Có những người bỏ phố về làng

|

Từ bỏ cái “mác” trai Hà thành để về làng cổ Đường Lâm sinh sống hay mua lại một mảnh đất ở làng chỉ vì muốn giữ lại cái cổng cổ là những câu chuyện trên hành trình gìn giữ vốn xưa, phát triển du lịch bền vững của những người con không sinh ra ở ngôi làng cổ bậc nhất miền bắc này.

Bén duyên với xứ Đoài

Chúng tôi ghé thăm làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) vào một ngày giao mùa thời tiết oi nóng. Tạm xa nhịp sống phố thị ồn ào, khi mới đặt chân đến cổng làng Đường Lâm chúng tôi đã cảm nhận được mảnh hồn quê ngay trước cánh cổng làng, cây đa cổ thụ và chào hỏi những cụ, những bà đang bày bán các món hàng lưu niệm truyền thống.

Nhà của Vân là địa chỉ đầu tiên chúng tôi ghé thăm. Một ngôi nhà bằng đá ong và gỗ nhỏ gọn, xinh xắn với một bà chủ cởi mở, hiếu khách và yêu thích văn hóa truyền thống - chị Lâm Thu Vân.

Sở hữu một chuỗi quán cà-phê ở Hà Nội, quản lý công ty xây dựng và còn vô số công việc khác cho thu nhập cao nhưng người phụ nữ sinh ra tại Nghệ An lại dành khá nhiều thời gian đi tìm lại vốn xưa tích cũ. Vân muốn tìm lại phong cách uống trà của người Việt từ cái cốc, loại trà, cách pha trà để cách thưởng thức trà mang hồn cốt riêng người Việt Nam. Chị Vân cho biết, cách đây đúng một năm trong một lần về thăm làng cổ Đường Lâm, chị đi ngang qua mảnh đất này thấy chiếc cổng cổ rất đẹp bằng đá ong nên đã sinh lòng yêu mến và muốn mua lại. “Mảnh đất gần như chỉ còn lại cái cổng, bên trong chỉ là cây cối. Tôi đã tìm chủ nhân mảnh đất và mua lại, sau đó nhờ kiến trúc sư Khuất Văn Thắng thiết kế và dựng lại bằng gỗ, đá ong. Mục đích của tôi không phải kinh doanh mà muốn tạo ra một không gian thưởng thức trà theo đúng phong cách của người Việt xưa tại Đường Lâm”, chị Vân chia sẻ. Chị đã lặn lội khắp trong nam ngoài bắc, đi đến các làng cổ, gặp gỡ những nghệ nhân làm gốm để tìm ra loại cốc uống trà của người Việt xưa. Đó là loại cốc được nung bằng củi, không tráng men hay tìm những loại trà được trồng trên các hòn đảo mang hương vị riêng biệt.

Để có được bước khởi đầu thuận lợi tại mảnh đất không phải nơi mình sinh ra, chị Vân đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người để dần trở thành một “người làng” đúng nghĩa. Chị Hà Thu Hương, hướng dẫn viên du lịch tại Đường Lâm cho biết, trong những năm gần đây có rất nhiều người về Đường Lâm định cư và không chỉ coi làng là nơi nghỉ ngơi cuối tuần mà họ còn muốn tận hưởng cuộc sống làng quê Đường Lâm từ văn hóa, lễ hội, cách sống, ẩm thực... mà Vân là một điển hình.

Theo tôi, muốn làm du lịch bền vững thì phải hiểu cuộc sống và con người địa phương, từ đó phát huy các giá trị bản địa, nội sinh. Sự phát triển du lịch là điều rất cần thiết, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân nhưng cần gìn giữ những giá trị đúng cách và lâu dài. Đó là suy nghĩ của chị Hà Thị Hương, một người dân sinh ra ở Đường Lâm, yêu làng quê tha thiết.

Tạo không gian mới từ nơi sửa xe

Theo chân chị Vân đi đến thăm ĐOÀI Creative - không gian sáng tạo, trải nghiệm văn hóa truyền thống mới ở Đường Lâm do anh Khuất Văn Thắng sáng lập. Anh Thắng vừa là em rể vừa là người đã truyền cảm hứng cho chị Vân “lấn sân” sang bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển du lịch ở Đường Lâm.

Thắng vốn trai phố. Nhà ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), anh có nghề thiết kế sân vườn và nhiều năm làm việc ở trung tâm Thủ đô, từng thiết kế nhiều ngôi nhà, sân vườn đồ sộ mang giá trị thẩm mỹ cao, thu nhập tốt. Song, anh Thắng cũng đã “phải lòng” Đường Lâm và đưa vợ con về đây sinh sống đã được 14 năm.

“Bếp làng” và “NoK Studio” là 2 đứa con tinh thần đầu tiên của anh Thắng, góp phần quan trọng bảo tồn, gìn giữ văn hóa cổ ở Đường Lâm. Năm 2023, anh tiếp tục gây dựng thêm 2 đứa con tinh thần nữa gồm ĐOÀI Creative và ĐOÀI Community. Ba trên bốn mảnh đất anh Thắng đang làm du lịch đều đang đi thuê, số tiền bỏ ra duy trì không nhỏ nhưng với Thắng, lợi nhuận không phải là ưu tiên hàng đầu. Đã có lúc Thắng tưởng phải buông xuôi khi phải “rút ruột” để duy trì, song trên tất cả Thắng đã vượt qua cho dù phía trước con đường còn lắm chông gai.

“Không gian ĐOÀI Creative trước đây người ta làm nơi sửa xe, tôi thấy nếu được can thiệp sẽ tạo ra một không gian văn hóa cho ngôi làng nên tôi đã thuê lại với thời hạn 5 năm. Ở đây có những người thợ phục chế nhà cổ rất giỏi, tôi thường xuyên giao lưu cùng họ và trở thành một người làng từ khi nào không hay”, anh Thắng cho biết.

Các sản phẩm chủ yếu của ĐOÀI Creative là sáng tác trên các chất liệu đời thường và truyền thống ở Đường Lâm như vẽ trên ngói cổ, giấy mộc bản, vẽ trên nón lá, điêu khắc trên gỗ, làm diều, đèn trung thu, trò chơi dân gian... Tháng 10/2023, anh Thắng cho ra mắt ĐOÀI Community. Lấy cảm hứng từ ngôn ngữ tái sinh, ĐOÀI Community rộng hơn 300 m2 dựa trên nền tảng công năng của một trại sáng tác cộng đồng. “Chúng tôi sử dụng một số ý niệm truyền thống, gợi mở tinh thần đóng mở không gian. Tổng thể công trình là căn nhà gỗ 2 tầng mang hồn Việt dung dị và thân thiện. Dọc lối đi vào là những bức tranh vẽ các ngóc ngách, cảnh quan của xứ Đoài và Đường Lâm, tranh chân dung các cụ cao niên trong làng. Lớp vụn đá ong trải dưới sàn nhà, bên trong là những nông cụ quen thuộc”, anh Thắng cho biết.

Anh Thắng còn xây dựng quỹ cộng đồng để tổ chức các sự kiện cho thiếu nhi ở làng trong các dịp Trung thu, Tết Thiếu nhi, Tết Nguyên đán... theo phong cách truyền thống. Đã 14 năm bán phố về làng, anh Thắng ngẫm, mình rất may mắn vì được người dân Đường Lâm đón chào và ủng hộ các dự án và coi anh như một người con sinh ra từ làng. Gia tài lớn nhất của Thắng dĩ nhiên chẳng phải vật chất, hơn hết đó là gìn giữ và lan tỏa được các giá trị văn hóa truyền thống tại ngôi làng cổ bậc nhất Bắc Bộ và tận hưởng một cuộc sống thanh bình, gần gũi cùng những người dân Đường Lâm.

Chị Hương cũng từng từ bỏ một số công việc tại thành phố để về làng làm du lịch. Thông qua mỗi câu chuyện Hương kể, du khách hiểu thêm về con người và làng cổ, Hương cũng là chiếc cầu nối cho chị Vân trong những ngày đầu đặt chân đến Đường Lâm và thêm yêu ngôi làng này.