Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài

|

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài

Giống như nhiều ngành kinh tế khác, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 cũng có sự sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song chỉ ở mức 3,8% so với năm trước (theo số liệu Tổng cục Thống kê) và thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chứng tỏ là kênh đầu tư hấp dẫn không thể bỏ lỡ của các nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện ở việc dòng vốn ngoại trong thời gian qua liên tục đổ về và thị trường M&A vẫn diễn ra sôi động.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực thu hút vốn lớn thứ tư (sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện; kinh doanh bất động sản) với tổng vốn đăng ký đạt trên 1,4 tỷ USD. Nếu xét về số lượng dự án thì bán buôn, bán lẻ cũng là một trong 3 ngành thu hút được nhiều dự án nhất với tỷ lệ là 28,1% trong tổng số dự án.

Sự hiện diện và hoạt động ngày một dày đặc của những thương hiệu quốc tế lớn cũng là một minh chứng rõ rệt cho sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam. Bất chấp những tác động của dịch bệnh, tiếp tục theo đuổi chiến lược mở các cửa hàng truyền thống, trong năm vừa qua, thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu Nhật Bản là UNIQLO liên tiếp khai trương thêm những cửa hàng mới tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng với dòng sản phẩm LifeWear chất lượng, tinh tế. Đặc biệt, để bắt nhịp cùng xu thế bán hàng online, vào tháng 11/2021, hãng thời trang này chính thức công bố ra mắt cửa hàng trực tuyến UNIQLO.com tại Việt Nam trên cả giao diện website lẫn ứng dụng dành cho thiết bị di động với hơn 15.000 sản phẩm LifeWear, mang lại trải nghiệm cho tất cả khách hàng trên khắp cả nước mọi lúc, mọi nơi. Đây là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch phát triển và cam kết lâu dài của UNIQLO tại VN.

Sau 3 năm hoạt động với 9 cửa hàng hiện diện tại 3 thành phố lớn của Việt Nam, đầu năm 2021, H&M vốn là một đối thủ“đáng gờm” của Uniqlo cũng tự tin đồng loạt mở thêm 2 cửa hàng ở Hạ Long và Cần Thơ, nâng tổng số cửa hàng H&M tại Việt Nam lên 11, trong khi đã vừa phải đóng cửa 250 cửa hàng trên toàn cầu do dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh những cái tên quen thuộc trên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn chứng kiến sự mở rộng và gia nhập của nhiều nhãn hàng thời trang quốc tế khác như Pandora, Weekend Max Mara... Thậm chí, ngay cả những thương hiệu xa xỉ và kén khách cũng tăng tốc mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam.

Thị tr
ường bán lẻ Việt Nam không chỉ là “bến đỗ” của các thương hiệu thời trang đình đám thế giới mà còn tiếp tục là sự lựa chọn của các tập đoàn bán lẻ toàn cầu khác như: FamilyMart; K-Mart; Lotte; Central Group; Circle K… khi liên tục đẩy mạnh chiến lược xâm nhập và mở rộng tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thị trường bán lẻ Việt năm 2021 còn sôi động bởi hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Một trong những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tích cực nhất trong năm nay là Masan Group với hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ Point of Life của mình. Tập đoàn này đã liên tục thực hiện thương vụ M&A với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn ngoại.

Thương vụ đầu tiên mở đầu cho năm 2021 là vào đầu tháng 4, Masan Group đã ký kết thỏa thuận để SK Group của Hàn Quốc mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị/cửa hàng tiện lợi VinMart/VinMart+) với tổng giá trị tiền mặt khoảng 410 triệu USD. Đây là giao dịch mang tính bước ngoặt, tái khẳng định cam kết của SK Group với Masan Group và Việt Nam, đồng thời giúp SK Group hiện thực hóa chiến lược thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ tích hợp online - offline (O2O) ở nước ta.

Năm 2021 Masan Group cũng đã hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX (nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce) cho nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA - một trong những quỹ đầu tư thay thế lớn nhất ở châu Á) với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD vào trung tuần tháng 6. Thông qua giao dịch này, VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada, nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Thương vụ trị giá 400 triệu USD kỳ vọng sẽ giúp xây dựng năng lực kỹ thuật số của công ty bán lẻ, đẩy mạnh chuyển dịch từ offline sang online tại thị trường Việt Nam.

Tháng 11/2021, SK Group tiếp tục chi ra 340 triệu USD để có 4,9% cổ phần tại The CrownX của Masan Group để thực hiện tham vọng cùng với Masan Group đưa WinCommerce phát triển thành một doanh nghiệp đa kênh bao gồm cả thị trường trực tuyến và ngoại tuyến. Sau giao dịch, The CrownX được định giá 8,2 tỉ USD cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương giá mỗi cổ phần là 105 USD (xấp xỉ 2,41 triệu đồng). Trong đó, Masan Group vẫn nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 81,4%.

Giữa tháng 12/2021, The CrownX tiếp nhận thêm 350 triệu USD của các nhà đầu tư gồm TPG, Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi và SeaTown Holdings để kết lại một năm đầy thành công của mình.

Dự báo năm 2022, dịch Covid-19 vẫn tác động đến kinh tế vĩ mô nói chung và lĩnh vực bán lẻ nói riêng. Song với quy mô dân số lớn gần 100 triệu dân cùng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng, Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Nhận định này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn và hứa hẹn tiếp tục là sân chơi hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tính đến thời điểm cuối năm 2021, tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới AEON (Nhật Bản) đã có mặt ở 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vũng Tàu với các lĩnh vực kinh doanh khá đa dạng như: Trung tâm mua sắm, bách hóa siêu thị; cửa hàng kinh doanh về xe đạp, thú cưng và hóa mỹ phẩm và cửa hàng đồng giá. Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm cho phát triển kinh doanh bán lẻ của mình, trong năm 2022, AEON cho biết, sẽ lên kế hoạch tiếp tục “đổ vốn” mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh mới. Đây là bước đi để Aeon theo đuổi kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam vào năm 2025. Ngoài ra, AEON Mall - công ty con của Tập đoàn cũng đang lên kế hoạch tăng số lượng trung tâm mua sắm tại Việt Nam từ con số 6 trung tâm hiện nay lên 16 trung tâm vào năm 2025.

Bên cạnh việc mở rộng quy mô kinh doanh của các tên tuổi đã ghi được dấu ấn đối với người tiêu dùng thì nhiều tập đoàn bán lẻ Nhật Bản khác cũng có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường bán lẻ nước ta. Đơn cử là Sumitomo Corp. có kế hoạch hợp tác với tập đoàn BRG Group để mở thêm các siêu thị nằm trong chuỗi FujiMart mang phong cách Nhật Bản tại Việt Nam.

Bán lẻ vốn luôn là cuộc chơi cần sức bền. Để duy trì và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sức khỏe để chạy đường dài, nắm bắt được các xu hướng bán lẻ mới, thay đổi chiến lược kinh doanh theo tín hiệu thị trường. Đồng thời cần phải tự hoàn thiện mình để theo kịp sự phát triển của thời đại công nghệ số. Những điều này sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt tạo thêm sức hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, bên cạnh Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, mới đây Chính phủ đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo chính sách phát triển thị trường trong nước mang tính cởi mở, mở ra những điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đây là những yếu tố “hậu thuẫn” để thị trường bán lẻ Việt Nam có thêm lực hút, thu hút dòng vốn ngoại sau đại dịch./.
 
Ngọc Linh