Nền giáo dục thực học và dân chủ

|

LTS - Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Ðảng khóa XI đã ra Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện đầu xuân với PV Báo Nhân Dân về cái gốc của đổi mới giáo dục - đào tạo. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.  

- Thưa Giáo sư, có thể khái quát yêu cầu đổi mới giáo dục lần này là gì?

- Từ ngày thành lập nước đến nay, chúng ta đã thực hiện cải cách giáo dục vào các năm 1950, 1956 và 1979. Năm 2002, thêm một cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông được tiến hành, song kết quả không được như mong muốn. Ðể đạt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, giáo dục phải tăng tốc và một cuộc đổi mới giáo dục lại được khởi động từ năm 2014.

Ðổi mới căn bản tất yếu dẫn đến đổi mới toàn diện, cụ thể là đổi mới từ nội dung, phương pháp giáo dục ở tất cả các bậc học, ngành học đến cơ chế, chính sách, điều kiện thực hiện, sự quản lý của Nhà nước và việc tham gia của gia đình, xã hội.

- Nếu đã đổi mới từ gốc, thì mục tiêu giáo dục cũng cần được chuyển đổi, thưa Giáo sư?

- Xưa nay chúng ta vẫn xác định mục tiêu giáo dục là đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ xã hội. Hiểu như vậy đương nhiên không sai nhưng phiến diện.

Ðào tạo nhân lực phục vụ xã hội và phát triển năng lực cá nhân là hai chủ thuyết khác nhau về mục tiêu giáo dục - thuyết vị xã hội và thuyết vị cá nhân. Hai mục tiêu giáo dục khác nhau sẽ dẫn đến những cách dạy khác nhau và kết quả khác nhau: một đằng coi trọng giáo dục đồng loạt để hình thành đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội; còn một đằng coi trọng cá thể hóa hoạt động học tập, từ đó làm nảy sinh ở người học nhu cầu khám phá thế giới, khám phá năng lực của bản thân để phát triển.

Thực tế cho thấy, chính sự phát triển đa dạng của mỗi người mới làm nên sự phát triển của xã hội. Các Mác cũng đã từng khẳng định: "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người".  

- Gần đây cụm từ "triết lý giáo dục" đang được nhắc tới nhiều, quan điểm của Giáo sư về vấn đề này?

 - Triết lý giáo dục của một quốc gia quyết định định hướng tổ chức và phát triển giáo dục của quốc gia ấy. Theo tôi, nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới phải là một nền giáo dục thực học và dân chủ.

 Thực học có nghĩa là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có tính ứng dụng cao, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ðối với các ngành khoa học cơ bản, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, chỉ cần đầu tư đào tạo số lượng ít theo định hướng bồi dưỡng nhân tài.

Với tư tưởng thực học, hệ thống giáo dục phổ thông lẽ ra cũng cần được xem xét lại bởi kéo dài tới 12 năm không còn phù hợp. Theo tôi, hệ thống giáo dục phổ thông nên tổ chức gồm hai cấp tiểu học và trung học. Thời gian học tiểu học là sáu năm, áp dụng đối với toàn bộ học sinh. Trung học gồm ba loại trường với thời gian tương ứng với ba loại nhu cầu của người học - lên đại học hay cao đẳng nghề và học nghề...

Thực học cần được hiểu là chuyển đổi từ chương trình theo định hướng nội dung thành chương trình theo định hướng năng lực, với một phương pháp giáo dục thích hợp - tổ chức hoạt động. Bởi vì, năng lực không thể được hình thành và phát triển bằng con đường truyền giảng thụ động. Tương tự, những tư tưởng, tình cảm và nhân cách tốt đẹp chỉ có thể được hình thành chắc chắn thông qua sự rèn luyện trong thực tế.

Ðối với lĩnh vực giáo dục đại học và dạy nghề, trong đổi mới phương pháp dạy học, cần tăng cường thời gian thực hành cho người học, gắn kết trường học với đơn vị sử dụng lao động.

Nói về dân chủ, xét từ mục tiêu đào tạo nhân lực cho xã hội, có nghĩa là xã hội phải tham gia vào phát triển giáo dục, giám sát và quản lý giáo dục, được hưởng những thành tựu của nền giáo dục. Trong công cuộc đổi mới lần này, cần xây dựng lại chính sách thích hợp để khuyến khích sự ra đời của các cơ sở giáo dục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Và để đáp ứng mục tiêu phát triển và hoàn thiện nhân cách phù hợp với sở nguyện, sở trường của mỗi cá nhân, dân chủ thể hiện ở sự khai phóng, tức là cởi mở về tư tưởng, học thuật, tạo điều kiện cho người học sáng tạo và phát triển phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình. Có khai phóng thì giáo dục và xã hội mới tạo ra được những lớp người dám nghĩ, dám làm.

- Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình - sách giáo khoa, nhưng thực thi thế nào vẫn còn đang tranh luận, thưa Giáo sư?

- Phương án được chọn trong Ðề án đổi mới hiện nay là thay đổi toàn bộ sách giáo khoa: Trước mắt, thay toàn bộ sách giáo khoa các môn học ở tiểu học, và ở trung học, mỗi cấp thay toàn bộ sách của lớp đầu cấp.

Trong hoàn cảnh hiện nay, phương án tốt nhất là đổi mới theo lộ trình ba bước: Thứ nhất, điều chỉnh, bổ sung chương trình hiện hành theo hướng làm cho nó cụ thể hơn, cập nhật hơn, có tính thực hành cao hơn và nhẹ hơn. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của người học, làm cho chương trình tác động mạnh hơn đến sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Thứ ba, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn dần từng quyển hoặc từng bộ sách giáo khoa thay thế sách hiện hành. Không nên đặt vấn đề thay đổi toàn bộ sách giáo khoa ngay một lúc vì làm gấp như vậy vừa khó bảo đảm chất lượng, vừa tốn kém.

Ở hầu hết các nước, giáo viên không dạy hẳn theo một bộ sách giáo khoa nào mà căn cứ vào tình hình thực tế của lớp, chọn bài phù hợp nhất trong những cuốn sách giáo khoa đã có để dạy. Theo tôi, thực hiện theo cách này mới phát huy được ưu điểm của phương án "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". Ðề án đổi mới xác định, việc lựa chọn sách giáo khoa được giao cho từng trường. Ðó là phương án hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, cần phải có rất nhiều yếu tố khác kèm theo, đặc biệt là việc đào tạo đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học và nâng cấp cơ sở vật chất của các trường.

- Nhưng theo Giáo sư, liệu chúng ta có thể thật sự đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục nếu như ngay từ khâu đào tạo giáo viên vẫn tồn tại bất cập?

 - Ðối với mọi cải cách xã hội, con người là nhân tố quan trọng nhất. Ðể đổi mới giáo dục thành công, chúng ta cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nếu không đổi mới được trước thì ít nhất cũng phải song song với đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh cho ngành sư phạm. Lâu nay, biện pháp miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực đối với người học.

Ðể hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm, Nhà nước cần xác định được tương đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và bảo đảm đầu ra cho giáo sinh. Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo gắn với đơn vị sử dụng lao động. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo viên mới giỏi được. Về công tác bồi dưỡng thường xuyên, cũng cần nghiên cứu để có những thay đổi sâu sắc, tránh bệnh hình thức, tăng cường tính hiệu quả. Chỉ theo cách đó, chúng ta mới có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Ðể đổi mới giáo dục thành công, cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.