Đa dạng hóa nguồn kinh phí chống ngập

|

Chỉ vài cơn mưa đầu mùa chưa lớn lắm, nhưng đã khiến nhiều khu vực ở TPHCM ngập nặng. Tình trạng đô thị hóa quá nhanh, trong khi các giải pháp, công trình thoát nước lại chậm do thiếu kinh phí; công tác quản lý đô thị chưa chặt chẽ… khiến cho tình trạng ngập ở thành phố khó giải quyết dứt điểm.

Mưa lớn gây ngập trên đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hạn hẹp kinh phí

Cơn mưa ngày 21-5 vừa qua khiến nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp, TP Thủ Đức, quận Bình Tân… ngập sâu, có những nơi ngập hơn 40cm và nước rút chậm. Gần đây nhất, cơn mưa chiều 27-5 cũng gây ngập sâu ở TP Thủ Đức. Là người có hơn 20 năm nghiên cứu, tham gia các dự án chống ngập ở TPHCM, PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, tình trạng ngập nước do mưa và triều cường ở TPHCM đã diễn ra từ lâu. Cách đây hơn 10 năm, toàn thành phố có tới 150 điểm ngập, hầu hết tập trung ở các quận trung tâm như quận 3, quận 1, quận 4… Lúc đó, TPHCM đã đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA để giải quyết tình trạng ngập này. Hiện các dự án được thực hiện từ nguồn vốn này như cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé… đã cơ bản giải quyết tình trạng ngập cho khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho các dự án chống ngập bị thu hẹp dần. Tình trạng ngập lan ra các khu vực vùng ven như TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận 9, quận 12, quận Bình Tân…

Cũng theo PGS-TS Hồ Long Phi, do gặp khó khăn về kinh phí nên hầu hết các dự án chống ngập của TPHCM hiện đều bị chậm tiến độ, hoặc chưa thể triển khai. Các lĩnh vực khác rất dễ thu hút đầu tư vì nhà đầu tư có thể thu hồi vốn sau khi các dự án hoàn thành, riêng vấn đề cấp thoát nước hiện không có nguồn thu nên không thể kêu gọi đầu tư từ xã hội hóa. “Xây dựng, đô thị hóa với tốc độ quá nhanh, trong khi hệ thống thoát nước chưa xây dựng kịp. Đây là cuộc đối đầu không cân sức giữa đô thị hóa và hệ thống thoát nước”, PGS-TS Hồ Long Phi nói.

Trả lời câu hỏi vì sao nhiều tuyến đường dù ở khu vực đất cao, không trũng nhưng vẫn ngập sâu khi có mưa lớn, PGS-TS Hồ Long Phi cho biết: “Nước mưa khi rơi xuống thì phải có chỗ thoát đi như vào hệ thống cống thu để thoát ra sông, rạch hoặc thấm xuống đất. Đơn cử như xung quanh đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) hồi xưa là đất trống nên mưa xuống sẽ thoát ra đây và thấm xuống đất. Còn hiện nay, nhà cửa, công trình đã xây dựng dày đặc nên nước mưa không có chỗ thấm. Trong khi đó, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, chưa có cống thoát nước dẫn ra kênh Tham Lương. Do đó, nơi đây đã bị ngập khi mưa xuống”.

Để giải quyết căn cơ tình trạng ngập ở TPHCM, phải xây dựng được cơ chế thu hút các nguồn vốn xã hội vào đầu tư hệ thống thoát nước vì nguồn vốn từ xã hội rất lớn. Có như vậy mới hy vọng đủ nguồn kinh phí để có thể đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống thoát nước cho thành phố. Nguồn thu này phải cân đối được thu - chi, đủ tiền đầu tư, vận hành, duy tu, bảo dưỡng. Do đó, nên tính đến cả phương án thu phí thoát nước. Việc thu phí thoát nước đã được thực hiện ở rất nhiều nước trên thế giới

PGS-TS Hồ Long Phi

Ngoài ra, ở TPHCM còn có nhiều điểm ngập do triều cường. Từ năm 2005 trở đi, thành phố có dấu hiệu ngập báo động và tăng nhanh do triều cường. Mặc dù TPHCM đã có dự án chống triều cường (dự án 10.000 tỷ đồng) bao khu trung tâm, bao bờ hữu gồm khu phía Nam và khu giữa, nhưng đến nay dự án này vẫn chưa xong!

Đồng bộ giải pháp

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM (Sở NN-PTNT TPHCM), cho rằng, tình trạng ngập ở TPHCM do ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố. Về khách quan, tình hình biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn, thể hiện rõ nét nhất là mực nước biển dâng cao, nắng nóng, mưa cực đoan. Cụ thể như mực nước đo được tại trạm Phú An 10 năm gần đây đều tăng nhanh hàng năm; đỉnh điểm hiện nay mực nước đã đạt mốc 1.77m và dao động thường xuyên ở mức 1.6-1.77m. Đây là mức rất cao và còn có xu hướng tiếp tục tăng.

Cơn mưa lớn đầu tháng 5 gây ngập đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tương tự, tổng lượng mưa những năm gần đây không thay đổi nhiều, tuy nhiên cường độ mưa liên tục 3 giờ đạt hơn 100mm lại nhiều. Trong một thời gian ngắn có lượng nước rất lớn đã làm quá tải hệ thống thoát nước. Những công trình, hạ tầng thủy lợi hiện nay chưa đáp ứng được tác động của những yếu tố khách quan này, như hệ thống kiểm soát triều cường chưa hoàn thiện và khép kín, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đầy đủ hoặc chưa đáp ứng được tình trạng thoát nước thực tế...

Ông Nguyễn Đức Vũ cũng đánh giá công tác quản lý sông, kênh rạch chưa thống nhất và đồng bộ, và nên có một đầu mối quản lý thay vì phân ra ở nhiều sở, ngành như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo số liệu quan trắc của Bộ TN-MT, địa bàn TPHCM có một số mốc địa hình có hiện tượng lún đất nền. Vấn đề này được các chuyên gia cho biết rất phức tạp, là một trong những yếu tố tác động đến tình trạng ngập hiện nay. Cùng với đó, nhiều hệ thống kiểm soát triều triển khai gần đây chưa hoàn thiện, các hạng mục kiểm soát triều đã có hơn 10 năm thì chưa được duy tu, bảo dưỡng do thiếu kinh phí. Hiện kinh phí chỉ đủ để giải quyết ở một số điểm cấp bách, xung yếu và chưa đủ để thực hiện đồng loạt vì quy mô hệ thống kiểm soát triều cường rất lớn. Để giải quyết tình trạng này, theo ông Nguyễn Đức Vũ, phải có giải pháp đồng bộ từ xử lý nghiêm hành vi xâm hại hệ thống thoát nước và kênh rạch đến việc quản lý phát triển đô thị hiệu quả hơn, và điều kiện không thể thiếu là cần đủ nguồn kinh phí.

Đang triển khai nhiều dự án giải quyết tình trạng ngập

Nói về tình trạng ngập nước hiện tại của TPHCM, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng TPHCM), cho biết, thành phố hiện có các tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước, gồm: Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát (Tân Bình); Phan Anh, Hồ Học Lãm (Bình Tân); Lê Đức Thọ, Quang Trung (Gò Vấp); Bạch Đằng (Bình Thạnh); Nguyễn Văn Khối, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1A (đoạn TP Thủ Đức)…

Để giải quyết tình trạng ngập nước ở TPHCM, theo ông Vũ Văn Điệp, thành phố đang nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước ở các tuyến đường ngập do mưa; xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước (đặc biệt khu vực phía Đông thành phố). Đồng thời, hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại.

Ngoài ra, TPHCM đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm để giải quyết tình trạng ngập. Ví dụ như dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu; dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TPHCM… Ông Vũ Văn Điệp cũng nhấn mạnh, thành phố đang tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết tình trạng ngập ở các trục đường chính nêu trên.

Theo Chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ giải quyết ngập do mưa đối với 13 tuyến đường, đồng thời giao vốn năm 2023 để thực hiện giải quyết ngập đối với 7 tuyến đường ngập do triều cường. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình giải quyết ngập gặp rất nhiều khó khăn, trong đó tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không ít đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư giải quyết các điểm ngập; khó khăn về nguồn vốn cũng là rào cản rất lớn; việc mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực thoát nước, chống ngập khá hạn chế do thiếu cơ chế thu hút nhà đầu tư.