Thiếu chăm chút trạm dừng, nhà chờ xe buýt

|

Nhiều nhà chờ, trạm dừng xe buýt tại TPHCM ngày càng xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa, làm mới. Tình trạng này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn hạn chế dịch vụ tiện ích của phương tiện công cộng.\r\n

“Lơ ngơ” trước trạm

Đứng loay hoay mãi tại trạm dừng xe buýt trước số nhà 351 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, nhưng bà Đào Thị Nguyên (65 tuổi, quê Bình Thuận) không thể nhìn được chữ trên bảng thông tin, do tấm dán đã rách nát, loang lổ.

“Nhờ các cậu thanh niên mắt sáng đọc lại lộ trình các tuyến thì mọi người đều lắc đầu vì không thể đọc được. Trước khi đi xe buýt, tôi hỏi mua tấm bản đồ xe buýt thì các anh xe ôm đứng gần đó bảo, đi đến đâu các anh chở cho nhanh, chứ đi xe buýt vừa tốn thời gian mà không biết đi thì rất khó chọn xe”, bà Nguyên kể.

Mỗi trạm dừng, nhà chờ xe buýt xuống cấp mỗi kiểu khác nhau. Phần lớn nhà chờ trở thành “trang giấy trắng” để các “nghệ sĩ” đường phố vẽ bậy, bôi bẩn; như nhà chờ trước Nhà thi đấu Phú Thọ (đường Lý Thường Kiệt, quận 11); trước số nhà 106B Lý Thái Tổ (quận 10), nhà chờ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (trước công viên Phạm Viết Chánh, quận 1); nhà chờ trước công viên Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)…

Nhiều tấm bản đồ lộ trình các tuyến xe buýt đã quá cũ, chưa được cập nhật mới, hình ảnh mờ, khiến hành khách không biết lộ trình để bắt xe nối tiếp. Thậm chí nhà chờ còn trở thành “nhà vệ sinh công cộng”, như nhà chờ trước cổng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh).

Còn nhà chờ trước chung cư Xi Grand (đường Lý Thường Kiệt, quận 10) đã rỉ sét, thanh sắt đã mục. Một số nhà chờ ngay góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Mai Thị Lựu (quận 1), trên đường Cách Mạng Tháng Tám (trước Bệnh viện Thống Nhất, quận Tân Bình) lại bị bao vây bởi các thùng rác.

Nhà chờ xe buýt góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Mai Thị Lựu (quận 1) gần khu vực thùng rác tập kết

Không những thế, nhiều trạm dừng xe buýt bị các điểm kinh doanh chiếm dụng để đậu xe khách hàng, nên người dân muốn bắt xe buýt phải đứng dưới lòng đường, như trạm dừng trước quán karaoke Avatar (đường Phạm Viết Chánh, quận 1).

Sẽ sớm khắc phục

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, hiện đơn vị đang quản lý 4.477 vị trí trạm dừng xe buýt, trong đó có 704 nhà chờ, 3.064 trụ dừng, 59 biển treo thông tin xe buýt. Khối lượng kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt được giao quản lý rất lớn, nhưng trong nhiều năm qua, nguồn kinh phí để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hạn chế. Vì vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng xe buýt đã bị xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an toàn cho hành khách sử dụng xe buýt, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, cho biết, hiện nay công tác duy trì, đổi mới, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy, tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Trong năm 2022, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã đề xuất và được thành phố bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng phục vụ cho xe buýt.

Trung tâm đã triển khai thủ tục để thực hiện các công trình sửa chữa nhà chờ, trụ dừng, bổ sung bảng thông tin lộ trình trên địa bàn toàn thành phố, dự kiến đồng loạt khởi công cuối tháng 8-2022 và hoàn thành vào cuối năm nay. Với việc triển khai đồng loạt các công trình này, trong năm 2022 sẽ sửa chữa được 1.567 trụ dừng, 269 nhà chờ xe buýt, cập nhật thay thế khoảng 2.500 bảng thông tin luồng tuyến, lộ trình xe buýt.

Song song với việc thực hiện nâng cấp, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thường xuyên tuần tra, theo dõi kết cấu hạ tầng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, khắc phục những khiếm khuyết của kết cấu hạ tầng xe buýt trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh trạm dừng, nhà chờ, bến bãi cũng được thực hiện.

“Đặc biệt, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương nhằm xử lý tình trạng buôn bán, lấn chiếm, gây mất vệ sinh tại các trạm dừng. Đồng thời, trung tâm cũng tiếp tục đề xuất bổ sung, cải tạo nâng cấp thêm các điểm dừng, nhà chờ nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận với mạng lưới xe buýt”, ông Hà Lê Ân cho biết.

PGS-TS PHẠM XUÂN MAI, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM:

Nâng cấp trạm dừng thành nhà chờ

Để thu hút khách sử dụng xe buýt thì các trạm dừng, nhà chờ phải có khoảng cách gần hơn so với hiện tại. TPHCM có lượng hành khách rất lớn, vì vậy cần đầu tư thay đổi trạm dừng thành nhà chờ để hành khách có thể trú chân, ngồi chờ.

Trạm dừng chỉ phù hợp ở các vùng nông thôn có lượng khách sử dụng ít. Hiện thế giới đang bước vào thời kỷ nguyên số hóa, các nhà chờ phải xây dựng phần mềm để có thể giúp hành khách tiếp cận thông tin dễ hơn (như xe buýt đang đi đến đâu, bao lâu mới đến) để hành khách có thể ra trạm đúng giờ, mua vé trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà chờ phải có thêm bảng điện tử thông báo thời gian xe đến và đi; bản đồ điện tử để người lớn tuổi có thể tiếp cận.

Cùng với đó, trên xe buýt cũng cần trang bị phần mềm thông báo có bao nhiêu khách đã mua vé để tài xế dễ theo dõi mà không cần phải kiểm tra hành khách.