Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021 của Agility - một trong những nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.
Chỉ số Logistics các thị trường mới nổi của Agility xếp hạng 50 quốc gia dựa trên các yếu tố đánh giá khả năng hấp dẫn đối với các nhà cung cấp dịch vụ logistics, giao nhận hàng hóa, hãng tàu, hãng hàng không và nhà phân phối.
Theo báo cáo, trong số các nước ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước; trong khi Indonesia (xếp ở vị trí thứ 3), Malaysia (ở bậc 5), Thái Lan (xếp ở vị trí thứ 11); Philippines tăng một bậc lên vị trí thứ 21.
Trung Quốc và Việt Nam là 2 quốc gia đặc biệt trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020, trong khi hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đều tăng trưởng âm do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang dần di chuyển cơ sở sản xuất cũng như đa dạng nguồn cung, 1.200 giám đốc điều hành ngành logistics được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng họ không muốn rút khỏi Trung Quốc hoặc các thị trường khác.
Đối với các doanh nghiệp cân nhắc sẽ chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất ưa thích hơn các quốc gia khác (19,6%). Các thị trường châu Á khác như Ấn Độ (17,4%), Indonesia (12,4%), Thái Lan (10,3%) và Malaysia là những lựa chọn hàng đầu tiếp theo.
Chỉ có 7,8% các lãnh đạo trong ngành logistics cho hay, việc chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc chuyển dịch vụ về nước của họ.
Bên cạnh đó, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực được đánh giá sẽ phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021. Trong số người tham gia khảo sát, 55,9% dự đoán kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phục hồi trong năm 2021; 53,1% tin rằng kinh tế ở châu Âu cũng sẽ phục hồi.
Nguồn TTXVN
Bộ phận Bán hàng & Tiếp thị ở châu Á - Thái Bình Dương của Agility GIL cho biết, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng và năng lực chuỗi cung ứng, điều đó đã góp phần đưa các quốc gia này dẫn đầu trong lĩnh vực logistics nội địa và quốc tế.
Báo cáo của Agility nhấn mạnh, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 nhờ nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất lớn. Trong những năm gần đây, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ cao của Việt Nam đã tăng đáng kể, giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nâng cao chuỗi giá trị. Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế về chi phí và thuận tiện trong mạng lưới cung cấp.
Agility phân tích một số yếu tố giúp Việt Nam đạt vị trí xếp hạng cao của lĩnh vực logistics Việt Nam như sau: Đầu tiên phải kể đến lợi thế địa lý, Việt Nam có hơn 3.000 km đường bờ biển với nhiều cảng, cũng với đường biên giới với Trung Quốc - trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới. Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam tập trung vào việc xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng, hình thành nên 2 cảng nước sâu quan trọng, đó là Cái Mép (miền Nam) và Lạch Huyện (miền Bắc).
Thứ hai là dòng vốn FDI gia tăng mạnh mẽ trong 20 năm qua. Việt Nam đã thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều đặn, với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia rót vốn như: Samsung, LG Electronics, Apple, Microsoft, Intel... Theo sau đó, chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ sẽ tới Việt Nam, càng gia tăng thêm sức hấp dẫn của thị trường đối với dòng vốn FDI.
Thứ ba là xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Ngay cả khi thương mại toàn cầu tổn thương vì đại dịch Covid 19, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn gia tăng tích cực. Số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2021, hàng hóa xuất khẩu đạt 77,34 tỷ USD tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ tư, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Việt Nam thành công khi định vị bản thân trên bản đồ thương mại toàn cầu, đặc biệt trong các năm qua đã tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Cuối cùng, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 trong làn sóng thứ 3, giúp giữ vững niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước. Điều này đã hạn chế các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo Agility, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như đầu tư vào công nghệ cao của Việt Nam còn hạn chế, thiếu kỹ năng và kiến thức để sản xuất hàng hoá có giá trị cao nhất./.
Ngày 22/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, sửa đổi mục tiêu đề ra cho năm 2025 như sau: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt 50 trở lên. Quyết định mới cũng bổ sung lộ trình trình thực hiện Kế hoạch. Cụ thể, năm 2020 - 2021, rà soát tình hình thực hiện và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Năm 2022, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Năm 2023, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045. Năm 2024, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045. Năm 2025, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045. |
Tiến Long