Thách thức trong cai nghiện ma túy tổng hợp

|

Việt Nam hiện có hơn 200 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, tuy nhiên phần đông trong số đó là người nghiện heroin, còn số nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp vẫn chưa thể thống kê hết được.

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Việt Nam có 210.751 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Đáng buồn là đối tượng sử dụng ma túy chủ yếu từ 15 tuổi trở xuống. Có tới 8% là người nghiện ở độ tuổi vị thành niên. “Việc mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phức tạp, quy mô lớn, tăng nhanh trong thanh, thiếu niên” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ma túy đá là một dạng của ma túy tổng hợp. Thực tiễn làm công tác cai nghiện trong thời gian qua cho thấy số lượng người nghiện ma túy tổng hợp nhiều hơn người nghiện truyền thống. “Khảo sát tại một số trung tâm cai nghiện của Bộ thì thấy có tới 60-70% người nghiện đang cai có sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá. Do Bộ Y tế chưa ban hành được phác đồ điều trị đặc hiệu, nên công tác cai nghiện cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn”, ông Hiền nói. Theo ông Hiền, khả năng nhận biết, phân biệt người dùng ma túy thường hay ma túy đá rất khó. Chỉ một số ít trường hợp điển hình, sau khi dùng ma túy đá sẽ có hiện tượng phê ma túy, gặp ảo giác và có những hành vi như: Trèo lên cột điện, đâm chém người thân, tự hủy hoại bản thân, chui xuống cống…

Ông Lê Tiến Trung, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ pháp luật, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, hiện nay loại ma túy đá, ma túy tổng hợp được mua bán rất tinh vi. Khá nhiều người trẻ sử dụng loại này khi đi bar, đi hát ở quán karaoke để tìm ảo giác, hưng phấn trong cuộc chơi, điệu nhảy… Những âm thanh, hình ảnh quay cuồng trong quán hát, quán bar cộng thêm với việc sử dụng nồng độ cồn và ma túy tổng hợp sẽ gây sự kích thích, dẫn đến việc không làm chủ được hành vi. “Đáng lo là ma túy tổng hợp được bào chế ở nhiều loại, nhiều tên gọi khác nhau mà các cơ quan chức năng chưa kịp liệt kê vào danh mục cấm”, ông Trung chia sẻ.

Để thực hiện đổi mới cai nghiện thì một trong những hướng đi quan trọng mà Việt Nam đang thực hiện là cai nghiện tại cộng đồng, trong gia đình. Xã Vạn Giã, Vạn Ninh (Khánh Hòa) là một trong những địa chỉ được triển khai mô hình Đề án đổi mới về cai nghiện ma túy. Chị Nguyễn Thị Hoa, Trạm trưởng, đơn vị trực tiếp thực hiện tư vấn và cai nghiện tự nguyện cho hay, toàn xã có hơn 10 người nghiện ma túy. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) mà trạm y tế bước đầu tiếp cận được với phương pháp tư vấn và điều trị cai nghiện.

Ông Trần Quốc Thông, Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội Khánh Hòa cho biết, hiện cả tỉnh có hồ sơ quản lý gần 1.200 người nghiện ma túy ở 85 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các nơi có nhiều người nghiện ma túy nhất là TP Nha Trang (464 người), huyện Vạn Ninh (223 người)… Hiện tỉnh đã thành lập ba cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc Methadone đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS ở nhiều địa phương. Ngoài ra, có 30 xã, phường, thị trấn ở Khánh Hòa đã thực hiện giúp người nghiện ma túy điều trị ngay tại cộng đồng. “Qua thực hiện, hoạt động cai nghiện tại cộng đồng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người dân đặc biệt là người nghiện và gia đình của họ. Kết quả thực hiện cũng cho thấy hoạt động cai nghiện tự nguyện đạt hiệu quả cao bởi có gia đình và cộng đồng hỗ trợ”, ông Thông nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI cho rằng, khó nhất là cai nghiện ma túy tổng hợp. Hiện nay chưa có phác đồ mới cho cai nghiện ma túy tổng hợp nên trung tâm vẫn phải dựa vào phác đồ cũ. Thực hiện đổi mới toàn diện công tác cai nghiện. Bộ LĐ-TB&XH đang quy hoạch lại mạng lưới trung tâm cai nghiện; thay đổi cách tiếp cận đối tượng; thực hiện đẩy mạnh công tác cai nghiện tại cộng đồng.

Trong tháng 5, Bộ đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện. Dự thảo đề cập tới nhiều điểm mới như đơn giản hồ sơ để thực hiện cai nghiện tự nguyện, bắt buộc. Đề nghị hỗ trợ cho người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, mức hỗ trợ có thể bằng 70% mức cai nghiện bắt buộc tại trung tâm (hiện là 960 nghìn đồng/người/tháng).