Thu phí không dừng: Vẫn rối chuyện thanh toán, dán thẻ

|

Sau hơn nửa tháng triển khai thu phí không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, viêc dán thẻ ETC, nạp tiền vào tài khoản giao thông vẫn khiến nhiều người dân băn khoăn.\r\n

Các nhà cung cấp dịch vụ đã thu phí dán thẻ 120.000 đồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Phấp phỏng lo trừ phí 2 lần

Hiện nay, một trong những bức xúc lớn nhất là vấn đề thanh toán dịch vụ ETC. Nhiều chủ xe phản ánh vẫn bị thu phí 2 lần trong tài khoản khi đi qua trạm. Cụ thể, ngày 17-8, anh Phạm T. (Hà Nội) di chuyển qua Trạm thu phí số 2 trên quốc lộ 5 bị trừ tiền 2 lần, mỗi lần 39.000 đồng. Tương tự, anh Nguyễn Khắc C. (Bắc Ninh) cũng bị trừ tiền 2 lần cho 1 lần qua trạm, nhưng khi gọi điện đến đường dây nóng của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC để phản ánh thì không ai nghe máy. Phản hồi về việc này, đại diện VETC giải thích đây là lỗi hệ thống. Số tiền trừ lần 2 sẽ tự động hoàn lại và hiển thị trong tài khoản của chủ phương tiện. Tuy nhiên, việc này vẫn khiến các tài xế phấp phỏng, phải thường xuyên kiểm tra tài khoản.

Bên cạnh đó, rất nhiều tài xế bức xúc vì mất thêm công đoạn nạp tiền vào ví điện tử, rồi mới chuyển từ ví điện tử vào tài khoản giao thông với chi phí khá cao. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao không liên thông tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông để thuận lợi cho người dân. Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số VDTC, cho biết, có 2 lý do không thể tích hợp thẻ giao thông vào thẻ ngân hàng. Thứ nhất là tốc độ xe qua trạm phải đạt tối thiểu 3km/giờ để hệ thống nhận diện và gửi lên hệ thống tính cước. Nếu hệ thống e-banking của ngân hàng không đủ tốc độ xử lý sẽ dẫn đến việc barie đóng mở không đúng thời điểm, gây ra sự cố cho các phương tiện. Thứ hai, bản chất tài khoản giao thông không phải là ví điện tử, vì thế chủ phương tiện phải nạp tiền từ ví điện tử vào tài khoản giao thông. Trên thế giới cũng chưa có đơn vị nào trừ trực tiếp trên tài khoản ngân hàng. 

Thông tin từ các ngân hàng cũng cho biết, tài khoản ngân hàng là tài khoản mật của cá nhân, không cho phép đơn vị thứ 3 truy cập vào để lấy tiền của khách hàng. Do đó, khách hàng phải nạp tiền vào các ví điện tử - là đơn vị trung gian - từ đó nạp tiền vào tài khoản giao thông. Việc trừ phí như thế nào là do các đơn vị trung gian quyết định.

Không nên “cưỡng bức” dán thẻ ETC

Về đề xuất buộc dán thẻ ETC mới cho đăng kiểm ô tô, đại diện Bộ GTVT lý giải, xuất phát từ mục tiêu đạt độ phủ dán thẻ ETC hơn 90% số phương tiện trong năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, đây mới là chỉ đạo của Bộ GTVT đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu theo hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm quy định việc dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ông Đặng Việt Hà, Cục ĐKVN, cho biết, sẽ xem xét nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá kỹ mọi tác động đến các đối tượng liên quan, lấy ý kiến của các đơn vị, sau đó tổng hợp và tìm phương án phù hợp tham mưu cho Bộ GTVT.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cần ủng hộ chủ trương thực hiện thu phí ETC vì lợi ích chung. Tuy nhiên, đề xuất bắt buộc dán thẻ ETC khi đăng kiểm là không phù hợp. Việc dán thẻ ETC về bản chất là hình thức sử dụng dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp. Các doanh nghiệp phải tìm giải pháp đẩy mạnh việc dán thẻ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, có thể giảm giá dịch vụ và gia tăng chất lượng dịch vụ chứ không phải bằng cách ép buộc. Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, cần thận trọng, nghiên cứu kỹ về chính sách yêu cầu bắt buộc dán thẻ ETC khi đăng kiểm ô tô để đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Việc bắt buộc người dân phải dán thẻ khi đi đăng kiểm phương tiện là sự khiên cưỡng.

Về việc người dân cho rằng chi phí dán thẻ 120.000 đồng là quá cao, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, thu phí ETC áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID, loại công nghệ tiên tiến, hiện đại đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Chi phí cho thẻ được đưa vào phương án tài chính của dự án đã được các nhà cung cấp dịch vụ báo cáo chi tiết và bộ cũng đã rà soát đảm bảo phù hợp với các bên liên quan. Trên thực tế, các nhà cung cấp dịch vụ đã thực hiện dán miễn phí cho hơn 80% số lượng phương tiện.

--------------------
* Đang chuẩn bị thu phí ETC tại các sân bay

Thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, việc thu phí ETC đối với các phương tiện ra vào sân bay sẽ sớm được thực hiện, đồng bộ với hệ thống thu phí ETC trên cả nước. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, liên quan đến việc thu xếp nguồn vốn và cân nhắc thời điểm thích hợp. Hiện các cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn đang làm việc với đối tác cung cấp dịch vụ ETC để xây dựng phương án trình ACV.

* Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc thu phí ETC vẫn có barie dự kiến thực hiện đến năm 2023. Giai đoạn 2 (dự kiến thực hiện từ 2024-2025), các trạm thu phí không còn barie và cabin thu phí, chỉ duy trì dải phân cách các làn. Từ năm 2026 trở đi, trạm thu phí chỉ còn thiết bị thu phí gắn trên giá long môn, phương tiện lưu thông tự do đa làn qua khu vực trạm thu phí. 

* Các nhà cung cấp dịch vụ gợi ý một số cách nạp tiền miễn phí vào tài khoản giao thông như chuyển vào tài khoản ngân hàng của VETC hoặc VDTC bằng hình thức Internet Banking. Nội dung chuyển khoản chỉ cần điền thông tin biển số xe hoặc số tài khoản giao thông. Viettel hiện đã có ví điện tử Viettel Pay, Viettel Money liên kết trực tiếp tài khoản giao thông. VETC đã cho phép thanh toán trực tiếp từ ví điện tử hay kết nối liên thông đến ngân hàng BIDV, khi tài khoản giao thông hết tiền thì tài khoản ngân hàng tự động chuyển tiền theo hạn mức đã được cài đặt sẵn. Tuy nhiên, khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng BIDV và đến quầy giao dịch để đăng ký kết nối liên thông với tài khoản ETC.