Theo chân những người đi nhặt cà-phê

|

Những tháng cuối năm, Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch cà-phê. Bên cạnh những người làm công hái thuê, còn có một đội ngũ những người chuyên đi bới lá nhặt nhạnh những quả rơi, quả vãi chủ vườn để sót.

Phương tiện hành nghề cực kỳ đơn giản, một chiếc rổ nhỏ, kèm theo một chiếc bao tời để đựng những quả cà nhặt mót được. Đa phần là phụ nữ, con nít, thường đi thành từng nhóm từ 2-5 người, phần đông là bà con hàng xóm, đồng hương, người đi trước làm được, rước người sau.

“Của một đồng, công một nén”

Sáng cuối tuần, tôi hẹn với chị Lê Thị Mười ở thôn 3, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Chị cùng đứa con gái nhỏ Nguyễn Thị Ngà, hôm nay được nghỉ học cũng theo mẹ, đã ngồi chờ tôi trước cửa phòng trọ. Dãy phòng trọ vắng ngắt. Giờ này mọi người đã đi rẫy hết. “Hôm nay bên Nông trường cà-phê ĐắkR’Tih cuốn bạt, cả dãy trọ rủ nhau sang bên đó hết cả rồi”. Thú thật lúc đó tôi vô cùng ngỡ ngàng trước điều chị nói. Xốc chiếc gùi đựng bữa ăn trưa trên vai, vừa đi chị Mười vừa giải thích cho tôi hiểu.

Ở các nông trường trồng cà-phê hoặc vùng chuyên canh, họ hái quét một đợt, rồi xong, không màng đến nữa, chỉ chờ đến ngày, đến tháng vào bón phân, tưới nước. Gọi là cuốn bạt. Người mót tự do đi từ vườn này sang vườn khác mà không phải mắt trước, mắt sau dòm ngó, không tốn thời gian di chuyển, lại nhặt được nhiều hơn những vườn chưa cuốn bạt, chủ vườn hái đi, hái lại nhiều lần…

Chúng tôi mải miết đi, băng qua một con suối cạn và những triền đồi cà-phê chín rờ rỡ rực đỏ đang thu hoạch, bên cạnh đó có những vườn cành lá xác xơ như vừa trải qua một cơn bão, khi đội quân mót cà đang “oanh tạc” từ gốc đến ngọn. Thấy vườn cà có nhiều người đang mót, tôi hăm hở bước chân vào, chị Mười lắc đầu ra hiệu không vào mà tiếp tục đi tìm vườn cà khác.

Ngược thêm một con dốc ngắn rồi men theo lối mòn khúc khuỷu, chúng tôi cũng tìm được một vườn cà-phê vừa mới thu hoạch xong. Sà ngay xuống gốc, vạch lá tìm quả, chưa đầy mươi gốc, chị Mười đứng dậy bảo đi tìm vườn khác “vườn này mới nhưng chủ hái kỹ quá, nhặt chẳng còn được mấy”. Đúng thế thật, lết gần chục gốc cà mà trong rổ chưa đầy vốc hạt.

Lại lui cui vạch rào chui sang vườn bên cạnh, vừa nhìn thấy chúng tôi, ông chủ vườn Nguyễn Tấn Bi, vừa vác bao cà chất lên xe công nông, vừa căn dặn “chỉ được mót phía dưới thôi, không rướn lên hái quả trên cây mà làm gãy hết cành nhé”. Rồi ông quay sang tôi nói như có ý phân trần “Không phải mình khó khăn gì nhưng nhiều người vô ý lắm, chỉ một vài trái cà-phê còn sót lại mà rướn bẻ luôn cả cành, làm hư hại cả cây, thì ai mà còn cho vô nhặt nữa”.

Mải mê nói chuyện với ông Nguyễn Tấn Bi, khi ngước lên tôi không còn nhìn thấy mẹ con chị Mười đâu. Tôi lom khom chạy dưới những tán cà kêu váng cả lên. Một tiếng hú dài vọng đến, tôi chạy đến. Trước mắt là một nhóm phụ nữ đang nói cười hỉ hả khi “nhặt” được vườn cà mà người ta còn để lại quá nhiều quả trên cây. Ba chị Thu, Minh, Nga quê Quảng Bình đi từ tờ mờ sáng, mới nhặt được vài ba ký, đến khi mỏi gối chồn chân, phát nản muốn quay trở về thì bắt gặp vườn cà này, như thể chủ vườn đã bỏ quên, quả đã chín khô, rụng đầy gốc.

Nghe tiếng gọi của tôi, các chị nhầm tưởng là bạn mình nên mới hú gọi đến nhặt cùng. “Nga và Minh vào hái cà thuê. Hết mùa thu hoạch, thấy mọi người đi mót cũng kiếm được nên rủ tôi và Lan, Hoa cùng vào. Cà-phê năm nay được mùa được giá, chịu khó chăm chỉ thì cũng được. Nhưng cũng có hôm đi cả ngày trở về tay không”, chị Thu nói thêm vào.

Cả đi lẫn về gần 30 km, chị Mười và bé Ngà cũng mót được hai bao cà con con, ra khỏi vườn cà là có người chực chờ sẵn để mua, với 17 kg cà đẹp, bán được 500 nghìn đồng “hôm nay mình đi trễ, lại toàn mót vườn đơn nhưng mà thế này cũng coi là tạm được rồi”, chị Mười cười xề xòa cho tôi đỡ ngại.

Anh Dương với cành cà-phê bị bẻ vứt ngang đường.

Nỗi niềm biết ngỏ cùng ai

Không phải ngày nào, người nào cũng “trúng mánh” như nhóm chị Thu. Những người đi nhặt cà lâu năm như chị Mười sẽ có nhiều kinh nghiệm biết được khu nào hái quét, vườn nào cà sai quả, chủ vườn dễ chịu, tinh tế như ông Nguyễn Tấn Bi.

Ánh mắt coi thường, cái nhíu mày nhăn trán xua tay khi những chủ vườn không muốn người mót cà đi vào vườn của mình. Cả những cái nhìn nghi kỵ không thể giãi bày cùng ai khi vườn bị hái trộm, cây bị hư hỏng nặng khi có đến mấy nhóm người nhặt hạt vào “quần” khắp vườn cà mấy lượt. “Vào vườn, chỉ cần đi vài cây là biết ngay vườn đã có người đi vào hay chưa. Có người nhặt rồi là mình ra ngay, dù vườn có rộng lớn hay ngon lành như thế nào đi chăng nữa”, chị Lan, một người trong nhóm chị Thu mang nửa bao cà khoảng đâu được 10 kg, ném phịch xuống chỗ chúng tôi đang ngồi rồi tiếp tục: “Đi cả ngày mới được chừng ni nhưng mà cũng “trần ai” lắm, đến đâu cũng bị xua đuổi như đuổi tà. Mà mình có làm gì đâu, mình đi nhặt lại những thứ họ bỏ đi không dùng mà”.

Anh Nguyễn Văn Dương ở xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông với đồn điền rộng 2 ha, mỗi năm thu hoạch hơn 20 tấn cà, bức xúc chia sẻ: “Nhân công đang hái đầu thì cuối vườn những người mót cà đã ào đến giành giựt nhau, những quả non già gì vít xuống bẻ cành hái sạch. Tôi không khó khăn gì nhưng nhìn vườn cà xác xơ mình xót cả ruột. Buộc lòng cấm biển không cho người vào”. “Đã bao giờ anh bị mất cà bởi những người đi mót này chưa?”. Anh Thăng cười nửa đùa, nửa thật: “trộm thì chưa nhưng mất thì có rồi. Nhiều người đi ngang ngứa tay bẻ cành vứt ra đường rồi ngang nhiên trở lại… nhặt”.

“Năng nhặt chặt bị”

Ngày hôm sau, tôi tiếp tục theo chị Lê Thị Mười vào thôn 9 Đắk Buk So chơi với chị Đỗ Thị Mai - quê Quảng Nam mỗi năm đến mùa thu hoạch đều lên hái cà-phê cho người bà con, ròng rã suốt chín năm trời, năm nào chị Mai cũng ở lại gia nhập vào “đội quân” mót cà, mót đến khi chủ vườn bước vào vụ mới, không còn gì để nhặt nhạnh, gần đến Tết, hết năm chị mới trở về nhà.

Chị Mai sống cùng với những người đồng hương trong căn nhà rẫy của người bà con. Những căn nhà mọc lên ở khắp các rẫy cà-phê với sự tối giản nhất, chỉ có bếp nấu ăn, vài tấm nệm cũ làm chỗ ngả lưng, chung quanh là các rẫy cà-phê, mùa này hun hút gió. Chị Mai cho biết, ở đây tiện lợi, bốn bên là rẫy cà-phê, biết được thời gian chủ vườn cuốn bạt mà tức thì đến ngay, lại không phải di chuyển nhiều. Căn nhà sáu người ở, mỗi người một góc, một thùng giấy để đựng những hạt cà góp nhặt đem về. Tươi khô tốt xấu xanh đỏ đều được đổ nháo nhào vào trong thùng, cho đến khi thấy hòm hòm thì mang ra đầu đường đã có đại lý chực chờ cân sẵn.

Chị Mai rủ chiều lên rẫy cà nhà ông Vĩnh, cách đó ba rẫy vừa cuốn bạt. Chị Mai vừa đi, vừa giảng cho tôi hiểu, có đi mót cà cũng cần phải có văn hóa. Không vào vườn cà có nhóm khác đang mót. Không lân la những nơi có bảng cấm. Không ngó nghiêng những vườn cà mà chủ vườn hái kỹ, tính khó… Là người có thâm niên làm công việc mót cà gần chục mùa rẫy nên ít nhiều cũng đầy kinh nghiệm để biết khu nào, vườn nào cà nhiều để nhặt và cũng tránh được những trường hợp không mong muốn xảy ra như đi cả ngày chỉ được vài cân. Đừng nhìn ngó đến những vườn cà chín khô mà chủ vườn chưa kịp hái. Nơi đó chắc chắn chủ vườn sẽ đi mót lại, có mon men cũng chẳng được nhiều. Chỉ cần đi những vườn cà đã cuốn bạt, chăm chỉ, chịu khó để tâm một chút là ngày mót được vài mươi ký, cà xô tươi hiện nay có giá 25-35 nghìn đồng. Ngày ít ngày nhiều không đều nhưng siêng năng ngày cũng kiếm được dăm bảy trăm nghìn. Một số tiền không lớn nhưng vẫn chấp nhận được, lại tự do thoải mái, có khi đi trúng vườn rơi vãi nhiều mê mải nhặt đến tối mịt cũng không muốn về.

Mùa mót hạt có thể kéo dài đến một, hai tháng cho đến khi chán thì thôi. Chẳng ai sốt ruột, cũng chẳng ai nghĩ tới phải đi tìm việc khác. Dường như ai cũng muốn cố gắng kiếm thêm ít đồng để những bữa cơm cuối năm của gia đình thêm một chút tinh tươm.

Chị Minh đứng gần đấy tiếp lời: “cũng không trách chủ vườn được. Một mất mười ngờ, nhất là năm nay cà-phê có giá cao, hái xong vụ mùa, cuốn bạt rồi chủ vườn cũng cầm rổ đi nhặt nhạnh lại những quả còn rơi rớt lại trong vườn, đội quân đi mót cà-phê chỉ còn biết đứng ngó mà thôi”.