Phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

|

Phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Nhựa là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm bao bì, hàng tiêu dùng, điện tử, ô tô, hàng không, dệt may và nông nghiệp. Năm 2019, ngành nhựa Việt Nam sản xuất 8,89 triệu tấn sản phẩm và có đóng góp ước tính 17,5 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia, hay tương đương với 6,7% GDP. Tuy nhiên, với tính chất rất khó phân hủy, vấn đề rác thải nhựa đã và đang gây ra những hậu quả ngày càng lớn về kinh tế, môi trường và xã hội.

Tại hội thảo "Kế hoạch hành động giảm thiểu sử dụng túi nilon và bao bì nhựa dùng một lần tại Co.opmart" do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức vào tháng 11 mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng và thải bỏ 4 túi nilon/ngày, khoảng 30 tỷ túi nilon được sử dụng và thải bỏ mỗi năm. Trong đó, chỉ 17% được tái chế và tái sử dụng, phần còn lại được thải bỏ ngay sau khi sử dụng một lần. Với các con số này, Việt Nam là một trong các quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Trước tình trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa với nhiều quyết sách, đó là: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1746/QĐ- TTg ngày 04/12/2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 theo; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Đặc biệt, trong năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường với các điều khoản sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó là hàng loạt các hành động như: Phát động phong trào“Chống rác thải nhựa” trong toàn dân; Tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa năm 2019; Khởi động Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; Triển khai Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni-lông dùng một lần tại Việt Nam”, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh Châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển Liên bang Đức tài trợ và do Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) thực hiện nhằm huy động sự tham gia của các nhà bán lẻ trong việc giảm túi ni-lông sử dụng một lần…

Cùng những hành động cam kết mạnh mẽ, giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa và xác định đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải nhựa ra môi trường và là vấn đề ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam. Bởi việc tái chế sẽ giúp chuyển hướng khối lượng lớn chất thải nhựa ra khỏi các bãi thải, bãi chôn lấp và đường bờ biển dài hiện nay của nước ta. Đồng thời, các giải pháp tái chế phi tập trung gần với các nguồn phát sinh chất thải có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn (một xu thế tất yếu hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt) bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị, phát triển thị trường nội địa cho vật liệu thứ cấp và tận dụng khu vực phi chính thức ở Việt Nam; giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất... Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%, đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa và nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Với những lợi ích đó, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thả nói chung và tái chế nhựa nói riêng. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ Môi trường luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế nhựa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6 - 3,6%/năm, mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án…

Vào tháng 02/2020, lần đầu tiên, một thỏa thuận thiết lập Hợp tác công tư (PPC) về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam), nhằm giải quyết vấn đề quốc gia về quản lý rác thải nhựa và hướng đến thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế nhựa, tạo động lực phát triển nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam. Sáng kiến này tập trung hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa; tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa ở nước ta. Hợp tác công tư PPC không chỉ giới hạn trong ba doanh nghiệp đầu tiên tiên phong ký kết mà còn kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp có trách nhiệm khác trong và ngoài nước cùng chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.

Đáng chú ý là với sự tiếp sức của Nhà nước, trong năm 2019, có 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực tiêu dùng và bao bì vốn là những đối thủ của nhau đã bắt tay cùng hợp tác, thành lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) – một tổ chức tự nguyện phi lợi nhuận, hướng đến thúc đẩy việc thu gom và cải thiện quá trình tái chế bao bì bền vững hơn trong tương lai. Liên minh này sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, PRO Vietnam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có. Đồng thời, hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế. Liên minh này cũng hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh "Recycle - tái chế" của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng and Recycle - tái chế), thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện. Ngoài các chính sách trên, PRO Vietnam còn phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường trong nước. Trong suốt 2 năm qua, PRO Vietnam liên tiếp tiếp nhận thêm thành viên mới và số thành viên hiện tại của Liên minh là 19 thành viên, đây đều là những công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã mạnh dạn đầu tư, khai thác thị trường tái chế nhựa đang còn nhiều tiềm năng. Điển hình là Công ty CP sản xuất nhựa Duy Tân, một ông lớn ngành nhựa Việt Nam đã đầu tư hơn 60 triệu USD, xây dựng nhà máy tái chế có quy mô 65.000m2 tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) để sản xuất chai nhựa tái chế PET cho ngành đồ uống và một số sản phẩm được làm từ nhựa tái chế (không dùng cho thực phẩm) như chai để đựng dầu gội, sữa tắm từ HDPE và tương lai là một số sản phẩm gia dụng từ nhựa PP. Hiện nhà máy đã nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác lớn như Unilever, La Vie...

Mặc dù đã được Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và đẩy mạnh phát triển song trên thực tế ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, hiện nay tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn có công đoạn phân loại tách nhựa khỏi chất thải rắn. Cơ sở tái chế nhựa hiện nay chưa phát triển mạnh, phần lớn các cơ sở tái chế chất thải hoạt động ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, tập trung nhiều nhất tại vùng ven. Hơn nữa, các cơ sở này đều có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu, chưa đủ năng lực tài chính để cải tạo, đổi mới quy trình tái chế đáp ứng xu hướng chất thải phát sinh thực tế, nên hiệu quả tái chế thấp, chất lượng không cao và ô nhiễm cho môi trường không khí, nước và đất. Thêm vào đó, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, do thị trường tái chế nhựa Việt Nam chưa phát triển.

Còn theo báo cáo “Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam: Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” được Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10 vừa qua, mỗi năm có khoảng 3,90 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này chỉ 1,28 triệu tấn (tương ứng tỷ lệ 33%) được tái chế. Bao bì PET có tỷ lệ thu gom tái chế (CFR) cao nhất trong số tất cả các loại nhựa chủ yếu, ở mức 50%. Bên cạnh đó mỗi năm cả nước có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, tức là không được tái chế, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tất cả các loại nhựa PET, HDPE, LDPE và PP sử dụng ở Việt Nam được thu gom và tái chế thành các sản phẩm tái chế có giá trị thì tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên tính theo tỷ lệ tái chế 33% hiện nay thì mới chỉ có 25% tổng giá trị vật liệu nhựa, tương đương 872 triệu USD được giải phóng hàng năm.

Rõ ràng con số mỗi năm lượng rác thải nhựa không được tái chế sẽ gây thiệt hại từ 2,2 - 2,9 tỷ USD cho thấy tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế tại Việt Nam là rất lớn. Để thúc đẩy thị trường tái chế nhựa trong thời gian tới thì Việt Nam cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp mang tính kinh tế và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Cụ thể:

Trước hết, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải nhựa và có sự phân giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan chức năng cũng như nâng cao năng lực để các cơ quan, ban, ngành thực hiện có hiệu quả các chính sách quản lý của Nhà nước.

Thứ hai, khuyến khích sử dụng hàm lượng tái chế trên tất cả các ứng dụng cuối cùng quan trọng để giảm phải phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu, giúp ngành công nghiệp tái chế không chịu tác động mạnh của sự biến động giá toàn cầu tiềm ẩn trong lĩnh vực tái chế.

Thứ ba, tăng hiệu quả thu gom và phân loại trên toàn bộ chuỗi giá trị ngành nhựa hậu tiêu dùng, bao gồm các giai đoạn xử lý chất thải tiêu dùng, thu gom, vận chuyển và phân loại riêng vật liệu từ các nguồn hỗn hợp để cải thiện hiệu quả kinh tế của tái chế.

Thứ tư, cần có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Trong đó cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế và hỗ trợ nâng cao năng lực. Để doanh nghiệp tái chế nhựa phát triển bền vững, cần gắn với trách nhiệm đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và việc chấp hành các quy định của pháp luật môi trường.

Thứ năm, cải thiện sự minh bạch về dữ liệu trên thị trường nhựa, để tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt cho khu vực tư nhân.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại đối với môi trường của túi ni-long, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, hình thành thói quen tiêu dùng xanh.

Nếu các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, thì ngành công nghiệp tái chế nhựa Việt Nam sẽ phát triển, như một mũi tên trúng 2 đích, vừa góp phần giảm lượng chất thải nhựa ra môi trường, vừa tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm nhựa, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong nước phát triển./.

ThS.  Nguyễn Thị Minh Huyền - ThS. Phùng Thị Kim Phượng
Đại học Công nghiệp Hà Nội