Ninh Thuận lấy kinh tế biển và đô thị làm động lực tăng trưởng mới

|

Sáng 28-4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, ngày 10-11-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1319/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Với tầm nhìn chiến lược phát triển: “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành khu kinh tế ven biển... Đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận đã xác định chọn 5 cụm, ngành quan trọng để phát triển, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là: Kinh tế biển và kinh tế đô thị.

Ninh Thuận tập trung phát triển năng lượng và năng lượng tái tạo

Quy hoạch cũng xác định tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển của cả nước. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 770ha; 12 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II, 4 đô thị loại IV, 7 đô thị loại V; 6 đô thị ven biển.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Ninh Thuận

Song song với hội nghị công bố quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận tổ chức xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận. Tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận công bố danh mục 55 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào tỉnh, gồm: 18 dự án lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch; 14 dự án lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản; 9 dự án lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo; 9 dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến và 5 dự án lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh Ninh Thuận cũng trao quyết định chủ trương đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư trên 120.000 tỷ đồng.

Vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua. Ninh Thuận là địa phương còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác trong vùng và cả nước, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô hạn; xuất phát điểm về kinh tế và cơ sở hạ tầng tương đối thấp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Do vậy, nếu tỉnh Ninh Thuận vượt khó vươn lên sẽ là điểm sáng, là mô hình cho các tỉnh thành trong cả nước.

Tỉnh Ninh Thuận trao quyết định chủ trương đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư trên 120.000 tỷ đồng

Để triển khai thực hiện thành công quy hoạch, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Ninh Thuận phải hóa giải được những thách thức, hạn chế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, tỉnh phải tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh việc cần làm mới các động lực phát triển truyền thống, tỉnh Ninh Thuận phải tập trung bổ sung các động lực mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, tỉnh cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố trong vùng Nam Trung bộ, khu vực Tây Nguyên.

Tận dụng đường cao tốc, Bình Thuận và Ninh Thuận "bắt tay" phát triển du lịch