Sản xuất nông nghiệp Việt Nam - 5 năm nhìn lại (2016-2020)

|

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam - 5 năm nhìn lại (2016-2020)

Giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng cho ổn định đời sống xã hội. Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,54%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 138,7 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 28,7 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 bình quân đạt 41,8 triệu đồng/người… Trong đó, sản xuất nông nghiệp với nhiều chuyển biến tích cực đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.
 
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 so với năm 2015 đạt 13,4%, trong đó ngành nông nghiệp tuy đạt mức tăng 9,1% nhưng đóng góp cao nhất tới 7 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của khu vực I; ngành lâm nghiệp tăng cao nhất với 27,7% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 1,2 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 26,6%, đóng góp 5,2 điểm phần trăm.

Giai đoạn 2016-2020, giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 14-16% trong GDP, bình quân tăng 2,54%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 1,8%/năm, đóng góp 1,32 điểm phần trăm vào mức tăng chung cả khu vực; lâm nghiệp tăng 5%/năm, đóng góp 0,22 điểm phần trăm và thủy sản tăng 4,8%/năm, đóng góp 1 điểm phần trăm.
Nhìn chung, trong nội bộ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang lâm nghiệp và thủy sản theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lâm nghiệpvà thủy sản. Cơ cấu giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp cả nước trong giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,1 điểm phần trăm từ 74,9% năm 2015 xuống 72,8% năm 2020, đồng thời lâm nghiệp tăng 0,5 điểm phần trăm, từ 4,3% năm 2015 lên 4,8% năm 2020 và thủy sản tăng 1,6 điểm phần trăm từ 20,8% năm
2015 lên 22,4% năm 2020.

Sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến rõ nét, hướng đến nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm
 
Năm 2018, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 11.498,5 nghìn ha, giảm 31,7 nghìn ha so với năm 2015. Trong đó, đất trồng cây hàng năm đạt 6.952.1 nghìn ha, giảm 45,9 nghìn ha (đất trồng lúa giảm 22,6 nghìn ha và đất trồng cây hàng năm khác giảm 23,3 nghìn ha). Đất trồng cây lâu năm là 4.546,4 nghìn ha, tăng 14,2 nghìn ha. Ước tính năm 2020, diện tích trồng cây hàng năm đạt 10.873,1 nghìn ha, giảm 7,2% so với năm 2015, diện tích trồng cây lâu năm đạt 3.607,8 nghìn ha, tăng 11,2%.

Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt có xu hướng giảm dần qua các năm, ước tính năm 2020 đạt 8.222 nghìn ha, giảm 8,7% so với năm 2015 do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thiếu lao động nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất lúa tiếp tục giảm do yêu cầu của công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2020, diện tích trồng lúa ước tính đạt 7.277,8 nghìn ha (chiếm 88,5% tổng diện tích gieo trồng cây lương thực), giảm 7,3% so với năm 2015, trong đó diện tích gieo trồng lúa giảm ở tất cả các mùa vụ: Lúa vụ đông xuân đạt 3.024,1 nghìn ha giảm 4,5%; lúa hè thu và thu đông 2.669,1 nghìn ha, giảm 7,6%; lúa mùa 1.584,6 nghìn ha, giảm 7,6%; diện tích ngô đạt 943,8 nghìn ha, giảm 18,5%. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, diện tích cây lương thực có hạt giảm 1,8%/năm, trong đó diện tích lúa giảm 1,4%/năm, diện tích ngô giảm 4,4%/năm.

 


Ảnh minh họa

 
Do diện tích gieo trồng ngày càng bị thu hẹp nên sản lượng qua các năm giảm. Sản lượng lương thực có hạt năm 2020 ước tính đạt 47,28 triệu tấn, giảm 6,1% so với năm 2015, trong đó lúa đạt 42,69 triệu tấn, giảm 5,3%, ngô đạt 4,6 triệu tấn, giảm 13,2%. Tính chung giai đoạn 2016-2020, sản lượng lương thực có hạt đạt 240,68 triệu tấn, giảm 2,1% so với sản lượng lương thực có hạt giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm giảm 1,3% (trong đó sản lượng lúa đạt 216,08 triệu tấn, bình quân giảm 1,1%/năm; sản lượng ngô đạt 24,58 triệu tấn, bình quân giảm 2,8%/năm).

Tuy diện tích gieo trồng lúa giảm nhưng các địa phương đã tập trung vào triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm...; tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và từng bước nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt” từ thành công của các chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín gắn với xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gieo cấy loại giống lúa chất lượng cao thay thế giống lúa truyền thống và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nên năng suất lúa tăng qua các năm. Năng suất lúa năm 2015 là 57,6 tạ/ha thì đến năm 2020 ước tính đạt 58,7 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha. Cùng với đó, nhiều giống ngô chất lượng và năng suất cao được đưa vào sản xuất, nhờ vậy năng suất ngô liên tục tăng từ 44,8 tạ/ha năm 2015 lên 48,7 tạ/ha năm 2020, tăng 3,9 tạ/ha.

Trong lĩnh vực trồng trọt, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, thông qua việc giảm diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, như chuyển đổi diện tích trồng lúa bị hạn hán hoặc nhiễm mặn sang trồng cây ăn quả, loại bỏ những cây trồng lâu năm đã già cỗi để tập trung vào cây cho năng suất cao.

Nếu như năm 2015, diện tích cây hàng năm chiếm 78,3% tổng diện tích cây trồng các loại, cây lâu năm chiếm 21,7%, trong đó cây ăn quả chiếm 5,5% thì đến năm 2020 diện tích cây hàng năm giảm xuống còn 75,1% và diện tích cây lâu năm tăng lên là 24,9%, trong đó cây ăn quả đạt 7,8%. Tuy nhiên, diện tích cây công nghiệp lâu năm không ổn định qua các năm do biến động giá và một phần diện tích già cỗi cần phải trồng tái canh. Đến năm 2020, diện tích trồng cây cao su đạt 926 nghìn ha, giảm 59,6 nghìn ha so với năm 2015; cà phê đạt 695,5 nghìn ha, tăng 52,2 nghìn ha; diện tích hồ tiêu tăng mạnh vào các năm 2017, 2018, cao nhất đạt trên 150 nghìn ha, sau đó do giá giảm và không ổn định nên đến năm 2020 còn 131,8 nghìn ha, tăng 30,2 nghìn ha; cây điều đạt 302,5 nghìn ha, cao hơn 12,1 nghìn ha; chè đạt 124 nghìn ha, giảm 9,6 nghìn ha. Năm 2020, diện tích cây ăn quả dự kiến đạt 1,13 triệu ha, tăng 309,4 nghìn ha, bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020 tăng 61,9 nghìn ha. Tính chung 5 năm 2016-2020, diện tích trồng cây lâu năm tăng bình quân  2,1%/năm  nhưng  vẫn  thấp  hơn  mức  tăng  2,7%/năm  của  giai  đoạn  2011-2015,  trong  đó  cây  công nghiệp tăng 0,2%/năm, cây ăn quả tăng 6,6%/năm.

Nhờ những chuyển đổi theo hướng tích cực, sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam đã không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Niu-di-lân, Thái Lan. Một số sản phẩm trái cây Việt đã“xuất ngoại” thành công như: Thanh Long, Xoài, Nhãn, Vải, Vú sữa…
Chăn nuôi hướng đến sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến
Những đánh giá chung cho thấy, hoạt động chăn nuôi giai đoạn vừa qua đã có những chuyển biến tích cực từ nông hộ quy mô nhỏ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, chăn nuôi hộ theo hình thức công nghiệp quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; khuyến khích chăn nuôi theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để kiểm soát dịch bệnh; chế biến sâu và phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi công nghiệp, đồng thời, chú trọng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng để liên kết doanh nghiệp với các hộ chăn nuôi và tổ chức sản xuất nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Ước tính đến năm 2020, đàn bò đạt 6,21 triệu con, tăng 15,7% so với năm 2015, bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020 tăng 3%; đàn trâu có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp, đạt 2,33 triệu con, giảm 188,6 nghìn con so với năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 1,5%. Đàn gia cầm cả nước nhìn chung phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Khi tình hình dịch bệnh ở lợn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và trứng tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại trứng nhiều hơn. Người chăn nuôi gia cầm cũng yên tâm mở rộng quy mô đàn. Các yếu tố này đã khiến tổng đàn gia cầm và sản lượng thịt gia cầm, sản lượng trứng gia cầm có xu hướng tăng cao. Ước tính năm 2020, tổng đàn gia cầm đạt gần 510 triệu con, tăng 49,2% so với năm 2015; bình quân mỗi năm tăng 8,3%.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi lợn đã phải đối mặt với cơn khủng hoảng lớn khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lan rộng. Sau khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại miền Bắc từ tháng 2/2019, đến tháng 9/2019 dịch đã lan rộng khắp cả 63 tỉnh, thành phố. Tổng đàn lợn cả nước đã sụt giảm mạnh so với năm 2015, do đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng giảm sâu. Tổng đàn lợn của cả nước năm 2020 là 22,95 triệu con, giảm 17,3% so với năm 2015; bình quân mỗi năm giảm 3,7%. Dự tính sản lượng thịt hơi các loại năm 2020 đạt 5,4 triệu tấn, tăng hơn các năm trước đó, nhất là so với năm 2019 tăng tới 315 nghìn tấn. Sản lượng sữa tươi tăng qua các năm, năm 2020 ước tính đạt 1,09 triệu tấn, tăng 10,2% so với năm 2015. Sản lượng trứng cũng tăng qua các năm, năm 2020 ước tính đạt 14.690 triệu quả, tăng 5.815,7 triệu quả so với năm 2015.

Lao động trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm rõ rệt, ngược lại năng suất lao động có xu hướng tăng với tốc độ nhanh

Ngoài ra, theo đánh giá, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thu hút một lực lượng lao động rất lớn, thu hút khoảng 34-42% lực lượng lao động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu lao động hoạt động trong ngành này có xu hướng giảm do lao động chuyển sang hoạt động trong các ngành phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 17,5 triệu người, giảm 24,3% so với năm 2015. Lực lượng lao động trong ngành này chiếm 32,8% tổng số lao động cả nước năm 2020, giảm 10,8 điểm phần trăm so với năm 2015. Năng suất lao động xã hội (Tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành bình quân 1 lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc) có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm, năm 2019 là 117,9 triệu đồng/lao động, tăng 49,4% so với năm 2015, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 53,5 triệu đồng/lao động, tăng tới 73,7%.

Giai đoạn từ 2016-2020, nhờ triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành, chuyển đổi theo kế hoạch diện tích đất lúa kém hiệu quả và chủ động chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa hàng năm không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả...; những sản phẩm đang có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước và giá trị thu được cao hơn trồng lúa; Các địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản để gia tăng giá trị... Nhờ đó, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng lên qua các năm, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 82,6 triệu đồng/ha năm 2015 lên 97,1 triệu đồng/ha năm 2019...

Có thể thấy, giai đoạn 2016-2020, hoạt động sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã từng bước hội nhậpsâu rộng hơn, nông sản của Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và kết nối với các thị trường giàu tiềm năng và có yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản... Trong những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như: Diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và xu hướng hội nhập trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế của các nước trên thế giới, song đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục vươn lên và trưởng thành. Để duy trì đà tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp cần từng bước nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, ổn định sản xuất, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, diện tích gieo trồng phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu,... Đối với hoạt động chăn nuôi cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác chỉ đạo tái đàn, tăng đàn lợn, đáp ứng đủ nguồn cung con giống cho nhu cầu sản xuất nhằm tăng nguồn cung lợn thịt, góp phần giảm giá sản phẩm và ổn định thị trường. Đồng thời, triển khai chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm,... Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp... Đây sẽ là nền tảng và là động lực để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước./.

 
Trần Thị Thu Trang
 
Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê - TCTK