Sáng ngày 29/6/2024, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì cuộc họp báo.
Tham dự cuộc họp báo có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí và truyền thông trên địa bàn TP. Hà Nội.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương công bố số liệu tại cuộc họp báo
Phát biểu khai mạc cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, gây bất định cho cả sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm tăng biến động tài chính.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng. Các Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Theo số liệu thống kê, kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, nuôi trồng thủy sản tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế ; ngành lâm nghiệp tăng 5,34% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,02%, đóng góp 0,73 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,18%, đóng góp 0,30 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,94%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm.
Khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024, đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024 đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17% . Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2024 là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm. Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Toàn cảnh cuộc họp báo
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhận định, bước sang quý III/2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% của năm 2024, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã đưa ra 6 giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước; tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới đang dần phục hồi; các Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn...; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp.
Đồng thời, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Đại diện lãnh đạo các Vụ chuyên môn của TCTK trả lời câu hỏi của Phóng viên
Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các Vụ chuyên môn của TCTK đã dành thời gian trả lời câu hỏi của phóng viên về các nội dung như: Tăng lương tác động đến CPI và lạm phát thời gian tới; các vấn đề liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, lao động và giá cả dịch vu tới hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả nước trong những tháng cuối năm./.
M.T