Giúp làng nghề vươn xa

|

Hà Nội được coi là “thủ phủ” làng nghề của cả nước, trong đó tập trung chủ yếu vào các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức, Ứng Hòa… Do biến đổi của thời gian, nhiều sản phẩm làng nghề nay không còn phù hợp, hoặc bị cạnh tranh nên đã mai một. Vực dậy làng nghề, phát triển các nghề truyền thống, lồng ghép với Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), du lịch sẽ là những bước giúp làng nghề vươn xa.

Doanh thu tăng

Huyện Ứng Hòa là huyện thuần nông có 28 xã, một thị trấn; 118/138 làng có nghề. Trong đó có 21 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận gồm: làng nghề giày dép da thôn Thần (Minh Đức), làng nghề Khảm trai Cao Xá (Trung Tú), làng nghề sản xuất nhạc cụ dân tộc Đào Xá (Đông Lỗ), làng nghề trẻ tăm hương Trần Đăng (Hoa Sơn) với các ngành nghề chủ yếu như: chẻ tăm hương, giày dép da, dệt may, sơn mài, tre đan, giang đan, guột tế, rèn, khảm trai… Hiện nay, một số làng nghề phát triển khá tốt, song hành cùng Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hay Phú Xuyên, Thường Tín là hai huyện hiện nay có nhiều làng nghề phát triển mạnh. Nhiều làng nghề có truyền thống lâu đời. Ông Nguyễn Hữu Chi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết: “Toàn huyện có 78 làng nghề được duy trì và phát triển mạnh. 43 làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng; tạo dựng được thị trường rộng lớn. Một số sản phẩm mây giang đan, sơn mài, khảm trai được xuất khẩu sang Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc…”.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng doanh thu của các làng nghề truyền thống và các làng có nghề trong năm 2017 đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 900 nghìn lao động. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng…

Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có 305 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Trong các làng nghề có khoảng hơn 8.000 các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã; gần 175.000 hộ kinh doanh. Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết, việc duy trì, quảng bá thương hiệu đã được quan tâm, nhờ đó đã giúp cho thương hiệu các làng nghề được vang xa. Song nhiều làng nghề vẫn còn khó khăn, tồn tại như vấn đề ô nhiễm môi trường, mặt bằng sản xuất chật hẹp; thiết bị công nghệ của nhiều làng nghề còn lạc hậu, chủ yếu là thủ công nên năng suất thấp; việc vay vốn còn khó khăn, chưa có phương án tổ chức sản xuất có hiệu quả để được xét vay vốn ưu đãi…”.

Xét ở khía cạnh NTM, theo bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, việc phát triển làng nghề có giá trị quan trọng trong xây dựng NTM: Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân tại các làng, các xã có nghề. Tiếp theo nữa, khi phát triển làng nghề, đồng nghĩa với việc có kinh phí, sẽ gắn với phát triển nâng cấp cải tạo đường giao thông của các làng nghề đạt 100% bê-tông hóa và hầu hết đã được mở rộng và đường giao thông nông thôn...

Ưu tiên hỗ trợ mặt bằng và phát triển du lịch

Ngoài tham gia phát triển kinh tế thì làng nghề còn đóng góp rất lớn vào phát triển văn hóa, gìn giữ những giá trị truyền thống. Song trước áp lực của cuộc sống đương đại, sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm từ công nghiệp, nhiều làng nghề đậm giá trị truyền thống bị mai một.

TS Dương Đình Giám, Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cho biết: Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường… Hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo, phân định chưa rõ ràng giữa trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Nhìn nhận ở góc độ các làng nghề Hà Nội, vấn đề quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp, cải thiện môi trường, đào tạo nghề, bảo tồn nghệ nhân cũng đang được quan tâm.

Trong những ngày qua, lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội đã đi thực tế, kiểm tra kết quả phát triển nghề và làng nghề tại nhiều quận, huyện. Những khó khăn, vướng mắc tiếp tục được kiến nghị. Ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, cho biết: “Mặt bằng các khu sản xuất tập trung tại các làng nghề còn thiếu, do đất tại vùng đồng thuộc quy hoạch của thành phố, không ưu tiên cụm công nghiệp; đất cùng bãi sông Đáy chưa có quy hoạch cụ thể. Hơn nữa mức đầu tư xây dựng cụm công nghiệp cao, các cơ sở chế biến nông sản không đáp ứng được nguồn vốn”.

Ông Trung cũng cho biết thêm, việc hỗ trợ đào tạo nghề thời gian ngắn, tay nghề của các học viên chưa cao, chưa làm được sản phẩm có độ tinh xảo; trình độ văn hóa thấp nên mức độ tiếp thu chậm; mức thu nhập sau đào tạo ở mức trung bình nên ít người gắn bó lâu dài với nghề.

Lãnh đạo Sở Công thương tiếp thu những ý kiến của các nghệ nhân, các xã, phường có làng nghề cũng như lãnh đạo các phòng, ban của các quận, huyện, để tham mưu cho thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề tốt hơn. Trước đó, ngày 27-3-2018, UBND TP Hà Nội có kế hoạch Số: 76/KH-UBND về hoạt động phát triển nghề, làng nghề, với mục tiêu bổ sung, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác phát triển nghề, làng nghề; Công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề trên địa bàn thành phố phát triển gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo nghề du lịch cho cộng đồng.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh sách 17 làng nghề gắn với phát triển du lịch. Trong đó có làng sơn khảm Ngọ Hạ (xã Chuyên Mỹ - huyện Phú Xuyên). Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Vui, việc lưu giữ nghệ thuật khảm trai đang “dồn” lên vai những người làng nghề và đó thật sự là gánh nặng lớn, nếu không có sự giúp đỡ, chung tay của các cơ quan chức năng. Bà Vui cũng cho biết, hơn 80% hộ dân ở Chuyên Mỹ làm nghề liên quan đến khảm trai, tạo việc làm cho hơn 1.000 hộ dân tại địa phương, hàng nghìn lao động ngoài xã. Bởi thế, việc mở rộng sản xuất, xây dựng làng nghề gắn với du lịch là hoàn toàn có cơ sở, và cần có cơ chế tốt để sản phẩm làng nghề vươn xa.

Nhìn nhận sâu về vấn đề này, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Hiện nhiều làng nghề phát triển tốt, có thu nhập cao do nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng. Nhiều làng nghề cũng tích cực cải tiến mẫu mã, kết hợp phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, tạo ra những nét văn hóa độc đáo của làng. Tuy nhiên hiện nay còn nhiều tour làng nghề mới chỉ dừng lại ở hình thức tham quan, những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác hết tiềm năng. Các nghệ nhân lành nghề chưa phát huy hết tay nghề, kỹ năng chuyên môn, bởi họ chỉ truyền nghề theo cách thức truyền thống, chưa mở rộng quy mô, bài bản theo hệ thống trường lớp. Điều này rất cần các cơ quan chức năng giúp sức, tháo gỡ dần. Tiếp theo nữa, đội ngũ nhân lực được đào tạo để làm du lịch cũng phải được chú trọng. Bởi chính họ làm nên sức hấp dẫn của các tour du lịch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường làm việc với các Bộ, ngành, địa phương chưa lập Kế hoạch thực hiện Đề án BVMT làng nghề để xác định nguyên nhân và đề xuất các biện pháp, giải pháp phù hợp. Đặc biệt sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúc rút, xây dựng các mô hình “làng nghề xanh” thân thiện môi trường để phổ biến, nhân rộng; ban hành hướng dẫn tiêu chí phân loại làng nghề ô nhiễm, làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để các địa phương áp dụng, nhằm nhận diện bức tranh ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay, và định hướng cho công tác đầu tư kinh phí, xử lý ô nhiễm môi trường.