Hiệu quả thiết thực tử chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

|

Hiệu quả thiết thực tử chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Chính phủ phê duyệt tháng 5/2018, với mục tiêu nâng cao thu nhập, tạo việc làm, tăng chất lượng đời sống cho nhân dân. Sau gần hai năm triển khai thực hiện đến nay đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang sản xuất kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn... Chương trình OCOP cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 
Hiệu quả từ chương trình OCOP

Có thể thấy, sau gần hai năm thực hiện, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần tích cực trong xây dựng NTM. Chương trình này cũng đã tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt từ chương trình này không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, giúp kinh tế vùng nông thôn phát triển.

Theo kết quả triển khai và thực hiện Chương trình OCOP, tính đến tháng 1/2020, cả nước đã có 61/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh. Có 24 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 1.129 sản phẩm của 753 chủ thể kinh tế. Trong đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 336 sản phẩm đạt 4 sao và 777 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ Tiêu chí OCOP Quốc gia. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843 sản phẩm, vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 2.218 sản phẩm, nhóm đồ uống có 397 sản phẩm, nhóm thảo dược có 264 sản phẩm…

Cả nước hiện có gần 3.300 tổ chức kinh tế đăng ký tham gia Chương trình OCOP, tăng gần 200 tổ chức kinh tế (năm 2017 có 3.126 tổ chức). Có 583 tổ chức kinh tế đã đề xuất và được đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp giấy chứng nhận từ 3 sao trở lên, bao gồm: 234 hợp tác xã, 171 doanh nghiệp, 170 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh và 8 tổ hợp tác. Ước tính tổng nguồn lực huy động của 3.300 tổ chức kinh tế để sản xuất sản phẩm OCOP đạt khoảng 10.015 tỷ đồng.

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Từ việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP tại các địa phương trong cả nước, các sản phẩm đặc sản mang đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến như: Chả lụa, bánh tét (Trà Vinh); hành, tỏi (Lý Sơn, Quảng Ngãi); lạp xường (Bắc Kạn); gà đồi Thanh Chương, các sản phẩm tảo xoắn, đậu tương lên men, đông trùng hạ thảo của tỉnh Nghệ An; gạo sạch Lệ Thủy, khoai gieo Lâm Hường, tỏi đen Quang Minh, đũa gỗ Quảng Thủy... của tỉnh Quảng Ngãi; hoặc ở Tuyên Quang có các sản phẩm: Chè Shan tuyết huyện Na Hang, lạc Chiêm Hóa, cam Hàm Yên, chè Yên Sơn...

Sau khi được đánh giá, xếp hạng, nhiều sản phẩm OCOP đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử như: BigC, Vinmart, VNPost… ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu bán sản phẩm trong năm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng đều tăng đáng kể.

Thực tế cho thấy, việc đưa các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt và mở hướng vào siêu thị hiện đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết kế hoạch phối hợp hành động trong triển khai chương trình OCOP với nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch điện tử và cung ứng sản phẩm OCOP theo yêu cầu của khách hàng. Bộ cũng phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ phát động chương trình khởi nghiệp từ OCOP. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã và đang sẵn sàng cam kết đồng hành cùng chương trình, giúp đỡ địa phương trong công tác chứng nhận, chuẩn hóa sản phẩm. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Viettel cũng đã triển khai sàn thương mại điện tử bán sản phẩm OCOP…

Thời gian qua, hệ thống siêu thị Big C đã đồng hành cùng các tỉnh Quảng Ninh, Bến Tre tổ chức thành công 11 tuần hàng OCOP tại Big C Hạ Long (Quảng Ninh), Big C Thăng Long (Hà Nội) và Big C An Lạc (TP Hồ Chí Minh). Hiện tại, hệ thống Big C đang bày bán 40 sản phẩm có logo OCOP; đồng thời đang từng bước hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đưa thêm 50 sản phẩm OCOP nữa vào bày bán trên hệ thống Big C và GO!.

Có thể thấy, bên cạnh những hiệu quả và sự lan tỏa, việc triển khai chương trình OCOP cũng đã mang lại những kết quả tích cực trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển tại mỗi địa phương, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đưa điện sáng về các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Đưa hàng Việt có chất lượng về nông thôn, định hình thói quen tiêu dùng, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư phát triển chợ, mạng lưới phân phối sản phẩm của OCOP.

Đặc biệt, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai dự án tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường tiếp cận thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn thông qua việc thiết lập cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường; xây dựng mô hình thí điểm “Kênh hỗ trợ thương mại điện tử các sản phẩm OCOP”... Đây được xem là một nét mới, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, tạo động lực để chương trình OCOP tiếp tục mang lại những hiệu quả tích cực trong thời gian tới.
 
Tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình OCOP

Mặc dù đã mang lại tín hiệu tích cực giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tuy nhiên, việc triển khai chương trình OCOP hiện vẫn còn không ít thách thức. Cụ thể như: Hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ và thống nhất đơn vị đầu mối, tham mưu. Một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch nhưng chưa triển khai hoạt động cụ thể, chưa bám sát đúng chu trình OCOP đã được quy định tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Do vậy, tiến độ và chất lượng triển khai Chương trình của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, xây dựng thương hiệu sản phẩm của một số chủ thể đơn lẻ, có tính cộng đồng chưa cao để đưa tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm; chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng.

 


Ảnh minh họa nguồn: Internet

 
Công tác xúc tiến thương mại tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, tổ chức nhiều hội chợ quảng bá, song còn chưa tập trung, khâu tổ chức còn chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm OCOP. Người tiêu dùng vẫn có sự nhầm lẫn giữa sản phẩm OCOP và các sản phẩm chưa đạt chuẩn khác do chưa có được sự hướng dẫn và tuyên truyền về sản phẩm OCOP. Việc triển khai và đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị còn hạn chế...

Ở một số địa phương, mặc dù chương trình OCOP đã triển khai được một thời gian, nhưng hiện nay sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị chưa quyết liệt, mạnh mẽ. UBND các huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình; việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP do nội dung triển khai thuộc nhiều lĩnh vực, các ngành khác nhau, trong khi nhân lực tham gia thực hiện lại kiêm nhiệm; kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, đơn vị và các hộ sản xuất đầu tư hoàn thiện sản phẩm nhằm đạt tiêu chí của chương trình OCOP còn hạn chế. Hay tại một số tỉnh khi thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chưa có nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…; tại các xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, số hợp tác xã, doanh nghiệp ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết cho nên việc đề xuất ý tưởng sản phẩm không nhiều… Cùng với đó, vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn khá hạn chế. Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, từ khâu chọn giống đến khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm; tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong nước và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho các chương trình kết nối với các địa phương khác để hình thành hệ thống cung ứng và phân phối hàng hóa.

Mặt khác, cũng cần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung chuyên môn hóa vào các ngành có lợi thế của từng địa phương và từng ngành để xây dựng chiến lược phát triển. Nghiên cứu các thông tin về thị trường đầu ra, khả năng cạnh tranh, tránh tình trạng làm theo phong trào, tràn lan. Đồng thời, cần đầu tư nâng cao chất lượng dự báo thị trường, nhất là vấn đề dự báo dài hạn và hằng năm để giúp các doanh nghiệp định hướng kinh doanh. Cùng với đó, tổ chức mở các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quốc gia, qua đó tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chính quyền địa phương nơi có sản phẩm OCOP nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị của sản phẩm đã được bảo hộ.

Bên cạnh đó, để có thể triển khai hiệu quả chương trình OCOP các địa phương cần tuân thủ đúng chu trình OCOP, tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sảm phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt.

Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện hiểu rõ bản chất của Chương trình. Phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi, chỉ đạo chương trình, đặc biệt quan tâm chú ý đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP.

Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP; đồng thời có kế hoạch và chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của địa phương. Rà soát và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng, không chạy theo thành tích./.
Thu Hòa