Năm qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành đã đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua; mức tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68%, cao hơn nhiều so kế hoạch từ đầu năm (6,2%), cao nhất trong tám năm qua. Nhiều chỉ tiêu khác cũng đạt mức cao, như sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh; mặt bằng lãi suất giảm, dư nợ tín dụng tăng, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện; tỷ giá được điều chỉnh phù hợp, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao; tỷ lệ nhập siêu giảm; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vốn FDI và giải ngân vốn ODA tăng mạnh; nợ công được kiểm soát chặt chẽ và trong giới hạn an toàn theo quy định; an ninh lương thực, năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng quan trọng được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Những kết quả hết sức tích cực đó là tiền đề quan trọng cho năm 2016 và các năm tiếp theo.
Trong hoàn cảnh ngân sách còn hạn hẹp, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tìm giải pháp bảo đảm nguồn lực cho an sinh xã hội, nhất là chăm lo người nghèo, người có công với cách mạng, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, miền núi đặc biệt khó khăn. Với nỗ lực của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm (các huyện nghèo giảm 6%/năm), đến cuối năm 2015 còn dưới 4,5%.
Có dịp tham dự nhiều cuộc họp, hội nghị quan trọng do Thủ tướng chủ trì với các bộ, ngành, chúng tôi nhận thấy người đứng đầu Chính phủ đã dành nhiều thời gian để cùng các thành viên Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước, nhất là trong hoàn cảnh giá dầu thô trên thế giới sụt giảm mạnh so với dự báo. Tổng thu ngân sách năm 2015 tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng hai lần so giai đoạn trước. Đồng thời, thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ tiết kiệm chi tiêu ngân sách, hạn chế mua sắm công, tăng cường họp trực tuyến, hạn chế hội họp, đi công tác nước ngoài. Thủ tướng cũng chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề mà xã hội đang hết sức quan tâm như xử lý những vi phạm về trật tự quản lý đô thị ở Hà Nội, tạm ngừng xây mới quảng trường hay khu hành chính tập trung tại các địa phương... được dư luận nhân dân hết sức đồng tình và hưởng ứng…
Xuân Ất Mùi qua đi, các đột phá chiến lược được Thủ tướng tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt: thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn; phát triển nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ đạt được những kết quả tích cực; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH. Lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế cũng được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sát sao, triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Tập trung tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tái cơ cấu ngân hàng đạt nhiều kết quả tích cực, tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng TMCP yếu kém; hệ thống ngân hàng ngày càng lành mạnh hơn; tỷ lệ nợ xấu giảm, đến cuối năm 2015 còn 2,9%. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN. Tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ được tích cực triển khai, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đến cuối năm 2015 có khoảng hơn 1.500 xã đạt chuẩn (chiếm 17,04%).
Chính phủ, Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm, thực hiện quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia. Nhìn thẳng vào thực tế, hiện chúng ta còn thua kém một số nước ASEAN. Song Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành kiên quyết và mạnh dạn đặt chỉ tiêu cao hơn, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, đủ tự tin đứng vào top 4 ASEAN. Với sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia đã đạt nhiều kết quả hết sức tích cực, tạo chuyển biến đáng kể trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, bảo hiểm..., được người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận, đánh giá cao. Những phản hồi tích cực đó chính là “thước đo” đánh giá khách quan, chính xác nhất về nỗ lực của Chính phủ. Và đó cũng là cơ sở để các tổ chức quốc tế lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng hạng chỉ số cạnh tranh của Việt Nam; trong đó chỉ số NLCT toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc, năm 2015 tăng 12 bậc so với năm 2014, xếp thứ 56/140 quốc gia; Chỉ số MTKD của Việt Nam năm 2015 tăng 3 bậc, xếp thứ 90/181 quốc gia. Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2015 vừa qua, cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, nhất là Chính phủ đã nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ (MDGs) cũng như đóng góp tích cực vào các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Đạt được thành tựu nêu trên là sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tình hình an ninh, chính trị thế giới có nhiều biến động khó lường, kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi khủng hoảng, an ninh chính trị khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Năm Ất Mùi đi qua cũng để lại dấu ấn một năm gặt hái nhiều thành công rực rỡ trên lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam trên cả bình diện song phương và đa phương. Với nỗ lực không mệt mỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua các chuyến thăm song phương, tham dự hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế ngày một tăng cường, phát triển về chiều sâu và thực chất; các nguyên thủ, nhà lãnh đạo thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn, đánh giá cao Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, năng động, tích cực trong cộng đồng quốc tế; ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong nhiều vấn đề, đặc biệt là giải quyết vấn đề Biển Đông.
Nét nổi bật trong hoạt động đối ngoại năm qua là Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế lên một tầm cao mới, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất và góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho xây dựng, bảo vệ đất nước. Tại hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tổ chức tại Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước ASEAN đã ký tuyên bố lịch sử hình thành Cộng đồng ASEAN, mở ra triển vọng tươi sáng, thịnh vượng chung cho cả khu vực. Thủ tướng cũng là Nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam ký FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu tại thủ đô A-xta-na (Ca-dắc-xtan); chứng kiến lễ ký tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán FTA Việt Nam-EU (EVFTA) tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brúc-xen (Bỉ). Đặc biệt hơn cả khi Việt Nam vừa cùng 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định. Đây là những FTA thế hệ mới với nhiều ưu điểm thuận lợi, mang tính bổ sung trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các đối tác lớn nhất trên thế giới.
Đón Xuân mới Bính Thân, bên cạnh những khó khăn, thách thức, không thể phủ nhận rằng cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước thời cơ lớn để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nhiều đầu tư FDI, tạo thêm nhiều việc làm mới nếu biết tận dụng cơ hội.
Trong công cuộc hội nhập này, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp, liên tục dành nhiều thời gian tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Chúng tôi nhớ mãi lời Thủ tướng nói trong cuộc gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN tại Trụ sở Chính phủ: “…Không có cách nào khác, chúng ta phải hội nhập để phát triển, để CNH, HĐH, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để xây dựng một nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không thể đóng cửa, mà chúng ta phải hội nhập, mà hội nhập thì phải cạnh tranh. Nền kinh tế phải cạnh tranh thì doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong cạnh tranh. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước hết là mở thị trường và hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp bớt đi chi phí, thời gian để hạ giá thành, để tăng sức cạnh tranh…”. Thông điệp đó của Thủ tướng đã được giới doanh nghiệp nồng nhiệt đón nhận.
Chúng ta còn nhớ, trong nhiều sự kiện và diễn đàn năm qua, Thủ tướng thường nói về những bối cảnh mới cả trong nước và thế giới như một sự nhắc nhở về những nỗ lực mạnh mẽ hơn, không ngưng nghỉ và không được xem thường. Đó là khoa học - công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Kinh tế thị trường; tiến bộ, công bằng xã hội; dân chủ - pháp quyền; hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình - phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố có biểu hiện gia tăng. Trong khu vực, các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp và rất khó lường. Ở trong nước, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo quản lý điều hành nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiệm vụ đặt ra là nặng nề trong khi nguồn lực còn rất hạn hẹp. Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng; việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Thủ tướng đã kêu gọi: “Bối cảnh quốc tế và trong nước nêu trên đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016”.
Hoa đào, hoa mai đang khoe sắc trên các vùng miền Tổ quốc, người dân đang náo nức chờ đón giây phút Giao thừa - thời khắc đất trời giao hòa, trào dâng cảm xúc. Trong hào khí xuân mới tràn đầy lạc quan, chúng ta bước vào năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với niềm tin vững chắc tương lai tươi sáng của đất nước, dân tộc trong thời kỳ mới - thời kỳ phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.