Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp tạo nền tảng cho phát triển bền vững

|

Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp tạo nền tảng cho phát triển bền vững

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 so với năm 2015 đạt 13,4%, trong đó ngành nông nghiệp tuy đạt mức tăng 9,1% nhưng đóng góp cao nhất tới 7 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của khu vực này. Giai đoạn 2016- 2020, giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 14-16% trong GDP, bình quân tăng 2,54%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 1,8%/năm, đóng góp 1,32 điểm phần trăm vào mức tăng chung cả khu vực. Năm 2021, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, song khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,5 tỷ USD trong năm 2021 (số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
 
Song bên cạnh những con số tích cực trên, ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng chưa bền vững, có quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn, năng suất lao động thấp, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thu hẹp diện tích canh tác, biến đổi khí hậu…
 
Chính vì vậy, để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần hòa nhịp và tích hợp giá trị cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh thông qua một trong những nguồn lực vô hình là đổi mới sáng tạo (ĐMST). Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, ĐMST trong nông nghiệp giúp thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quản trị sản xuất bằng nông nghiệp số để tăng thu nhập cho nhà nông và tiếp cận các tiêu chuẩn của thế giới. Với những lợi ích trên, ĐMST trong nông nghiệp là câu chuyện được nhiều bộ, ngành và địa phương quan tâm trong những năm gần đây.
 
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động thúc đẩy các hoạt động kết nối thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) tại nhiều nước trên thế giới, nhằm tạo diễn đàn trao đổi về thực tiễn phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ và ĐMST trong hoạt động nông nghiệp của các nước tiên tiến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã phối hợp cùng mạng lưới đổi mới sáng tạo nông nghiệp lớn nhất toàn cầu là Nhóm Tư vấn các Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế - CGIAR nghiên cứu và triển khai các dự án giúp phát triển bền vững nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và chuyển đổi hệ thống thực phẩm cũng như giúp nông nghiệp nước ta thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cùng CGIAR thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học là: Cải tiến trong Nông học để Thâm canh bền vững và Thích ứng với Biến đổi Khí hậu (Eia); cải tiến Năng suất Chăn nuôi Bền vững vì Sinh kế, Dinh dưỡng và Hòa nhập Giới (SAPLING); Sức khỏe Cây trồng và Phản ứng Nhanh để Bảo vệ An ninh Lương thực và Sinh kế; Cải thiện sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe; Nâng cao Năng suất và Khả năng phục hồi...
 
Để đẩy mạnh triển khai ĐMST trong thực tế, với sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, cuối năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hợp tác với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam), nhằm thúc đẩy và tăng cường năng lực áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo và những mô hình kinh tế có tính cạnh tranh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình của Dự án được thực hiện tại 6 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng), trong thời gian 2020-2024, GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế, nâng cao thu nhập từ 15-20%. GIC Việt Nam đồng thời thực hiện đào tạo 12.000 nông hộ cải tiến hệ thống canh tác theo hướng bền vững, áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khi hậu của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài. Cụ thể, dự án đặt trọng điểm vào những ĐMST phù hợp với nhu cầu thị trường như thúc đẩy các giống lúa có nhu cầu cao, các tiêu chuẩn nông nghiệp cải tiến, tuân thủ an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng, cung cấp dịch vụ cho các nông hộ nhỏ theo định hướng kinh doanh; triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và tái chế rơm rạ và trấu; cải thiện quản lý vườn cây ăn quả và sức khỏe cây trồng, giảm thất thoát sau thu hoạch được thực hiện thông qua mô hình trung tâm xúc tiến phát triển xoài.
 
Dự án GIC Việt Nam đã có sức lan tỏa đáng kể làn sóng ĐMST xuống các địa phương tại khu vực ĐBSCL. Tại An Giang, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới sản phẩm nông nghiệp và triển khai kế hoạch thực hiện dự án khu vực “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh”, góp phần phát triển nông thôn bền vững. Cụ thể, tỉnh đã ứng dụng các giải pháp ĐMST, tăng hiệu suất canh tác, chất lượng nông sản của 4.200 nông hộ tham gia dự án được cải thiện và bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo và chuỗi giá trị xoài; nâng thu nhập trung bình của nông hộ tham gia dự án tăng lên 15% trong chuỗi giá trị lúa gạo và tăng 20% trong chuỗi giá trị xoài. Có 2.520 nông hộ được áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo thông minh, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 70% doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) được hỗ trợ sẽ cải thiện 3/5 chỉ số là doanh thu, số lượng khách hàng, các quan hệ kinh doanh được thiết lập, chi phí sản xuất và đầu tư. Trong các năm 2022-2025, tỉnh sẽ thực hiện 4 hợp phần cốt lõi liên kết chặt chẽ với nhau: Phát triển hệ thống tìm kiếm, lựa chọn các ĐMST khả thi; tăng cường năng lực các tác nhân để thực hiện ĐMST; thúc đẩy áp dụng ĐMST cho các mô hình kinh doanh nông nghiệp bền vững; tư vấn chính sách và truyền thông để nhân rộng áp dụng ĐMST. Trong chuỗi giá trị lúa gạo và chuỗi giá trị xoài, các giải pháp ĐMST sẽ được thực hiện là: Các tiến bộ kỹ thuật, phương pháp canh tác bền vững (như bộ tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững SRP, VietGAP); cải thiện chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm bằng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp và kiểm tra tồn dư hóa chất trong sản phẩm; cải tiến tổ chức sản xuất; giải pháp thị trường; tận dụng phế phụ phẩm làm năng lượng sinh học (từ rơm rạ, trấu, rau, củ, quả dập nát...) theo hướng thân thiện môi trường. Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ internet vạn vật (IoT) trên quy mô nhỏ (như sáng kiến ứng dụng hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết kết hợp với hỗ trợ ra quyết định cho hộ nông dân, ứng dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng di động để hỗ trợ nông dân quản lý và truy xuất nguồn gốc, tiếp cận thông tin thị trường, bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch điện tử). Triển khai các khóa học khuyến nông, chuyển giao công nghệ thông minh qua hình thức đào tạo trực tuyến và giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững cho vùng và các tiểu vùng.
 
Nhằm thúc đẩy áp dụng ĐMST cho các mô hình kinh doanh nông nghiệp bền vững, tỉnh An Giang đặt mục tiêu hợp tác chặt chẽ với khối tư nhân để tiếp cận được với các đối tác kinh doanh thương mại. Tiến hành thử nghiệm các mô hình liên kết giữa DN kinh doanh chế biến với các HTX lúa gạo và xoài và đánh giá việc triển khai ứng dụng các kết quả ĐMST. Thử nghiệm các mô hình kinh doanh cho HTX lúa gạo và đánh giá trong sự liên kết chặt chẽ với các DN. Tỉnh đồng thời sẽ hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất với khách hàng ở địa phương, khu vực và quốc tế; hỗ trợ thương thảo hợp đồng đối với các sản phẩm có chất lượng và thực hiện lồng ghép các giải pháp ĐMST vào các chiến lược, chương trình và dự án của quốc gia và địa phương. Các giải pháp trên sẽ tạo ra các mô hình tại chỗ về đa dạng hóa canh tác lúa gạo và nông thôn mới, cũng như tham vấn các cơ quan nhà nước hoàn thiện các chính sách, qua đó thúc đẩy hiệu quả ĐMST trong nông nghiệp cả nước.
 
Cũng trong năm 2021 vừa qua, Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp - GRAFT Challenge Vietnam 2021 được phát động, giúp kết nối các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp (AgriTech) hàng đầu với các đối tác và các nguồn lực hỗ trợ mở rộng quy mô trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Với sự tài trợ của Chính phủ Úc, thông qua Chương trình Aus4Innovation, GRAFT hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những thách thức cấp thiết của ngành nông nghiệp Việt Nam, bao gồm cải thiện chất lượng và chi phí nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng... đồng thời giải quyết các thách thức cụ thể của từng nhóm ngành trồng trọt, thuỷ hải sản và chăn nuôi.
 
Bên cạnh đó, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (NIC AU) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đang cùng nhau xây dựng, kết nối và tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tại hội thảo với chuyên đề “Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, phân phối và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn” diễn ra vào tháng 5 mới đây, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia cho biết, NIC AU sẽ không ngừng trao đổi, tổng hợp, phân tích và kết nối để tìm ra các giải pháp cho những vấn đề còn tồn đọng, cập nhật công nghệ 5.0 nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam. NIC AU hướng đến 3 mục tiêu lớn: Kết nối các chuyên gia ở Úc và toàn cầu với các doanh nghiệp Việt Nam, quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học; cập nhật các chính sách đầu tư, định hướng phát triển từ phía nhà nước đến các chuyên gia và doanh nghiệp; kết nối và hỗ trợ tạo dựng thêm nhiều cơ hội đầu tư trong và ngoài nước.
 
Những kết quả trên mới chỉ là những bước đi đầu tiên và ĐMST vẫn là câu chuyện dài cần được chú trọng hơn nữa. Ðể các yếu tố ĐMST đi vào thực tế sản xuất nông nghiệp, làm điểm tựa để ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh mới rất cần hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn với sự tham gia không chỉ của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân mà còn là của nhiều chủ thể khác. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đề ra cơ chế, chính sách mới hoặc mạnh dạn xóa bỏ các «giới hạn» cũ để mở đường cho các dự án, ý tưởng ĐMST được ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, cần sự tham gia góp ý từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng nông sản Việt Nam. Hy vọng rằng, trong thời gian tới ĐMST trong nông nghiệp sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa để ngành nông nghiệp Việt Nam theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ, sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và có tầm nhìn mới về sự phát triển và hội nhập với quốc tế./.
Ngọc Linh