Nhà tôi nghèo nhất bản, bà đã thay bố mẹ mất sớm nuôi chúng tôi bằng những nương ngô hạt lép, hạt mẩy và những bát cháo tam giác mạch trong những chiều hun hút gió. Một đứa con trai đã cứu tôi qua cơn lơ đơ ngất vì đói bằng cái bánh tam giác mạch tròn xoe. Nhưng mãi về sau, không bao giờ tôi gặp lại đứa trai ấy nữa. Đến khi tôi lấy chồng, cái Xia mới nói cho biết đứa trai ấy đã về nói với bố mẹ để đưa tôi về ăn cơm cùng mâm, nhưng bố mẹ nó chê tôi nhà nghèo, lại mồ côi, không khác một bông tam giác mạch đẹp mà chỉ mọc ở nương hoang. Nếu như biết điều đó vào hồi ấy, tôi sẽ nghĩ gì nhỉ?
Nhưng giờ mới biết thì trong lòng cũng không nghĩ ngợi nhiều lắm. Vì bông tam giác mạch đã đến độ hiểu chuyện. Giờ tôi vào cữ thắm, cũng như bông hoa tam giác mạch sắp xuống kỳ làm hạt, dẫu gió đông có thổi ào ạt qua thân thì phấn cũng đã thụ xong, chỉ còn những cánh mỏng manh, thắm đỏ để che gió cho những hạt non được ấm mà vào hạt cho mẩy thật mẩy, đều thật đều thôi. Đứa trai ngày ấy, cũng như một cơn gió thổi tràn qua thung lũng, qua những sườn đồi làm ngả cành, lay hoa để thu hút những con ong mật đầu tiên. Đến độ hồng thật là hồng thì gọi thêm ánh nắng cuối thu sót lại về ủ cho những nương hoa ấm áp.
Bà tôi già lắm, mắt kém đi nhiều, hiên nhà không đủ ánh sáng cho bà thêu váy áo. Bà bảo, ra ngồi với tam giác mạch vừa vui cái bụng, vừa đẹp tấm thêu. Mỗi năm đến kỳ hoa nở rộ bà vẫn ra ngồi thêu ở rìa nương, gần chiếc cổng gỗ nhất. Thế mà giờ đây bà ngồi đấy không còn một mình nữa, ngày nào cũng có nhiều người đến chơi nương hoa của chúng tôi. Bà bảo, người ta cũng thích hoa này. Bà ra đây ngồi thêu là vì nhớ đứa cháu gái yếu đuối đã rời xa vòng tay. Còn người ta lại thích vẻ mỏng manh trong gió của những bông hoa biết đổi mầu của bà.
Bà bảo, từ lâu nay, không nghĩ sẽ thêu những cánh hoa tam giác mạch lên tay áo, vai áo, bởi vai bà đã trĩu xuống rồi, sức sống đã dồn ra đầu ngón tay, giống như hoa đã dồn sức sống vào hạt. Giờ thì bà mang những cánh hoa ấy lên áo váy cho những đứa cháu, chắt của bà.
Tôi tự trách mình không được một phần sự nghĩ suy của bà. Tôi chỉ có thể nghĩ về những nương hoa với triệu triệu đóa hoa dịu dàng, tinh khiết một sớm chợt cười trước gió, khí sắc ngọc ngà được phô bày. Lúc ấy đá xám ai biết được lẽ trọng khinh. Gió thổi hoa đưa như lời thì thầm trong sương mù ảo diệu. Hoa vào độ hàm tiếu tự thấy thật diễm tình. Sắc chuyển sang độ hồng, tưởng như thiếu nữ bước qua ngưỡng cửa nhà chồng. Một sớm nọ rực lên cả nương mầu đỏ đậm như nàng thiếu nữ ấy vừa đêm qua khai hoa nở nhụy để trở thành thiếu phụ trẻ đầy mê hoặc sưởi ấm vạn tâm hồn qua tiếng trẻ thơ vang ấm căn nhà. Sự chuyển sắc ấy là sự huyền diệu của riêng vùng rừng biên ải quê tôi.
Vừa nghe bà gọi đã thấy một đoàn xe máy áo cờ đỏ sao vàng, khăn rằn, cắm cờ trước tay lái phóng vèo qua. Tôi biết các bạn lên với cao nguyên đá, lên với tam giác mạch nở sớm. Nhưng sao phải đi nhanh thế nhỉ? Hoa vẫn chậm rãi nở, cứ từ từ đi, khắc đi khắc đến mà. Tôi bỗng sợ, hoa vốn nở chậm, nở nhẹ, các bạn ào qua thế sao hoa chịu được. Giá như tôi bảo được các bạn cần chậm rãi mới đủ thời gian và tâm thế đằm mình với những nương hoa mang cốt cách dân tộc tôi. Hoa rất sợ gió mạnh nên không nở vào mùa đông, sợ nắng to nên không nở vào mùa hè. Thân mềm, lá mỏng, hoa nhỏ và nở rất nhẹ mới là tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Các bạn ở lại để thấy đủ độ trắng đến đỏ đậm của hoa. Thời khắc ấy hoa khiến núi đổi sắc, mây chuyển mầu, trời đổi tiết và lòng người gần nhau hơn. Thật sự tôi muốn giãi bày tấm chân tình của tam giác mạch với các bạn để những nương hoa của chúng tôi đẹp hơn trong mắt các bạn, đi xa hơn trong trái tim các bạn, để mùa sau nhiều bạn lại lên với chúng tôi.
Tình tam giác mạch
|