Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

|

Bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên luôn quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động thực hiện các giải pháp hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới từ cấp xã, huyện; phấn đấu hết năm 2023 toàn tỉnh có thêm 2 xã nông thôn mới nâng cao và 15 xã đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, đến đầu tháng 10/2023 toàn tỉnh có 44 xã đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có một xã đạt nông thôn mới nâng cao là xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay).

Số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu là 125 thôn, bản thuộc các huyện: Điện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Chà. Bình quân số tiêu chí nông thôn mới của cấp xã trong toàn tỉnh là 13,51 tiêu chí/xã (so năm 2022 tăng 0,44 tiêu chí). Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn tại tỉnh Điện Biên đã giảm còn 36,57%.

Tại huyện vùng cao Tủa Chùa việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại cơ sở gặp nhiều khó khăn song huyện đã chủ động khắc phục bằng các giải pháp linh hoạt, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho chương trình. Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, cho biết: Triển khai thực hiện chương trình, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, các cơ quan, đơn vị sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng, lựa chọn các công trình vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân để ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã. Theo đó, huyện đã đầu tư nâng cấp, cải tạo và làm mới các công trình đường giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, kè đập đảm bảo chủ động tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản...

Nhân dân Điện Biên chủ động lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình và có điều kiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhiều công trình giao thông, thủy lợi được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Đến nay ở nhiều xã, các trục đường giao thông nông thôn đã được bê-tông hóa, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đến ngày 30/6/2023, bình quân các xã của huyện đạt 11,09 tiêu chí nông thôn mới (trong đó có 3 xã: Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng cơ bản đạt từ 12-14 tiêu chí); các xã còn lại đạt từ 8-11 tiêu chí.

Với huyện Điện Biên Đông thì lộ trình thực hiện xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn hơn các huyện khác. Ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết, Điện Biên Đông có xuất phát điểm thấp nhất là về hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn; cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự ý thức vươn lên thoát nghèo...

Do vậy, thời gian đầu triển khai chương trình Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa chương trình, kêu gọi sự vào cuộc chủ động, tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân góp sức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Ðiện Biên Ðông có nhiều chuyển biến tích cực. Ðến nay toàn huyện có 4 xã: Mường Luân, Luân Giói, Pu Nhi, Na Son cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; huyện không còn xã dưới 5 tiêu chí. Kinh tế, văn hóa-xã hội khu vực nông thôn có sự phát triển rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, nhân dân tin tưởng mục đích và ý nghĩa chương trình nên đã chủ động nhiệt tình tham gia chứ không ỷ lại như giai đoạn đầu mới triển khai.

Chủ động chuyển đổi cây trồng theo chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay nông dân Mường Ảng đã trồng thành công nhiều loại cây ăn quả mới cho giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thẳng thắn chỉ rõ, con số 52 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 14 xã mới đạt từ 5-9 tiêu chí và 4 huyện gồm: Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới rất đáng suy nghĩ. Thực tế này đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành cần chủ động vào cuộc, tìm giải pháp khắc phục khó khăn nội tại; đồng thời tranh thủ nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả các chương trình dự án cải thiện hạ tầng nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống để chủ động vươn lên thoát nghèo.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu cụ thể đã đặt ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023 là có thêm hai xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15 xã được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 32%; hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao năm 2023 và năm 2022 chuyển tiếp… vừa qua, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ký, ban hành văn bản chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh phải tăng cường các giải pháp để hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các nội dung tiêu chí nông thôn mới; thường xuyên đôn đốc tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Đồng thời chủ động chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia được Ủy ban nhân dân tỉnh giao năm 2023 cho các cơ quan, đơn vị.

Riêng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, đồng chí Lò Văn Tiến yêu cầu hai cơ quan phải kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, chủ động giải quyết theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo.

Với các huyện có xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên yêu cầu ủy ban nhân dân huyện, xã tiếp tục chỉ đạo triển khai hoàn thiện, duy trì các tiêu chí; có hình thức khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân, cộng đồng thôn, bản có đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.