỉ tiêu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày về các nội dung như: Một số nội dung cơ bản về đo lường kinh tế số; Kế hoạch tiếp theo để triển khai đo lường kinh tế số và Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số Việt Nam. Thảo luận và cho ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung tài liệu Hội thảo của TCTK và khẳng định đo lường kinh tế số là vấn đề khó nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Liên quan đến các nội dung trình bày tại Hội thảo các đại biểu cho rằng vấn đề kỹ năng nguồn nhân lực trong đó có kỹ năng của người dân về mặt nội hàm cần xem xét thêm để đảm bảo kỹ năng tối thiểu về kinh tế số. Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý tới các vấn đề cần được quan tâm như: Trao quyền, giàu nghèo trong tiếp cận kinh tế số, an toàn kinh tế số… Nhìn chung về cơ bản các đại biểu nhất trí với các nội dung TCTK đưa ra tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến cho biết, để phục vụ cho kinh tế số, hiện tại, TCTK đã có đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu trong đó có phần thử nghiệm đo lường kinh số ở Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến cũng bày tỏ tin tưởng rằng với sự vào cuộc của Tổ soạn thảo trên tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và nhiệt huyết cùng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu của các trường đại học sẽ có được bộ chỉ tiêu đáp ứng được việc đo lường kinh tế số tại Việt Nam trong tương lai và khi xây dựng bộ hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số và các nghiên cứu đo lường sẽ bổ trợ cho các công việc tiếp theo để tính toán kinh tế số được triển khai thuận lợi.
Kết thúc Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp và hợp tác chặt chẽ của các đại biểu vào triển khai xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số của TCTK trong thời gian tới.
Về triển khai công việc tiếp theo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương đề nghị, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhóm nghiên cứu sẽ có báo cáo chốt lại khái niệm, nội hàm, phạm vi; cách thức đo lường từ các đơn vị trong điều tra và tổng điều tra; làm rõ những chỉ tiêu nào tổng điều tra mới có được. Về mặt kỹ thuật, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho rằng về cơ bản không đáng lo ngại nhưng phải xem xét phân cách, phân tổ lại để thống nhất với quốc tế cũng như với khu vực./.
M.T