Thúc đẩy những dự án cầu đường “lỗi hẹn”

|

Nhiều dự án xây mới, mở rộng, nâng cấp cầu, đường tại TPHCM… bị ngưng trệ lâu nay đang được từng bước tháo gỡ khi thành phố đồng loạt triển khai các giải pháp. Điều này đang được kỳ vọng thúc đẩy đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

Giao thông tại vòng xoay Phú Hữu, trên đoạn đường Võ Chí Công và Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hàng chục dự án chậm tiến độ

Dù là ngày nghỉ lễ nhưng mật độ phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) dày đặc, các loại xe container, xe tải, ô tô nối đuôi nhau hai chiều ra vào cảng Phú Hữu chiếm hết mặt đường; xe máy phải len lỏi giữa dòng các loại xe, rất nguy hiểm. Đặc biệt, đoạn từ giao lộ đường 990 đến đường Võ Chí Công, người tham gia giao thông thấp thỏm lo sợ né tránh từng đoàn xe tải, xe container qua lại rầm rập, tài xế bóp còi inh ỏi. Khu vực này là điểm đen tai nạn giao thông khiến nhiều người tử vong.

Dọc 2 bên đường, đơn vị chức năng cắm rất nhiều biển cảnh báo: “Đoạn đường hay xảy ra tai nạn, chú ý quan sát”, “Tuyến đường thường xảy ra tai nạn”. Hàng ngày đi lại trên đường Nguyễn Duy Trinh, anh Huỳnh Minh Thông (ngụ TP Thủ Đức) cảm thấy bức xúc khi mặt đường rộng khoảng 7m, không có dải phân cách khiến xe trọng tải lớn lưu thông cùng làn xe máy, thậm chí nhiều tài xế chạy vào giờ cấm...

“Nhiều năm qua, mặt đường xuống cấp, nhiều ổ voi, ổ gà khiến tai nạn va quệt và người bị thương xảy ra thường xuyên. Đặc biệt là những lúc tan trường (có hai trường học trên tuyến đường này), phụ huynh chở con cái chen chúc giữa dòng xe rất nguy hiểm”, anh Thông nói.

Tuyến đường nguy hiểm là vậy nhưng việc sửa chữa, nâng cấp mở rộng lại hết sức ì ạch. Dự án được phê duyệt năm 2019 với tổng vốn đầu tư hơn 832 tỷ đồng, sau đó đội vốn lên 1.630 tỷ đồng do tăng chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa “chốt” thời gian triển khai!

Tương tự, sau 15 năm quy hoạch và triển khai, dự án mở rộng khép kín đường Vành đai 2 (được xem là trục huyết mạch giúp phân luồng, giảm ùn tắc khu nội đô) vẫn giậm chân tại chỗ. Tuyến đường dài hơn 64km nhưng chỉ mới hoàn thành khoảng 50km; hơn 14km còn lại chia làm 4 đoạn, trong đó 3 đoạn chưa được đầu tư (ước tính cần hơn 26.000 tỷ đồng), 1 đoạn dài 2,7km triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) vẫn đang dang dở…

Hàng loạt dự án khác như nâng cấp đường Nguyễn Thị Định; nút giao vòng xoay Mỹ Thủy (giai đoạn 2); cầu Nam Lý; cầu Tăng Long và cầu Long Đại (TP Thủ Đức); dự án đường Thoại Ngọc Hầu đến nút giao Vành đai trong - đường số 29; dự án nối từ đường Kinh Dương Vương (khu vực đường Đỗ Năng Tế) đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Tân Phú, quận Bình Tân); dự án cầu đường Bình Tiên (quận 6); dự án cầu đường Nguyễn Khoái (quận 4); tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương)... cũng bị chậm tiến độ suốt nhiều năm qua.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng

Để giải quyết điểm đen tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức), ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, trước mắt, sở đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng dạ cầu đường cao tốc làm đường cho xe 2 bánh để chia sẻ lưu lượng giao thông với đường Nguyễn Duy Trinh. Về lâu dài, TPHCM chuẩn bị đầu tư mở rộng dự án đường Nguyễn Duy Trinh nối với đường 990 ra đường Vành đai 2. Giải thích vì sao dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh ì ạch, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TPHCM (Ban Đầu tư công trình) cho hay, hiện dự án vẫn đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Đầu tư công trình, không chỉ dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh mà hầu hết dự án cầu, đường đều vướng GPMB khiến tiến độ chậm trễ, có dự án trễ hẹn 3-6 năm. Nhằm khắc phục tình trạng này, ông Phúc thông tin, đơn vị đang thực hiện “cuốn chiếu”, có mặt bằng đến đâu thì thi công đến đó; đồng thời phối hợp các địa phương để sớm thống nhất thời gian GPMB cho từng dự án cụ thể, nếu có vướng mắc.

Theo Sở GTVT TPHCM, nhu cầu vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông TPHCM trong 10 năm tới là 904.293 tỷ đồng, gồm hơn 438.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách, còn lại các nguồn vốn khác (trung ương, xã hội hóa, ODA...). Trong 5 năm tới, TPHCM cần thực hiện các dự án đường bộ, gồm 3 tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (xây dựng mới); TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ: 1, 13, 22, 50; tập trung các dự án xây dựng tuyến Vành đai 2 và Vành đai 3. Bên cạnh đó, Sở GTVT đề xuất đầu tư các nút giao thông trọng điểm từ nay đến năm 2025, gồm: An Phú; Mỹ Thủy; Gò Dưa; Linh Xuân; ngã tư Bốn Xã; nút giao ngã sáu Công trường Dân Chủ; nút giao quốc lộ 1A - đường Vườn Lài. Đồng thời, 4 cây cầu có quy mô lớn vượt sông cũng được xây dựng, gồm: cầu Thủ Thiêm 3 (nối TP Thủ Đức và quận 4); Thủ Thiêm 4 (nối TP Thủ Đức và quận 7), cầu Cát Lái (nối TPHCM với Đồng Nai) và cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia đô thị, dự án hạ tầng tại TPHCM tuy nhiều nhưng thực tế triển khai quá chậm. Nhiều chuyên gia cho rằng, là đô thị lớn nhất nước nhưng tất cả cửa ngõ đang tắc nghẽn, TPHCM cần giải quyết dứt điểm các dự án giao thông trục chính, vành đai, vì càng để chậm thì chi phí đầu tư càng tăng. Bên cạnh đó, công tác GPMB cần có biện pháp mạnh hơn, bởi nhiều dự án chỉ vướng vài trường hợp nhưng dẫn đến đình trệ cả công trình lớn. Mặt khác, nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, thành phố cần “chấm điểm” để ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư cấp bách.

Theo danh mục các dự án giao thông được TPHCM quyết định đầu tư giai đoạn 2016-2020, có tới 115 dự án được phê duyệt sử dụng vốn ngân sách, nhưng đến nay 75 dự án không đạt tiến độ như kế hoạch. Trong đó, 67 công trình chậm tiến độ do vướng mặt bằng, 8 dự án vướng thủ tục đầu tư.