Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2011- 2016 Bức tranh nhiều điểm sáng

|

Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2011- 2016 Bức tranh nhiều điểm sáng

Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu về thu hút vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tiếp thu công nghệ và nâng cao kinh nghiệm quản lý hiện đại. Nhờ có sự đóng góp quan trọng của khu vực FDI, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, được biết đến là một quốc gia phát triển năng động, đổi mới, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Kết quả hoạt động FDI giai đoạn 2011 – 2016 là minh chứng rõ ràng vai trò quan trọng của FDI đối với sự thành công về chính sách đổi mới của Việt Nam.
 
Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI
 
Theo báo cáo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, tính đến thời điểm 31/12/2016, cả nước có hơn 14 nghìn doanh nghiệp FDI, chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp, gấp 1,6 lần năm 2011 (bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 9,2%/năm). Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 85,5% toàn bộ doanh nghiệp FDI gấp 1,6 lần năm 2011 (bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 9,8%/năm). Doanh nghiệp liên doanh chiếm 14,5% toàn bộ doanh nghiệp FDI, gấp 1,4 lần năm 2011 (bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 6,3%/năm).
 
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI đến thời điểm 31/12/2016 là gần 4,2 triệu người, chiếm 29,6% tổng số lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, gấp 1,6 lần năm 2011. Trong đó, lao động của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 91,9%; lao động của doanh nghiệp liên doanh chiếm 8,1%. Bình quân mỗi năm của giai đoạn 2011-2016 lao động doanh nghiệp FDI tăng 10,2%, tương đương 320,7 nghìn lao động, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
 
Nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp FDI sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) tại thời điểm 31/12/2016 là 5072,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng nguồn vốn của các loại hình doanh nghiệp, gấp 2,1 lần năm 2011 (bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 16,3%/năm). Tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp và số lao động. Điều này chứng tỏ ngày càng nhiều dự án FDI có quy mô vốn lớn đầu tư và mở rộng SXKD tại Việt Nam.
 
Năm 2016, doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 4886,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần của các loại hình doanh nghiệp, gấp 2,3 lần năm 2011 (bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 18,6%/năm). Tốc độ tăng bình quân doanh thu thuần giai đoạn 2011-2016 của doanh nghiệp FDI cũng cao hơn tốc độ tăng bình quân về số doanh nghiệp, số lao động và nguồn vốn.
 
Với tốc độ gia tăng nhanh chóng như vậy, doanh nghiệp FDI đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước: Năm 2016 đạt 250,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,1% tổng số thuế và các khoản đã nộp ngân sách nhà nước của các loại hình doanh nghiệp, gấp 1,5 lần năm 2011 (bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 8,6%/năm). Có thể thấy giai đoạn 2011-2016, bức tranh FDI khá sáng sủa khi doanh nghiệp FDI ngày càng phát triển về qui mô, số lượng và mở rộng địa bàn hoạt động, đến nay, doanh nghiệp FDI đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngành kinh tế.
 
Doanh nghiệp FDI phát triển ở tất cả các vùng
Hiện, doanh nghiệp FDI đã có mặt tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ tỉnh Điện Biên), kể cả các tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ thuộc miền núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng cũng có các doanh nghiệp FDI hoạt động, mặc dù số lượng không nhiều.
 
Doanh nghiệp FDI hoạt động rộng khắp các vùng nhưng số lượng doanh nghiệp phân bố không đều. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng kinh tế trọng điểm của đất nước tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp FDI đang hoạt động.
 
Vùng Đông Nam Bộ luôn dẫn đầu cả nước về thu hút số doanh nghiệp FDI và vốn SXKD. Năm 2011, số lượng doanh nghiệp FDI là 5332 doanh nghiệp, chiếm 59,2% tổng số doanh nghiệp FDI và 60,7% tổng nguồn vốn. Năm 2016, số lượng doanh nghiệp FDI là 7568 doanh nghiệp, chiếm 54% tổng số doanh nghiệp FDI và 49,3% tổng nguồn vốn.
 
Vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng đứng thứ hai về số doanh nghiệp FDI đang hoạt động với 2609 doanh nghiệp năm 2011, chiếm 29% tổng số doanh nghiệp FDI và 32,1% tổng nguồn vốn. Năm 2016, số lượng doanh nghiệp FDI là 4408 doanh nghiệp, chiếm 31,5% tổng số doanh nghiệp FDI và 32% tổng nguồn vốn. Ngoài các địa phương trong vùng đã có truyền thống, thế mạnh về thu hút FDI như: TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng thì trong vài năm qua, một số địa phương đã vươn lên mạnh mẽ và thu hút được nhiều dự án FDI lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng và cả nước. Điển hình như Bắc Ninh đã thu hút được nhiều tập đoàn có danh tiếng trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, viễn thông như: Canon, Samsung, P&Tel, Sumitomo, ABB, Nokia. Điều này có tác động tích cực đến xuất khẩu cũng như tạo việc làm tại địa phương và các tỉnh lân cận.
 
Tính chung hai vùng trọng điểm này thì năm 2011, số doanh nghiệp FDI chiếm 88,1% tổng nguồn vốn chiếm tới 92,8%; năm 2016 số doanh nghiệp FDI chiếm 85,5% tổng nguồn vốn chiếm 81,2%.
 
Các vùng còn lại có số doanh nghiệp FDI ít, chiếm tỷ trọng thấp, cụ thể năm 2016: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 3,3% số doanh nghiệp và 5,3% nguồn vốn; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chiếm 5,5% số doanh nghiệp và 8,2% nguồn vốn; Vùng Tây Nguyên chiếm 0,6% số doanh nghiệp0,3% nguồn vốn; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 5% số doanh nghiệp và 2,9% nguồn vốn.
 
Đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế
 
Doanh nghiệp FDI hoạt động ở hầu hết các ngành kinh tế, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất số doanh nghiệp, vốn và lao động. Tính đến thời điểm 31/12/2016, số doanh nghiệp FDI hoạt động tại ngành này là 7441 doanh nghiệp với nguồn vốn đạt 2983,6 nghìn tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 3,8 triệu người, chiếm 53,1% tổng số doanh nghiệp FDI, chiếm 58,8% nguồn vốn và 90,4% lao động của toàn bộ doanh nghiệp FDI.
 
Trong ngành chế biến, chế tạo có những ngành chiếm tỷ trọng cao về vốn sản xuất kinh doanh như: Điện tử, máy vi tính và các sản phẩm quang học chiếm 14,7% vốn SXKD của toàn bộ doanh nghiệp FDI; sản xuất kim loại chiếm 7,5%; ngành dệt chiếm 4%; ngành chế biến thực phẩm chiếm 3,7%.
 
Ngành công nghiệp điện tử: Các doanh nghiệp FDI trong ngành này phát triển rất mạnh trong những năm qua. Năm 2011 số lượng doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực này là 255 doanh nghiệp với tổng nguồn vốn đạt 137,5 nghìn tỷ đồng; đến năm 2016  là 709 doanh nghiệp với tổng nguồn vốn đạt 747,3 nghìn tỷ đồng, doanh thu năm 2016 đạt 1538,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8 lần so với năm 2011. Hiện nay, có rất nhiều các tập đoàn toàn cầu đầu tư vào Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử như Tập đoàn Samsung, Nokia, Canon. Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa sản xuất linh kiện cho các doanh nghiệp lắp ráp lớn, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam.
 
Ngành dệt may: Đây là ngành sản xuất đã khá phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên ngành này phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu và phụ kiện phục vụ sản xuất, đặc biệt ở sản phẩm xuất khẩu. Giai đoạn 2011-2016, ngành dệt may phát triển tương đối nhanh: Tổng nguồn vốn năm 2016 đạt 203,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2011, tăng bình quân 19,4%/năm; doanh thu tăng bình quân 13,2%/năm, trong khi đó, số doanh nghiệp tăng bình quân 6,2%/năm, lao động tăng bình quân 12%/năm. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp FDI ngành dệt may hoạt động có hiệu quả và có xu hướng đầu tư mở rộng SXKD.
 
Ngành công nghiệp hóa chất: Hóa chất là ngành quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp nước ta. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp FDI sản xuất các sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất chưa nhiều: năm 2011 có 304 doanh nghiệp, năm 2016 có 402 doanh nghiệp. Như vậy, sau 5 năm số doanh nghiệp FDI chỉ tăng 1,3 lần, bình quân 5,7%/năm; doanh thu năm 2011 đạt 84,6 nghìn tỷ đồng, năm 2016 đạt 138,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6 lần, bình quân 10,4%/năm.
 
Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có tổng vốn SXKD chiếm 18,8% toàn bộ doanh nghiệp FDI năm 2016, quy mô vốn SXKD gấp 1,6 lần năm 2011. Tổng vốn SXKD của hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 5,5% toàn bộ doanh nghiệp FDI, vốn SXKD năm 2016 gấp 1,7 lần năm 2011. Đây là những ngành có xu hướng thu hút được nhiều dự án đầu tư mới.
 
Trong khi đó, đầu tư của khu vực FDI vào ngành khai khoáng lại có xu hướng thu hẹp, năm 2016 vốn SXKD của doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành này bằng 3,5% tổng vốn SXKD của toàn bộ doanh nghiệp FDI (năm 2011 là 8,8%), vốn SXKD năm 2016 chỉ bằng 84,9% so với năm 2011. Xu hướng này cũng phù hợp với định hướng của Nhà nước không khuyến khích thu hút FDI đầu tư vào những ngành khai thác tài nguyên khoáng sản.
 
Mặc dù Việt Nam là đất nước có lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp nhưng vẫn chưa có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2011-2016, tổng vốn SXKD đầu tư vào ngành này chưa có sự cải thiện và chỉ chiếm 0,3% tổng vốn đầu tư của toàn bộ doanh nghiệp FDI. Năm 2016 số doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 119 doanh nghiệp, tăng 1,1 lần so với 2011.
 
Quy mô vốn và lợi nhuận bình quân của khu vực doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng
 
Khu vực doanh nghiệp FDI là khu vực có quy mô về lao động, nguồn vốn SXKD, tài sản cố định, doanh thu và lợi nhuận bình quân một doanh nghiệp vượt trội so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhưng lại thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước.
 
Trong khi lao động bình quân có xu hướng ổn định thì nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2011-2016, năm 2016 là 337,6 tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2011 (năm 2011 là 264,9 tỷ đồng), gấp gần 12 lần khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng chỉ bằng 0,12 lần khu vực doanh nghiệp nhà nước.
 
Lợi nhuận bình quân một doanh nghiệp FDI cũng có xu hướng tăng lên theo xu hướng tăng vốn, năm 2016 đạt 23,3 tỷ đồng gấp 2 lần năm 2011 (năm 2011 đạt 11,7 tỷ đồng), gấp 60,6 lần khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng chỉ bằng 0,3 lần khu vực doanh nghiệp nhà nước. Trong khi lao động bình quân và vốn bình quân chỉ cao hơn tương ứng là 16,9 lần và 12 lần, nhưng lợi nhuận bình quân của một doanh nghiệp FDI lại cao hơn 60,6 lần lợi nhuận bình quân của một doanh nghiệp ngoài nhà nước. Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, thể hiện một thực tế là khu vực doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
 
Có thể nói, giai đoạn 2011 -2016 đánh dấu sự phát triển trở lại của doanh nghiệp FDI sau thời gian chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp FDI cùng những kết quả như: Tăng trưởng về vốn, đóng góp vào ngân sách và xu hướng mở rộng hoạt động của khu vực này cho thấy sự nhanh nhạy, linh hoạt của Việt Nam trong việc điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, nắn dòng vốn FDI tới những khu vực trọng điểm. Điều đó đã tạo thêm động lực, xúc tác để Việt Nam phát triển kinh tế, tạo bàn đạp cho giai đoạn kế tiếp.
 
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để doanh nghiệp FDI phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các dự án có chất lượng vào các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là hai khu vực kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng như các địa phương phải có những định hướng, chiến lược nhằm tìm ra lợi thế so sánh để thu hút các doanh nghiệp FDI mới, có chất lượng đầu tư vào các tỉnh thuộc các vùng kinh tế còn lại. Đặc biệt là các tỉnh thuộc Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên là hai vùng không thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn nhân lực./.

 
Khánh Quỳnh