Loay hoay tìm chỗ vui chơi cho trẻ

|

Hè đến, vấn đề khu vui chơi trẻ em lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Làm sao để tìm được một sân chơi cho trẻ được thoải mái, vận động an toàn trong điều kiện hiện nay? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Đi tìm chỗ vui chơi thiết thực

Để tạo điều kiện cho các em học sinh có được một kỳ nghỉ hè lý thú sau những tháng ngày học tập trên ghế nhà trường với chương trình học dày đặc, các hoạt động, chương trình vui hè được tổ chức ngày càng nhiều. Đã xuất hiện các hoạt động bổ ích giúp trẻ trải nghiệm một tuần cùng sống và học tập trong môi trường quân đội, trại hè cùng bé, khóa tu mùa hè... nhằm giúp trẻ tăng khả năng sáng tạo, thích ứng được với các môi trường sống.

Chị Nguyễn Hoàng Mai (29 tuổi, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có hai cháu đang học tiểu học, rất hiếu động và tinh nghịch. Do cả hai vợ chồng phải đi làm nên chị đã quyết định cho hai cháu tham dự khóa tu mùa hè do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Hòa Phúc (thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Khóa tu này kéo dài một tuần và khi kết thúc gia đình sẽ gửi cháu về quê cho ông bà nội một thời gian. Còn gia đình anh Dương Hoàng Ngọc (43 tuổi, Định Công, Hà Nội) lại cho con tham gia trại hè quân đội với mong muốn giúp cho bé khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn. Anh Ngọc cho biết, khi kết thúc khóa hè, gia đình sẽ đăng ký cho cháu học năng khiếu, bổ sung thêm kiến thức các môn văn hóa để chuẩn bị cho năm học mới. Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ: Mỗi gia đình đều lựa chọn một cách nghỉ hè khác nhau cho trẻ nhỏ, tuy nhiên cần cân nhắc, lựa chọn phương án tốt nhất để việc học tập, rèn luyện trong hè không bị trôi qua một cách vội vàng, nhanh chóng. Đồng thời cũng phải phù hợp thực tế tâm, sinh lý của trẻ.

Bên cạnh một số mô hình mới cho trẻ, những mô hình “truyền thống” vẫn tiếp tục được ưa chuộng, như các lớp đàn hát, nhảy múa, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, hội họa… Nhiều phụ huynh đã đến các trung tâm văn hóa thể thao, nhà thiếu nhi đăng ký học cho con. Chị Trần Thị Hương Giang, Trưởng phòng Giáo vụ, Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội cho biết: “Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội đã tổ chức chiêu sinh kỳ II-2017 với nhiều bộ môn, giúp cho các bé có môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất. Tính đến cuối tháng 5-2017, Cung Thiếu nhi đã thu hút hơn 3.000 lượt đăng ký tham gia các bộ môn. Tuy nhiên, số lượng đăng ký tham gia của các cháu tại Cung Thiếu nhi giảm nhiều so thời gian trước”.

Cũng phải kể đến một tình trạng có rất nhiều gia đình điều kiện còn khó khăn, không đủ kinh phí cho con theo học các lớp học mùa hè. Tại khu đô thị mới Văn Quán, Hà Đông, khu căn hộ cũ tại Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam... diện tích vui chơi dành cho trẻ nhỏ ngày càng bị thu hẹp do nhiều người để ô-tô, mở hàng quán. Tại đây, có những chiếc đu quay đã hoen ố, đổ vỡ rất lâu rồi vẫn chưa được cải tạo lại. Thậm chí tại các chung cư mới còn chưa có sân chơi dành cho trẻ. Cô Trịnh Thị Quyên (giáo viên mầm non Trường Việt Úc Plus, Hà Đông) nhận xét: Hiện nay đang thiếu chỗ vui chơi cho trẻ, hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn lựa chọn cho con em mình một khu vui chơi an toàn. Nhưng để các cháu có một kỳ nghỉ hè thoải mái là một điều khó khăn.

Thiếu không gian chơi cho trẻ

Khảo sát ở một số khu vực chung cư trên địa bàn TP Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm… hầu hết diện tích vui chơi cho trẻ đều thiếu. Nơi có thì diện tích chật hẹp hoặc bị lấn chiếm phục vụ các hoạt động kinh doanh. Các khu đô thị lớn thì thiếu khu vui chơi một cách đúng nghĩa. Sự xuất hiện các bãi trông xe, quán nước, thậm chí cả bãi tập kết rác thải… đã làm cho khu vui chơi của trẻ nhỏ, khu tập thể dục của người cao tuổi đã ít lại càng bị thu hẹp. Tình trạng trẻ nhỏ phải vui chơi dưới… lòng đường, hè phố diễn ra phổ biến.

Chị Tô Thị Tú (35 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng chị có ba đứa con, đứa lớn học lớp 1, còn hai đứa nhỏ học mầm non. Khi các cháu chưa nghỉ hè, hai vợ chồng đi làm bình thường và yên tâm gửi cháu cho nhà trường. Nhưng khoảng hai tuần trở lại đây các cháu được nghỉ hè, hai vợ chồng loay hoay mãi vì không có người chăm nom, không có chỗ vui chơi nào cảm thấy an toàn nên chị đã gửi các cháu về quê cho ông bà.

Thêm vào đó, tình trạng thiếu chỗ chơi khiến cho nhiều gia đình buộc phải “quay về” công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh, lấy đó làm “đồ chơi” hấp dẫn trẻ nhỏ. Nhưng việc lạm dụng hình thức vui chơi này lại không tốt cho sức khỏe, tinh thần, tâm lý các em. Hơn nữa, tình trạng không khí ô nhiễm, khói bụi, tình trạng lừa đảo, bắt cóc, tai nạn xe cộ… đã khiến cho các bậc phụ huynh thật sự trăn trở.

Anh Nguyễn Đức Thuận (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ: Gia đình tôi ở chung cư, khu vui chơi cho trẻ nhỏ rất hiếm. Những ngày nghỉ hè các cháu chỉ ngồi trong nhà xem tivi, chơi game, nghịch điện thoại của bố mẹ… Thỉnh thoảng gia đình tôi cho các cháu đi chơi ở các trung tâm thương mại hay đi bơi. Nhưng hầu như các cháu không thích bởi tình trạng quá tải, chen chúc nhau, những trò chơi không còn hấp dẫn với các cháu. Theo đánh giá của PGS, TS Hoàng Thu Hương, Khoa Xã hội học, Trường đại học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Thành phố Hà Nội đang rất thiếu chỗ vui chơi cho tất cả mọi người, cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là chỗ vui chơi cho trẻ em thiếu hơn cả”.

Không ít nơi các thiết bị cho trẻ vui chơi bị xuống cấp hoặc không hoạt động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu chỗ chơi cho trẻ nhỏ chủ yếu là do sự tăng trưởng dân số nhanh, trong khi cơ sở vật chất không đáp ứng đủ yêu cầu. Các bậc phụ huynh còn ít quan tâm vấn đề này mà hầu như chỉ tập trung vào việc học hành của trẻ ở trường học, trên sách vở... Ngoài ra, các khu vực xã hội hoạt động dịch vụ chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà quên mất việc ưu tiên chỗ chơi dành cho trẻ nhỏ... Theo quan sát của chúng tôi, tại các Công viên Thủ Lệ, Cầu Giấy, Thống Nhất, Hà Đông và rất nhiều công viên khác trên địa bàn Hà Nội, có nhiều trò chơi dành cho trẻ nhỏ nhưng đã cũ, chưa được đổi mới. Trẻ nhỏ đến đây cùng gia đình để hóng mát, nghỉ ngơi, thư giãn nhưng các công viên chưa đáp ứng được những điều đó.

Trẻ em là tương lai đất nước, việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho các em không thể chỉ dựa vào những bài học trên lớp, mà các khu vui chơi, giải trí cũng góp phần rất lớn vào quá trình phát triển tư duy, thể chất của trẻ. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, gia đình và nhà trường cần nhận rõ thực trạng hiện nay, nhanh chóng phát triển các khu vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ không chỉ trong dịp hè. Có những không gian vui chơi được bảo đảm thì các em mới có được một tuổi thơ trọn vẹn.