Hàng không Việt - Những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

|

Hàng không Việt - Những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội được áp dụng cùng với việc đóng cửa biên giới của các quốc gia, thì hàng không là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề nhất đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hàng không Việt cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó khi con số thiệt hại được dự báo ngày càng tăng thêm, còn các doanh nghiệp hàng không thì rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực...

Những con số thống kê cho thấy, ở thời điểm cuối tháng 1/2020, khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc được khoảng 1 tháng, thị trường vận tải hàng không trên toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu sụt giảm. Lúc này, tại Việt Nam các con số dự báo thiệt hại của ngành hàng không dừng ở con số khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 2, các hãng hàng không Việt đã cắt giảm toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan (Trung Quốc), 9,2% số chuyến bay đến HongKong (Trung Quốc)… Thời điểm này, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra con số dự báo thiệt hại của các hãng hàng không khoảng 25.000 tỷ đồng. Và tính đến những ngày đầu tháng 4, khi lượng khách đi máy bay sụt giảm mạnh so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19, thì con số thiệt hại dự báo của ngành hàng không đã tăng lên với khoảng 65.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 của Tổng cục Thống kê, thị trường vận tải hàng không đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ ở cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa do những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, quý I/2020, vận tải hàng không đạt 11,9 triệu lượt khách, giảm 8% và 15,6 tỷ lượt khách.km, giảm 9,5%. Vận tải hàng hóa theo đường hàng không cũng đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 91,2 nghìn tấn), và giảm 21,5% (đạt 1,6 tỷ tấn.km). Tháng 4 vận tải hành khách ngành hàng không đạt 11,1 triệu lượt khách, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Các con số thống kê cũng cho thấy, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 ước tính đạt 3.686,8 nghìn lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người, chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 14,9%. Riêng trong tháng 3/2020, lượng khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 449,9 nghìn lượt người, giảm 63,8% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 62,3%. So với cùng kỳ năm 2019, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3 đã giảm 68,1%, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 65,7%.

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không Việt thể hiện rõ nhất khi dịch bệnh ngày càng có những diễn biến phức tạp trên thế giới. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, từ ngày 30/3 các hãng hàng không được yêu cầu chỉ khai thác 01 chuyến/ngày trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc và đường bay TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng/Phú Quốc. Điều này có nghĩa 18 sân bay còn lại (bao gồm cả Vân Đồn) của Việt Nam coi như “đóng cửa”. Cùng với đó, trái với cảnh đông đúc, nhộn nhịp trước đây, tại cả hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hàng loạt tàu bay của các hãng nằm la liệt trên sân đỗ, thậm chí phải tận dụng mọi vị trí có thể để xếp tàu bay, cả trong khu vực xưởng sửa chữa hay cả trên đường băng.

Chính vì dừng bay nên gánh nặng chi phí chi trả hàng ngày, hàng giờ đè nặng các hãng hàng không. Một số hãng phải chi trả cả hàng nghìn tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ, duy trì bộ máy, trả lương nhân viên…

Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, với hơn 100 máy bay tạm dừng khai thác, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc A350, mỗi tháng, tiền thuê một chiếc máy bay loại này là khoảng 1 triệu USD; Như vậy, với riêng đội máy bay này, mỗi tháng Vietnam Airlines phải chi gần 30 triệu USD. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn 76 máy bay A321, tiền thuê mỗi chiếc trung bình trên thị trường khoảng 300 nghìn USD/tháng.

Tương tự, hãng VietJet có 75 máy bay A320, A321, ước tính khoản tiền mà hãng phải trả có thể lên tới khoảng 20 triệu USD/tháng. Với Bamboo Airways, sau hơn 1 năm có mặt trên thị trường, hãng có 3 chiếc B787, 7 chiếc A321, 11 chiếc A320 và 1 chiếc A319. Chi phí để Bamboo Airways duy trì hoạt động bộ máy chắc chắn cũng không nhỏ.

Ngoài chi phí thuê máy bay (hoặc trả lãi vay), các hãng hàng không còn phải trả hơn 10 tỷ đồng cho tiền bãi đỗ tại sân bay mỗi tháng. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng. Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi trên 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng và Jetstar Pacific Airlines cũng phải chi trả khoảng 720 triệu đồng/tháng. (Số liệu này dựa trên mức giá thuê bãi đỗ được quy định trong thông tư của Bộ GTVT).

Bên cạnh đó, để vận hành trong mùa dịch, các hãng hàng không cũng phải chi thêm các khoản chi phí cho quy trình khử trùng máy bay với nhiều cấp độ. Theo thông tin từ Vietnam Airlines, hãng phải chịu chi phí khử trùng, vệ sinh máy bay trước mỗi chuyến với mức giá 3,2 triệu đồng/chiếc A321 và 6 triệu đồng/chiếc B787.

Theo Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ cập nhật ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể: Dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27,3 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước tính quý I/2020 đạt 19,2 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 6,7 nghìn tỷ đồng) và lợi nhuận âm 2,3 nghìn tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV/2020, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38,1 nghìn tỷ đồng, giảm 72,4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19,6 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại báo cáo của Vietnam Airlines vào những ngày đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm cuối tháng 3/2020 nguồn dự trự này đã cạn kiệt, do đó đơn vị đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020. Do vậy, ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Hãng cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 10.000 nhân sự, giảm lương toàn bộ lao động, thậm chí cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.

Trong khi chờ những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, ngay từ tháng 3, sau khi phải cắt, giảm các đường bay Vietnam Airlines đã chuyển hướng đẩy mạnh vận tải hàng hóa. Theo đó, hãng đã tăng cường khai thác các chuyến bay chuyên chở hàng hóa trong nước và quốc tế để hạn chế tàu bay “nằm sân”, cũng như tăng doanh thu để giảm thua lỗ tại mảng vận chuyển hành khách. Đồng thời, hãng đang tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng hóa nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế từ nay đến cuối năm.

Trước những khó khăn trên, Vietnam Airlines đã đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng (thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0%), bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp.

Đó là những khó khăn cụ thể đối với hãng hàng không có tiềm lực và nhiều năm tích lũy tài chính cũng như có thị trường lớn như Vietnam Airlines. Còn đối với những hãng hàng không khác tại Việt Nam, những thiệt hại chắc chắn không hề nhỏ. Theo đó, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) cho biết, doanh số quý I/2020 của đơn vị này ước đạt 4,0 nghìn tỷ đồng, giảm 17% (giảm 832 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận của ACV trong quý I ước đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm 24% (giảm 586 tỷ đồng). Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không đạt 11,3 nghìn tỷ đồng, giảm 47% (giảm 10,2 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2020 và lợi nhuận tương ứng giảm 86% (giảm 9,3 nghìn tỷ đồng), đạt 1,4 nghìn tỷ đồng.

ACV cho biết, mức lợi nhuận ước tính này đã giảm sâu hơn so với dự báo trước đó. Bởi tại thời điểm cuối tháng 2/2020, ACV dự kiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh cả năm 2020 đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019.

Đối với Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, tổng sản lượng điều hành bay giảm 14.599 chuyến, tương đương giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điều hành bay đi, đến (chuyến quốc tế) giảm 3.414 chuyến, tương đương giảm 27% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước những thiệt hại nặng nề của ngành hàng không, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các Bộ ngành, địa phương ngày 10/4, một số chính sách áp dụng chung cho hãng hàng không Việt Nam được đề xuất gồm:

- Miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1 đến 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
- Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
- Áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/3-31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
- Cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3-31/12 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác. Đồng thời, xem xét kiến nghị khác của các hãng hàng không Việt Nam về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán (cụ thể với từng hãng).

Bên cạnh đó, để vượt qua những khó khăn trước mắt, các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không (ACV, VATM...) cần chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp.

Đặc biệt, mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 20 và 22/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, Việt Nam đã có những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19, đã kiềm chế được lây lan trong cộng đồng, kiểm soát tốt dịch bệnh; các hoạt động ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng cách ly, dập dịch được triển khai quyết liệt, được nhân dân ủng hộ. Do vậy, thời gian tới cả nước chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân. Do đó, kể từ 0h ngày 23/4/2020, đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh sẽ được khai thác với tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng khai thác tối đa 6 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Đường bay Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương khác, mỗi hãng được khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày/ đường bay. Đường bay TP. Hồ Chí Minh - Côn Đảo và ngược lại khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay giữa các địa phương khác có điểm đi/đến không phải Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh, mỗi hãng được phép khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày… Đây là những tín hiệu tích cực đối với các hãng hàng không, bởi mặc dù chưa thể khôi phục lại hoạt động như trước khi có dịch Covid-19, song với những nới lỏng trong hoạt động vận tải hàng không ở trên, cùng nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoạt động của các ngành kinh tế, ngành hàng không đang kỳ vọng sự đi lên sau những thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua./.

 
Thu Hòa