Điểm sáng trong thu hút vốn FDI

|

Một số công ty lớn nước ngoài đến tìm hiểu rồi đi, hoặc nghe ngóng chính sách… cần hiểu là hoạt động bình thường, không phản ánh hay thể hiện rằng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư FDI đang mất đi. Hiện, chúng ta vẫn còn nhiều điểm sáng trong trung hạn và cần chuẩn bị những cú huých mới.

Doanh nghiệp đến rồi đi là điều bình thường

Nghị quyết 50 năm 2019 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước ta là những lĩnh vực công nghệ cao gắn với chuyển giao công nghệ, các dự án thân thiện môi trường và liên kết với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng tái tạo, kinh tế số… sẽ là những lĩnh vực Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mới đây một số doanh nghiệp lớn nước ngoài lần lượt hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại Việt Nam khiến giới đầu tư không khỏi lo âu về tính khả thi của nguồn điện này, cũng như chính sách thu hút FDI tại Việt Nam.

Đầu tháng 8, Equinor - một trong những công ty năng lượng lớn nhất Na Uy cho biết, tập đoàn này đã quyết định hủy kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực ĐGNK tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội, dù đã "dọn đường" suốt hơn 2 năm qua. Trước đó, vào cuối năm 2023, Orsted - doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối - cũng đã quyết định dừng cuộc chơi ở Việt Nam để theo đuổi các kế hoạch khác. Lý do được tập đoàn này đưa ra là do chính sách liên quan đến triển khai và mua điện bị chậm trễ và không rõ ràng khiến họ khó dự báo được nguồn doanh thu ổn định.

Một chuyên gia năng lượng đánh giá, các nhà đầu tư không còn kiên nhẫn khi trong một thời gian dài, Việt Nam vẫn chưa tìm ra được một chính sách, cơ chế rõ ràng, thống nhất, nhất là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giá và mua bán điện… đã phần nào làm nản lòng các nhà đầu tư có tên tuổi.

Thực tế, sau 5 năm khởi động - bắt đầu từ việc chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án ĐGNK mũi Kê Gà vào năm 2019, đến nay, Việt Nam chưa có dự án ĐGNK nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện.

Không riêng gì ĐGNK, báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thời gian qua không ít tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng không hoặc chưa lựa chọn Việt Nam. Nguyên nhân một phần cũng do họ chờ đợi nghe ngóng chính sách của chúng ta khi nhiều nước trong khu vực đã đồng loạt đổi mới chính sách thu hút.

Nhận định về thực tế này, theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank Việt Nam (WB), việc một số doanh nghiệp đến khảo sát, quyết định đầu tư và sau đó thay đổi không đầu tư nữa là điều rất bình thường.

Bà cho rằng, điều này không phản ánh hay thể hiện rằng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư FDI đang mất đi. Thực tế là, FDI vào Việt Nam vẫn tích cực ít nhất là trong trung hạn, bằng chứng là dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong các năm qua rất ổn định, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19.

Nhiều điểm sáng

Số liệu mới nhất về thu hút FDI của Việt Nam cho thấy, có nhiều điểm sáng trong thu hút FDI trong thời gian tới. Tính đến ngày 31/8, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Cả vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, có 2.247 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký.

66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, trong đó Singapore đứng đầu với số vốn 4,66 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; đứng thứ 2 là Trung Quốc, gần 1,7 tỷ USD, chiếm 14,2%. Tiếp đến là đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) là 1,41 tỷ USD, chiếm 11,7%; Nhật Bản 1,24 tỷ USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 731,3 triệu USD, chiếm 6,1%; Đài Loan (Trung Quốc) 660,3 triệu USD, chiếm 5,5%.

Các nhà đầu tư FDI rót vốn vào 54 tỉnh, thành phố, trong đó, tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,47 tỷ USD (chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 3 lần cùng kỳ). Đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng, cao gần gấp đôi địa phương xếp thứ 2 là Quảng Ninh (1,78 tỷ USD).

Ngoài ra, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng qua cũng có điều bất ngờ, giá trị ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Việc phát triển nhanh hệ thống đường cao tốc những năm gần đây đã tạo sức hút mới cho FDI vào Việt Nam.

Hạ tầng giao thông, chuyển đổi xanh tạo sức hút FDI

Trong trung hạn, Việt Nam vẫn được xem là một điểm rất hứa hẹn cho đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, về dài hạn, theo đại diện WB, chúng ta còn nhiều điều phải làm. Đó là, Việt Nam cần thu hút các nhà đầu tư xanh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp nội địa áp dụng công nghệ xanh cho sản xuất.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho hay, các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là các nhà đầu tư trong ngành công nghệ cao, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi phải có nguồn năng lượng sạch thì họ mới đầu tư.

Do đó, mọi sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tác động trực tiếp và trở thành rào cản đối với quá trình phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn. Chưa kể, các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về nguy cơ thiếu điện như đã từng diễn ra vào tháng 6/2023, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp.

Ông Tuấn khẳng định, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh sẽ quyết định thu hút FDI trong thời gian tới, cùng với những chính sách thu hút đầu tư khác. Trong đó, cần có các giải pháp mạnh hơn để khuyến khích phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), đồng thời rà soát, điều chỉnh chính sách để thu hút mạnh đầu tư vào các khu công nghệ cao đã được thành lập.

Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh cần sớm giải quyết vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu (OECD). Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được nâng lên tối thiểu 15% đối với các dự án, các doanh nghiệp FDI có tổng doanh thu hằng năm hơn 750 triệu euro. Điều này có nghĩa là ưu đãi đầu tư bằng hình thức miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhiều dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư sẽ không còn nữa, làm giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư.

“Các nhà đầu tư lớn đã vào Việt Nam và cả các nhà đầu tư tiềm năng đều đang rất quan tâm tới vấn đề này và kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có các hình thức hỗ trợ mới vừa tuân thủ các cam kết quốc tế, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu chúng ta thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo mức quy định của OECD thì một năm ngân sách nhà nước có thể thu thêm được 15.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ nguồn thu bổ sung này, Việt Nam cần sớm nghiên cứu các hình thức hỗ trợ các nhà đầu tư chịu tác động khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để vừa giữ chân các nhà đầu tư cũ, vừa thu hút “đại bàng” mới.

Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cũng được ông Tuấn lưu ý. “Hiện chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là trở ngại lớn thu hút FDI, nhất là vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như ngành bán dẫn, công nghệ thông tin... Vì vậy, việc sớm thực thi có hiệu quả các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà Chính phủ đã đề ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, đại diện VAFIE lưu ý.

Hiện, Việt Nam đã có bước tiến rất đáng khích lệ bằng việc phát triển hệ thống cao tốc, đặc biệt 5 năm qua, ông Tuấn khẳng định, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vươn đến địa bàn mới, rút ngắn khoảng cách giữa các trung tâm đô thị với các tỉnh, thành phố khác. Đây là yếu tố mang tính quyết định, vì không ai muốn sản xuất hàng hóa mà chi phí logistics quá cao, giao hàng chậm trễ và đi lại không thuận lợi.