Sôi động thị trường bán lẻ năm 2019

|

Sôi động thị trường bán lẻ năm 2019

Ngay từ đầu năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và được chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội địa trong mở rộng mạng lưới phân phối và chinh phục lòng tin người tiêu dùng. Hiện các nhà bán lẻ tại các địa phương đã và đang chuẩn bị nguồn hàng, sẵn sàng cung ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm Tết Nguyên đán 2020.

Thị trường bán lẻ duy trì đà tăng trưởng

Kết thúc năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam để lại dấu ấn khá ấn tượng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt con số kỷ lục 4.416,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2017 (số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê). Đây là đòn bẩy tạo đà cho thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đánh dấu một mốc mới, đạt 4.940,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so năm 2018, mức tăng cao nhất giai đoạn 2016-2019. Tính riêng ngành bán lẻ hàng hóa có doanh thu đạt 3.751,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 12,7%. Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 13,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,3%; may mặc tăng 10,9%; phương tiện đi lại tăng 7,8%... Sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam từ đầu năm đến nay thể hiện cầu tiêu dùng tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu và thị hiếu của người dân.

Các nhà bán lẻ cung ứng hàng đến người tiêu dùng qua nhiều kênh phân phối khác nhau như: Chợ, cửa hàng tạp hóa (kênh phân phối truyền thống); siêu thị, cửa hàng tiện lợi (kênh phân phối hiện đại) và các kênh thương mại điện tử. Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Trong khi đó, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh với nhiều kênh bán hàng online (Facebook, zalo, Tik Tok), các chợ thương mại điện tử (tiki, sendo, shopee, lazada…) hay các website. Tuy nhiên theo đánh giá, kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp bán lẻ và kết quả nghiên cứu truyền thông của Vietnam Report trong giai đoạn 8/2018-8/2019 cũng cho thấy, mặc dù các kênh thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng song kênh bán hàng truyền thống vẫn có sức thống trị thị trường. Bởi có tới 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho biết gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lý; ngược lại chỉ có khoảng 2% đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

Điểm đáng lưu ý của thị trường bán lẻ trong thời gian qua là sự chuyển biến đáng kể của mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Xuất hiện tại thị trường Việt Nam cách đây khoảng chục năm, thế nhưng đến nay mô hình này mới thực sự tạo sự chú ý đối với người tiêu dùng và đang dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống với những chiến lược kinh doanh bài bản từ những thương hiệu quốc tế, cũng như sự gia nhập của các đơn vị nội địa. Số lượng các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang tăng lên không ngừng. Hiện cả nước có hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của các thương hiệu như Family Mart, B’s Mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart+, 7Eleven, GS 25…

Trong đà tăng trưởng chung của toàn ngành, nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước đạt doanh thu khá cao. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 của tập đoàn Vingroup, tính đến ngày 30/6/2019, mảng bán lẻ của tập đoàn do Công ty VinCommerce quản lý đã đạt doanh thu 14.021 tỉ đồng, tăng 5.867 tỉ đồng, tương đương tăng 72%so với năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) ghi nhận trên 68.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất (trong đó trên 6.100 tỷ đồng là doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.700 tỷ đồng, tăng 37%. Công ty Lotte Shopping (Hàn Quốc) cũng cho biết trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của hệ thống siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam đạt khoảng 169 tỉ Won, tương đương hơn 3.220 tỉ đồng. Con số này tăng trưởng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận hoạt động của hệ thống Lotte Mart đạt 267 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, kéo theo đó là làn sóng hàng hóa nước ngoài tràn vào thị trường bán lẻ trong nước ngày một nhiều hơn, song hàng hóa Việt Nam vẫn chiếm lĩnh phần lớn trong hệ thống bán lẻ. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, hầu hết trên 80%. Chẳng hạn, tỷ lệ hàng Việt ở Saigon Co.opmart đạt 90-93%, Satra là 90-95%, Vissan là 95%, Lotte đạt 82%, AEON đạt 80%...

Với quy mô dân số trên 96 triệu dân (kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê), mức chi tiêu hộ gia đình ngày một tăng cùng nhiều hiệp định thương mại tự do hoàn tất quá trình đàm phán và được ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)… thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành một trong 6 ngành nghề thu hút dòng vốn đầu tư lớn nhất hiện nay. Coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á, tháng 2/2019, Tập đoàn AEON của Nhật cho biết đã lên kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn, với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, dự kiến tạo ra 50.000 việc làm cho lao động Việt Nam. Ngoài ra, 2 tập đoàn của Thái Lan là Central Group và TCC hay Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư tại thị trường bán lẻ nước ta.

Nhà bán lẻ nội vươn lên mở rộng thị phần và những kết quả xứng đáng

Đúng như dự báo của các chuyên gia, lĩnh vực bán lẻ năm 2019 được chứng kiến nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đình đám. Điều đáng nói là mặc dù những thương hiệu toàn cầu và nhà bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng của mình lên thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng các nhà bán lẻ trong nước đã vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, nỗ lực trong cuộc đua thị phần, phát triển mở rộng mạng lưới.

Một trong những nhà bán lẻ nội địa giành lợi thế trong các thương vụ M&A bán lẻ được nhắc tên nhiều nhất là Công ty VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+. Đầu tiên là vào tháng 4/2019, Công ty VinCommerce công bố sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go của Công ty Cửa hiệu và Sức Sống, trong đó có 70 cửa hàng tại TP.HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội. Bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh từ năm 2006, Shop&Go được người tiêu dùng biết đến như một mô hình cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24h mỗi ngày, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh, thức uống pha chế, các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại, thẻ gọi điện thoại đường dài IDD card... Các cửa hàng Shop&Go sau sáp nhập sẽ được chuyển đổi, nâng cấp mọi mặt từ cơ sở vật chất, hàng hoá, chất lượng nhân sự cũng như thống nhất cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ hiện nay. Đến đầu tháng 9/2019, hệ thống VinMart và VinMart+ tiếp tục sáp nhập thêm 8 siêu thị Queenland Mart thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Bông Sen). Thương vụ M&A với Queenland Mart đã giúp quy mô của hệ thống siêu thị VinMart ngày càng mở rộng và có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh nhờ vị trí mặt bằng cao cấp, đắt đỏ sẵn có của Queenland Mart. Sau 2 thương vụ M&A thành công trên, VinCommerce đã khẳng định vị trí dẫn đầu tại thị trường bán lẻ Việt Nam về độ phủ điểm bán, khi có tới 122 siêu thị VinMart và gần 2.500 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.
 

Không chỉ tăng lên về quy mô, VinMart và VinMart+ còn liên tục nâng cao chất lượng siêu thị, trải nghiệm người dùng, tiếp tục khẳng định vị thế đứng đầu của mình bằng chiến lược nhằm xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng VinCommerce theo tiêu chuẩn thế giới. Minh chứng là mới đây Công ty Cổ phần Vincom Retail công bố 3 Đại Trung tâm thương mại mới gồm Vincom Mega Mall Ocean Park, Vincom Mega Mall Smart City (tại Hà Nội) và Vincom Mega Mall Grand Park (tại Tp. Hồ Chí Minh) với “Thiết kế xanh”, “Vận hành Thông minh” đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến các trung tâm thương mại này chính thức ra mắt vào năm 2020.

Nhằm thực hiện chiến lược thành lập một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ có sức mạnh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam tháng 12/2019, thị trường bán lẻ nước ta được chứng kiến cú bắt tay lịch sử giữa Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan. Thương vụ M&A này cho thấy sự quyết tâm thống lĩnh thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong nước.

Cùng với VinCommerce, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng một nhà bán lẻ uy tín trên thị trường Việt Nam sở hữu hơn 700 siêu thị, trung tâm thương mại rộng khắp trên cả nước. Vị thế Saigon Co.op được củng cố thêm khi nhận chuyển nhượng hoạt động của thương hiệu bán lẻ Auchan Reatil Việt Nam (Pháp) vào cuối tháng 6/2019. Theo đó, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả hoạt động Auchan tại Việt Nam, gồm: 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ và cả kênh thương mại điện tử. Sau thương vụ hoàn tất ký kết, Saigon Co.op tiếp tục duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2/2020, sau đó những cửa hàng Auchan tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Tây Ninh sẽ được chọn lọc để chuyển đổi sang thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife. Việc tiếp quản Auchan Việt Nam đã phần nào khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại.

Ngoài 2 tên tuổi trên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn ghi nhận sự lớn mạnh của nhiều nhà bán lẻ trong nước khác như hệ thống bán lẻ Bách hóa Xanh của Thế giới di động (gần 500 cửa hàng); Hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) với trên 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods, trung tâm thương mại Satra, siêu thị Tax, hệ thống Satra Bakery & Cafe...; hệ thống các cửa hàng ăn uống, dịch vụ, hệ thống bán lẻ của Tổng công ty Thương mại Hà Nội gồm hơn 100 địa điểm kinh doanh tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, trong đó có 34 siêu thị cửa hàng tiện ích thông qua các thương hiệu Hapromart, Haprofood; Seika-mart.
 
Không chỉ mở rộng mạng lưới phân phối, cùng với các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà bán lẻ trong nước không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ năm 2019 vừa được Vietnam Report công bố tháng 10/2019, Công ty Vincommerce (với hệ thống VinMart và VinMart+) và Thế giới di động (gắn liền với thương hiệu Điện máy xanh) là hai cái tên có điểm số uy tín hàng đầu và giữ vững được vị trí đầu bảng trong hai năm liên tiếp. Tiếp sau đó là một loạt các nhà bán lẻ nội địa khác như Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT… còn các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài xuất hiện khiêm tốn, chỉ có những cái tên AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), BigC và Mega Market (Thái Lan) ở thứ hạng không cao. Đây là kết quả đền đáp xứng đáng cho sự nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua.

Các địa phương chuẩn bị sẵn nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng cuối năm

Thời điểm Tết Nguyên đán Canh 2020 với nhu cầu người dân tăng mạnh khiến thị trường hàng hóa trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động kết nối, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Tại nhiều địa phương, hàng hóa phục vụ cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán đã được các sở, ngành và các nhà bán lẻ chuẩn bị khá đầy đủ. Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019. Thành phố triển khai tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm; các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đồng thời, sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi để phục vụ người dân trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán, tập trung vào các sản phẩm hàng hóa là: Nông sản thực phẩm, quần áo, may mặc, thời trang, hàng gia dụng, hoa cây cảnh, sản phẩm bánh, mứt, kẹo, hạt truyền thống. Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí Xuân.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị là 10,2 nghìn tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là gần 4,1 nghìn tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 14,6 - 17,3% so kế hoạch được giao và tăng từ 21 - 28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng được chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20 - 53,2% nhu cầu thị trường như: Thịt gia cầm; Trứng gia cầm; Thực phẩm chế biến; Thịt gia súc; Dầu ăn; Gạo...

Cùng với 2 thành phố lớn, hầu hết các tỉnh, thành trên các nước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa, đáp ứng người tiêu dùng những tháng cuối năm. Ngoài ra, các địa phương cũng lên phương án theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết (nhất là các mặt hàng thiết yếu), để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp có biện pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả.

Thêm vào đó, để tăng doanh số, lợi nhuận nhằm hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu năm đã đề ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như bán lẻ đều đang rầm rộ tung ra các chương trình khuyến mãi “khủng” để thu hút khách hàng như: Giảm giá sốc khung giờ vàng; Ngày hội tri ân khách hàng; Mua 1 tặng 1, ngày hội Black Friday… Cuộc chạy đua chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp khiến cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của thị trường bán lẻ nước ta đang ngày một “nóng” hơn./.
 
Bích Ngọc