Phát triển chuẩn đo lường quốc gia theo hướng hiện đại

|

Phát triển chuẩn đo lường quốc gia theo hướng hiện đại

Ngày 24/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030”. Với mục tiêu chung nhằm phát triển chuẩn đo lường quốc gia theo hướng hiện đại, đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường trong giai đoạn mới, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch nêu rõ: Giai đoạn 2024-2025: Duy trì, bảo quản và sử dụng 48 chuẩn đo lường quốc gia của 29 đại lượng đã được phê duyệt theo Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 1361/QĐ-TTg  ngày 08 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; Đầu tư phát triển mới, bổ sung 08 chuẩn đo lường của 07 đại lượng, cụ thể: 02 chuẩn đo lường thuộc 02 đại lượng cơ bản: Nhiệt độ nhiệt động học, Lượng chất; 06 chuẩn đo lường thuộc 05 đại lượng dẫn xuất: 02 chuẩn đo lường Áp suất, Độ ẩm khí, Điện dung, Điện cảm, Air kerma (đối với photon).

Giai đoạn 2026-2030: Duy trì, bảo quản và sử dụng các chuẩn đo lường quốc gia của các đại lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ; Đầu tư nâng cấp mở rộng phạm vi đo, nâng cao trình độ 09 chuẩn đo lường quốc gia của 08 đại lượng đã được phê duyệt, cụ thể: 01 chuẩn đo lường thuộc 01 đại lượng cơ bản: Dòng điện; 08 chuẩn đo lường thuộc 07 đại lượng dẫn xuất: 02 chuẩn đo lường Lưu lượng thể tích chất lỏng, Lưu lượng khối lượng chất lỏng, Điện áp, Điện trở, Công suất, Điện năng, Suy giảm tần số cao; Đầu tư phát triển mới, bổ sung 36 chuẩn đo lường của 23 đại lượng, cụ thể: 09 chuẩn đo lường thuộc 03 đại lượng cơ bản: 03 chuẩn đo lường Độ dài, 02 chuẩn đo lường Nhiệt độ nhiệt động học, 04 chuẩn đo lường Lượng chất; 27 chuẩn đo lường thuộc 20 đại lượng dẫn xuất: Lực, Mômen lực, pH, Độ dẫn điện, Độ ẩm khí, Dòng điện xoay chiều, Từ trường, Công suất tần số cao, Cường độ trường, Mức áp suất âm thanh, 04 chuẩn đo lường Rung động, 03 chuẩn đo lường siêu âm, Công suất bức xạ, Phổ phản xạ khuếch tán, Năng suất bức xạ, Đáp ứng quang phổ, Bán kính cong, Liều hấp thụ (đối với photon), 03 chuẩn đo lường Tương đương liều (đối với photon, nơtron, beta), Chuẩn hoạt độ phóng xạ.

Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tập trung, ưu tiên nguồn lực triển khai, phát triển các chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt; đào tạo cán bộ; duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn đo lường quốc gia; hợp tác quốc tế. Cùng với đó là phát triển chuẩn đo lường quốc gia đáp ứng các yêu cầu sau:

(i) Sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện duy trì, bảo quản, sử dụng tại Việt Nam; bảo đảm trình độ chuẩn tương đương với trình độ chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.

(ii) Đạt độ chính xác và phạm vi đo cần thiết tương đương với đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đầu (primary standards) hoặc chuẩn thứ (secondary standards), giữ vai trò là chuẩn đo lường quốc gia cho từng lĩnh vực đo tương ứng, bảo đảm tính liên kết của chuẩn tới Hệ đơn vị đo quốc tế (SI), đảm bảo thời hạn hoàn thành.

(iii) Đồng bộ giữa chuẩn đo lường quốc gia được trang bị với thiết bị sao truyền, thiết bị phụ trợ, bảo đảm chuẩn đo lường quốc gia được dẫn xuất đến chuẩn chính đang sử dụng trong các ngành kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đảm bảo thời hạn hoàn thành.

Trong công tác đào tạo cán bộ: Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong nước và quốc tế nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện về thiết lập, duy trì, bảo quản và sử dụng các chuẩn đo lường quốc gia tại Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan, địa phương.

Duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn đo lường quốc gia: Bảo đảm độ chính xác và tính liên kết của chuẩn đo lường quốc gia với Hệ đơn vị đo quốc tế (SI); Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất (mặt bằng, nhà xưởng, môi trường phòng thí nghiệm,...) phù hợp với yêu cầu duy trì, bảo quản và sử dụng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia. Thiết lập, cập nhật, bảo quản hồ sơ, tài liệu liên quan đến chuẩn đo lường quốc gia; Sử dụng chuẩn đo lường quốc gia phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp; hoạt động sản xuất, hiệu chuẩn các chuẩn đo lường, chất chuẩn của các bộ, ngành, địa phương; Thống nhất hoạt động sao truyền chuẩn từ chuẩn đo lường quốc gia đến các chuẩn chính của các bộ, ngành, địa phương; Thực hiện Chương trình so sánh liên phòng về đo lường ở cấp quốc tế và quốc gia.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế: Cử cán bộ tham gia các chương trình so sánh liên phòng về đo lường ở cấp quốc tế, hội thảo kỹ thuật về đo lường của các tổ chức đo lường quốc tế và tham gia các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật về đo lường của các tổ chức đo lường quốc tế, khu vực như: Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML), Văn phòng Cân đo quốc tế (BIPM), Tổ chức Đo lường pháp định châu Á - Thái Bình Dương (APLMF), Chương trình Đo lường châu Á - Thái Bình Dương (APMP),... Chủ động tham gia các dự án nghiên cứu chung, tham gia so sánh về đo lường ở cấp quốc tế đối với các lĩnh vực đo; tiếp tục tham gia Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA). Đồng thời, thực hiện hiệu quả các dự án song phương và đa phương về phát triển chuẩn đo lường quốc gia để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về đo lường./.
P.V