Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

|

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã có bước tiến đáng kể, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cùng với nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Tuy vậy, quá trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp diễn ra còn khá chậm, lực lượng lao động trong nông nghiệp còn nhiều, năng suất lao động thấp và gây lãng phí, thất thoát trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản. Do đó, làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo một hướng mới.

Tại Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được tổ chức vào tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng cao ở các khâu trước và sau thu hoạch. Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%... Nhờ đó, đã giúp nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, hệ thống trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. So với năm 2011, năm 2019 có số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%. Đối với công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác. Ngành cơ khí trong nước cũng phát triển nhanh với trên 7.800 doanh nghiệp cơ khí (trong có 95 doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, trên 500 tỷ đồng) và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Tại các địa phương, các loại máy móc phục vụ sản xuất (máy cày, bừa, gặt, tuốt lúa…) được nông dân đầu tư mua sắm ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ rõ những khó khăn và tồn tại của vấn đề cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp hiện nay. Cụ thể, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp, chưa toàn diện; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh. Nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế nên hiệu quả chính sách không cao.

Đánh giá thực tế cho thấy, cơ khí dành cho nông nghiệp ở Việt Nam đang ở trong tình trạng èo uột, khi một loạt nhà máy chuyên về cơ khí nông nghiệp trước đây sau khi chuyển đổi cơ chế thì gần như không còn đầu tư vào mảng này nữa. Hiện trong nước có khá ít doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh công nghệ ứng dụng vào sản xuất máy nông nghiệp (máy kéo, máy cày…), chỉ còn lại vài cái tên đáng kể như Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), THACO, VINFAST…

Mức độ cơ giới hóa của Việt Nam so với các nước trên thế giới cũng có khoảng cách khá xa. Bộ Công thương đánh giá mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp Việt Nam chỉ đạt 1,4 mã lực (HP) canh tác, thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan là 4 HP/ha; Trung Quốc 8 HP/ha; Hàn Quốc 10 HP/ha. Bên cạnh đó, hiện phần lớn “sân chơi” thị phần thuộc về khối ngoại, khi Việt Nam đang phải nhập khẩu 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ có 30% thị phần còn lại dành cho sản phẩm sản xuất trong nước. Sức cạnh tranh máy nông nghiệp Việt Nam cũng còn khá thấp vì có giá thành cao hơn sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm của Trung Quốc. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp trong nước còn gặp khó khăn khi cạnh tranh với hàng trốn thuế, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái…

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam sản xuất máy móc phục vụ cho nông nghiệp, VEAM cung cấp ra thị trường các sản phẩm chủ yếu là các máy kéo, máy cày, máy phay đất 2 bánh, máy xay xát, máy cắt lúa rải hàng, hộp số dùng cho nuôi trồng thủy sản và các loại động cơ. Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng tiêu thụ trong nước của VEAM liên tục sụt giảm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do giá thành sản phẩm bán ra cao, trong khi sức mua của nông dân còn hạn chế và năng lực tài chính giới hạn.

Ở một góc nhìn khác, Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp chưa được đầu tư tương xứng. Trong 10 năm qua, ngành ngân hàng đã giải ngân 11.000 tỉ đồng và hỗ trợ 1.000 tỉ đồng lãi suất khuyến khích đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, nhưng chỉ tính riêng về giá trị làm lợi khi đầu tư ở ngành lúa gạo thì số tiền giải ngân, hỗ trợ này chưa tương xứng.


Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ngành Nông nghiệp cũng trải qua những quá trình giống như quá trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp. Đầu tiên là thời kỳ Nông nghiệp 1.0 xuất hiện vào khoảng năm 1910, có năng suất lao động thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quá trình trao đổi thương mại chưa sôi động, chủ yếu tự cung, tự cấp nông sản giữa các quốc gia, do sản xuất dựa vào sức lao động và phụ thuộc thiên nhiên. Tiếp đến là Nông nghiệp 2.0 (Cách mạng xanh) bắt đầu vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi đó canh tác kết hợp sử dụng hóa học trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; cơ khí phục vụ nông nghiệp phát triển. Sau đó vào những năm 90 của thế kỷ XX, thế giới được chứng kiến thời kỳ Nông nghiệp 3.0, có những bước đột phá về công nghệ nhờ áp dụng các thành tựu khoa học về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) và từng bước áp dụng các công nghệ điều khiển tự động và cảm biến, giao dịch nông sản thương mại điện tử, từ đó đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Thời kỳ Nông nghiệp 4.0 được cho là phát triển diễn ra đồng thời với phát triển của thế giới về CMCN 4.0, là giai đoạn ứng dụng mạnh mẽ các thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh... Những biến đổi sản xuất nông nghiệp trong kỷ nguyên CMCN 4.0 sẽ diễn ra chủ yếu ở các cơ sở nông nghiệp với công nghệ canh tác thông minh, trong các giai đoạn: Giám sát diện tích tăng trưởng cây trồng; Phân tích dữ liệu trong giai đoạn đưa ra quyết định; Thực hiện phương pháp cung cấp (áp dụng) biến đổi theo vùng đất (Variable rate application).

Như vậy có thể nói, chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa cho nông nghiệp là từng bước đưa ngành sản xuất nông nghiệp trong nước theo kịp sự phát triển của thời kỳ Nông nghiệp 4.0 trên toàn cầu, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đột phá nhờ những hiệu quả, lợi ích của cơ giới hóa mang lại như góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động, làm thay đổi cách canh tác thủ công, góp phần làm giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân. Theo Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, thực tế thời gian qua chỉ riêng ngành lúa gạo đầu tư máy móc vào thu hoạch, lưu kho đã giúp tổn thất sau thu hoạch trước đây từ 20% đến nay giảm xuống chỉ còn 10%, tương đương khối lượng 1,5 triệu tấn lúa và giá trị đạt khoảng 6.000 tỉ đồng. Không chỉ là một xu hướng phát triển, cơ giới hóa còn là việc làm cần thiết trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp trong nước đang chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và để Việt Nam khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6HP/ha vào năm 2030. Tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp; đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị cơ giới hóa trong nông nghiệp; thực hiện áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào cơ giới hóa nông nghiệp để đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Đồng ý với định hướng đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng cho rằng cần áp dụng cơ giới hóa mạnh mẽ để giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và nâng cao năng suất lao động. Thủ tướng nhấn mạnh, tầm nhìn phát triển cơ giới hóa nông nghiệp là phấn đấu đến năm 2030, cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Từ tầm nhìn này, Chính phủ yêu cầu cần thiết kế các giải pháp, nhất là đối với các khâu còn yếu như khâu giết mổ trong chăn nuôi, bảo quản trong trồng trọt…

Để triển khai tốt các nhiệm vụ trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013. Cơ khí chế tạo là công nghiệp nền tảng, do đó Thủ tướng đồng thời giao Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển; thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm.

Thủ tướng cũng yêu cầu: Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là ưu đãi các doanh nghiệp, dự án đầu tư chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp. Các địa phương phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Những chỉ đạo sát sao trên của Chính phủ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa nông nghiệp nước ta, từ đó sẽ tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển./.
 
Ngọc Linh