Mai Tâm Hiếu
Gặp gỡ giữa đại dương
Tàu 561 có hải trình lần lượt tới chín điểm đảo nằm xuôi về phía nam của quần đảo Trường Sa. Đá Lát, Trường Sa Lớn, cụm đảo Đá Tây, cụm đảo Thuyền Chài và kết thúc lượt đi ở hòn đảo cực nam của quần đảo là đảo An Bang.
Chỉ rời khỏi vịnh Cam Ranh, con tàu được đánh giá là lớn và hiện đại chợt trở nên nhỏ nhoi trước biển cả mênh mông. Sóng gió “đón đoàn” đã lên cấp 5, cấp 6. Tàu chòng chành, lắc lư theo những con sóng vỗ. Mùa này đi biển thì say sóng chính là… đặc sản.
Ở tàu 561, người có mặt nhiều nhất trên chiếc xuồng chuyền tải là thiếu úy Nguyễn Hà Hải. Hầu hết các lần xuống xuồng đưa đoàn vào đảo, Hải đều có mặt. Hải còn trẻ, nhanh nhẹn mà chắc nịch, năm nay mới 23 tuổi mà nước da đã sớm sạm đi vì nắng gió. “Bố em hiện công tác ở Vùng 4 Hải quân, mẹ em cũng công tác ở Vùng với bố”. Đi theo đoàn chuyến này, cũng là dịp để Hải chia tay với cậu em út Nguyễn Công Huân ra đóng quân tại đảo Trường Sa Lớn. Hải tâm sự không giấu tự hào: “Bố em tên là Nguyễn Công Sơn hiện là Chủ nhiệm Chính trị của Hải quân Vùng 4. Sơn nghĩa là núi. Mẹ em là Hà Thị Vân. Vân nghĩa là mây. Em là Hải, là biển. Cả nhà bây giờ đều gắn bó cùng biển đảo”.
Tàu qua đảo chìm Đá Lát, tiến thẳng đến đảo Trường Sa Lớn và neo lại ngoài đảo sớm ngày 8-1-2015. Sóng lớn, gió giật mạnh khiến tàu không thể cập cảng. Cả đoàn phải xuống xuồng, rồi lên bờ ở phía chân cầu cảng. Sóng có lúc đẩy xuồng cao hơn điểm đặt chân cả mét rồi lại hụt thẳm xuống phía dưới chân cầu. Được sự giúp đỡ của chiến sĩ, đoàn lên đảo an toàn. Tối 12-1, người bạn đồng nghiệp cùng phòng chạy về hồ hởi “ra xem cá heo”. Tôi chạy vội lên boong, đàn cá heo gần chục con đang bơi dọc theo tàu, thoắt ẩn, thoắt hiện trong ánh đèn sáng mờ mờ phía trên boong hắt xuống. “Cá heo thường xuất hiện trước khi biển động”. Mà biển động thật.
Sáng 13-1. Ngoài trời, mây đen vần vũ cứ sà thấp xuống dần. Bầu trời như cái bát úp mà đáy bát ngày càng bị thu hẹp lại bởi những đám mây đen kéo tới và chuyển động mỗi lúc một nhanh hơn. Cả đêm 13, rạng sáng 14, tiếng thả neo cứ rít lên òng ọc. Nước sâu quá, tàu thả neo dài nên gặp sự cố. Sóng vỗ mạnh mạn tàu khiến con tàu chao đảo. Mũi tàu bị sóng đánh nhấc bổng lên rồi rơi đánh rầm xuống mặt biển khiến bọt sóng bắn tung tóe khắp boong tàu.
Đến gần cụm đảo Thuyền Chài. Bốn giờ chiều, tiếng cán bộ điều hành chợt vang trên loa: “Các thuyền viên di chuyển về phía đuôi tàu, có tàu cá xin cặp mạn”. Tôi chạy vội về phía sau. Cách đuôi tàu 561 chừng dăm chục mét là con tàu gỗ mang số hiệu Qng 96156 đang chao đảo dữ dội bởi sóng lừng. Toàn bộ thuyền viên dồn lên mũi tàu và ra dấu xin cặp mạn. Sóng cao lừng lững. Cách tàu 561 vài mét, mặt biển dâng cao hơn mạn tàu rồi lại rút xuống nhìn sâu hun hút. Tàu Qng 96156 lắc lư dữ dội. Mạn tàu cao chừng bốn, năm mét mà có lúc nghiêng xuống sát mặt biển tối sẫm. Bóng của hai lá cờ đỏ sao vàng trên nóc tàu có lúc như chạm vào ngọn sóng.
Được sự cho phép của 561, từ tàu Qng 96156, chiếc thuyền thúng nhanh chóng được thả xuống biển cùng với ba người đàn ông. Cái thúng tròn vo được buộc thêm một mái chèo cứ dềnh lên trên đỉnh sóng, tiến dần về phía tàu. Ba người đàn ông ngồi gọn trong lòng thúng. Người trẻ nhất chèo luôn tay. Họ cởi trần, đen trũi và ướt nhẹp.
“Tui là Nguyễn Văn Hội, cùng với 12 người khác ở trên tàu rời cảng Lý Sơn đã tròn một tháng”. Hội năm nay mới 32 tuổi. Sóng gió đọng lại trên khuôn mặt sạm đen có những nếp nhăn chằng chịt khiến anh già hơn nhiều so với tuổi. 15 tuổi, anh theo bạn chài thực hiện những chuyến ra biển đầu tiên. “Tui đi biển ngần ấy năm, chưa gặp hoàn cảnh này bao giờ...”. Ngày 24 tháng 11 âm lịch, Hội lên tàu Qng 96156 công suất 450 mã lực của thuyền trưởng Dương Văn Nam cùng lãnh đội Dương Văn Sửu và 11 thuyền viên (đều quê An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) ra biển đánh chuyến chót mong có một cái Tết tươm tất, đủ đầy.
Dự kiến đi mò hải sâm có hai chục ngày mà đến giờ cả tàu đã lênh đênh tròn tháng. Biển động, họ trôi dạt từ Núi Le về đến tận Thuyền Chài. Nước và lương thực trên tàu đã cạn, chỉ còn lại chút thực phẩm đã dần biến chất. “Chưa kiếm được cá, chưa thể về ăn Tết...”. May gặp tàu 561 để xin thực phẩm và thuốc men. Mắt long lanh trên khuôn mặt đen đúa: “Dự kiến chúng tôi đi thêm nửa tháng nữa sẽ về”. Tôi nắm tay anh, thầm chúc cả tàu sẽ đem Tết về Lý Sơn đúng dự kiến. Được khám và phát thuốc thật nhanh, Hội trở về tàu của mình trên chiếc thuyền thúng chở đằm thịt lợn, rau xanh và nhu yếu phẩm.
Ở An Bang, sóng và gió ngày đêm vờn lính đảo. Gió sẵn sàng quật gãy bất cứ ngọn cây nào “dám” vươn lên cao hơn những nóc nhà trên đảo. Muối biển cứ ngày đêm theo gió để ngấm qua tường của ngọn hải đăng An Bang mà rỉ rách nhỏ xuống nền nhà ướt nhoét. Sóng, và gió sẵn sàng táp hết đám lá non mỗi khi chúng có dịp len lỏi tới thứ mầm xanh ít ỏi nơi đây. Vậy nên, để có được gần trăm cây xanh lớn nhỏ cộng với hàng chục thùng rau xanh ở nơi này quả thật là kỳ tích. Bây giờ mùa mưa, nước đầy bể, trong vắt. Và hàng chục thùng xốp đang được phủ non mướt bởi những ngọn rau xanh. Rau muống, rau cải, rau thơm và cả rau mầm. “Đến mùa khô, anh em vẫn có thể có nước để sử dụng. Dù khó khăn hơn”, Chỉ huy trưởng đảo An Bang, thiếu tá Đặng Ngọc Nam cho biết. Anh Nam ở đảo đã 30 tháng, ăn ba cái Tết trên hòn đảo nổi danh đầu sóng ngọn gió này.
Những mầu xanh ấy, dường như là lời đanh thép nhất để khẳng định: “Biển này là của ta, đảo này là của ta”, giữa sóng gió đang, đã và chuẩn bị đến từ nhiều phía.
-----
Nguyễn Hùng
“Đi trong nhà mình”
Gói bánh chưng trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Hồng Việt
Trung tá Phạm Xuân Hải, chỉ tay về phía một chấm sáng nhỏ đang di chuyển cách khá xa tàu chúng tôi và cho biết kia là tàu vận tải quốc tế. Tuyến đi của HQ 571 sẽ qua 12 điểm đảo, với điểm cuối là đảo Tiên Nữ, điểm cực đông của Tổ quốc. Có thể gặp tàu lạ, nhưng đi Trường Sa là chúng ta đang đi trong biển nhà mình…
Trong câu chuyện làm quen đêm đầu tiên lênh đênh giữa muôn trùng sóng gió với vị thuyền trưởng tàu HQ 571, chúng tôi còn được biết thêm một điều thú vị. Con trai của Trung tá Phạm Xuân Hải, binh nhất Phạm Quyết Thắng, sinh năm 1996, cũng cùng bố chia tay đất liền để ra hải đảo lần này. Phạm Quyết Thắng ra nhận nhiệm vụ pháo thủ 37 tại thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn). Thế là bố đi giữ biển, còn con đi giữ trời, giữ đảo. Anh Hải cười bảo: “Chỉ là bố con tôi đi giữ đất, giữ nhà mình như mọi người thôi!”.
“Đi trong nhà mình”, câu nói của vị thuyền trưởng là một lời khẳng định, một chân lý giản dị và bền bỉ như lẽ tự nhiên: Trường Sa thuộc chủ quyền của dân tộc Việt Nam và mỗi người dân đất Việt đặt chân đến đều là “đi trong nhà mình”. Điều này làm cho chúng tôi cảm thấy trùng dương vô tận trở nên gần gũi, thân thuộc và yên bình.
Một nhân chứng đặc biệt trong chuyến đi này trên con tàu HQ 571, anh Trần Văn Huy. Anh Huy là người từng có mặt trên tàu Kiểm ngư 22, con tàu xuất hiện ngay sau khi giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Anh Huy đã cùng tàu Kiểm ngư có mặt ngay từ ngày 2-5 đến ngày 17-7-2014, đấu tranh ròng rã không rời mục tiêu suốt 74 ngày đêm liền, cho đến khi giàn khoan Hải Dương - 981 rút khỏi vùng biển Việt Nam thì Trần Văn Huy mới cùng tàu Kiểm ngư 22 trở về đất liền.
Anh Huy cho biết, trong 74 ngày đêm, vừa kiên trì vận động thuyết phục, vừa kiên quyết xuất hiện tại vị trí có mục tiêu để đấu tranh khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển, tàu Kiểm ngư 22 đã bị đâm va và phun vòi rồng nhiều lần, trong đó có tám lần bị tiến công làm tàu và kiểm ngư viên, thuyền trưởng bị thương nặng. Anh Trần Văn Huy dẫn chúng tôi vào nơi để hành lý, mở laptop cho chúng tôi xem những hình ảnh sống động, chân thực mà anh và những kiểm ngư viên Việt Nam ghi lại được trong những ngày kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Anh tâm sự: “Đó là những ngày đáng nhớ, chúng tôi xác định mình đang đối mặt muôn vàn hiểm nguy, nhưng không ai trong tàu sờn lòng mà luôn vững vàng ý chí, bình tĩnh đấu tranh tới cùng”.
Hành quân ra đến vùng “phên dậu” của Tổ quốc, chúng tôi được đến với một trong những “mắt thần” giữa biển khơi, Trạm Radar 44 của Trung đoàn 292. Với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ được đào tạo bài bản, huấn luyện tinh nhuệ, “mắt thần” giữa biển khơi này có thể cảnh giới và phát hiện từ xa các phương tiện bay trong khu vực quản lý để phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và quản lý vùng trời. Thượng úy Nguyễn Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm Radar 44, khẳng định trong phạm vi quản lý, “mắt thần” luôn bảo đảm nhiệm vụ canh giữ vùng trời, vùng biển trong từng khắc, từng giây, giúp cho cán bộ và chiến sĩ ta ngăn chặn những xung đột, xâm nhập ngay từ xa.
Mối quan tâm của người dân Việt Nam đến biển đảo có thể cảm nhận rất rõ ở từng điểm đảo. Ngay trong buổi giao nhận quân ở đảo Phan Vinh, Trung tá Vũ Xuân Quảng, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh, phấn khởi cho các tân binh biết, kể từ năm 2014 các đợt tiếp tế ra đảo tăng từ sáu tháng/lần đến ba tháng/lần. Ngoài ra, còn có ít nhất hai lần tiếp tế bổ sung vào đầu năm và cuối năm. Cùng với đó là hoạt động tổ chức cho các tầng lớp dân - chính - đảng, thân nhân ra thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ ngày càng nhiều. Tại đảo Phan Vinh vừa khánh thành nhà khách lớn, hiện đại, do Bộ Công an tặng, có thể bố trí cho hàng trăm lượt khách ghé thăm đảo…
Ngày thứ năm trên biển, mới đến với điểm đảo thứ tư trên hành trình 12 điểm đảo mà tàu HQ 571 đưa chúng tôi đến, mà vô số những niềm vui, những nụ cười mà chúng tôi đã được bắt gặp, đón nhận. Đi vào mùa biển động sóng cồn mà lòng thấy bình yên thanh thản lạ thường. Khi xuồng chuyên dụng hải quân đưa chúng tôi từ điểm Đá Đông C ra tàu HQ 571, những con sóng cao thốc thẳng vào thành xuồng và hất nước trùm lên người chúng tôi khiến ai nấy ướt khắp lượt. Nghe như trong vị mặn của biển khơi có vị mặn của mồ hôi, của máu và nước mắt bao lớp người đã đổ xuống để truyền nối nhau đời này qua đời khác giữ gìn từng tấc đất biển khơi cha ông để lại. Để hôm nay, tiếng cười, giọng nói trăm miền đất Việt lại vang lên không dứt giữa biển cả Trường Sa rộng lớn trong ngôi nhà chung của nước Việt thênh thang và ấm áp…
Chúng tôi hiểu rằng, những chuyến tàu thay, thu quân và thăm, tặng quà đầu năm 2015 không chỉ trĩu nặng những món quà, mà còn trĩu nặng tấm lòng dân. Lòng dân, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định trong dịp đầu năm mới 2015, đó là “quốc bảo” để giữ nước. Còn lòng dân thì chúng ta không sợ mất nước!
-----
Lưu Phương Mai
Rất xanh ở Trường Sa
Phóng viên Lưu Phương Mai với các em nhỏ ở Song Tử Tây.
“Tàu này là của ba, tàu này là của mẹ, tàu này của con”, buổi chiều Song Tử Tây rộn rã trong tiếng hò hét của những đứa trẻ. Những mầm xanh bé nhỏ giữa trùng khơi dường như khiến đảo nhỏ nhiều sức sống hơn, nhiều yêu thương hơn. Từ Sinh Tồn, Song Tử, đến Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca…, cái gây ấn tượng với chúng tôi là những mầu xanh rất đỗi yêu thương trên khắp quần đảo.
Hải trình cuối năm của chúng tôi ra Trường Sa giống như một chuyến phiêu lưu không chắc ngày về. Đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146, nói có những năm, tàu nằm ngoài khơi cả tuần mà không thể vào đảo vì sóng lớn. Vậy mà mỗi cuối năm, những chuyến tàu thế này vẫn bền bỉ chở cả mùa xuân tới cả quần đảo Trường Sa, bất chấp sóng gió tứ bề. Tàu chúng tôi có những lúc chạy ngang sóng, lắc lư như chiếc lá giữa biển. Từ gà, lợn, đến cả mấy chú chim cũng say sóng lử đử, mấy cuộn lá dong cũng ít nhiều xơ xác. Đổi lại là gương mặt hào hứng của anh lính trẻ: “Lợn năm nay béo, thế này thì ăn Tết ngon đây”, hay tiếng reo vui vì có lá dong gói bánh chưng, có cả mấy chú chim hót cho đảo chìm đỡ vắng. Lại nhớ cậu bạn lính công binh tên Diệu, ăn bền bỉ mấy cái Tết qua các đảo chìm, đảo nổi, kể “chăm lợn trên tàu vất vả lắm, lợn chết thì anh em khổ”. Lợn say sóng, nằm lả lướt dưới sàn tàu thì Diệu cũng nằm cùng, nắm từng nắm cám đút cho lợn ăn. Năm nay Diệu được về nhà, vẫn bảo nhớ quay quắt những cái Tết lênh đênh như thế.
Tết trên đảo bây giờ hóa ra không thua gì đất liền. Lá dong giờ có đủ, nhưng lính đảo vẫn không quên thêm vào lá bàng vuông. Vị bánh có nồng hơn, nhưng là vị đặc trưng của Trường Sa. Lá bàng vuông hái xong, phải hơ qua lửa cho mềm, rồi lau sạch mới dùng được. Anh em trên đảo tự chẻ tre, tự làm khuôn bánh. Hào hứng nhất là mấy anh lính trẻ, lần đầu được gói bánh chưng với lá bàng, toàn biến gói bánh thành đùm bánh. Cụm đảo Sơn Ca, anh em còn kỳ công làm một cây mai từ thân cây mù u. Lá mù u được tỉa cẩn thận cho giống lá mai, hoa mai làm bằng vải đất liền gửi ra, thế mà cũng vàng rực một góc sân. Đảo Đá Nam cũng không thua kém, làm được một cây mai cảnh đặt giữa phòng khách. Phòng Quân y đảo Sơn Ca có một cây đèn làm từ ốc biển nhấp nháy. Vậy là đủ để chờ đón một mùa xuân nữa, cho vơi những nhớ thương phía đất liền.
Trường Sa sau nhiều bão giông, không còn là những bãi san hô vắng lặng, những doi cát vô hồn. Mỗi ngày, những đảo nhỏ lại thêm những mầu xanh. Có mầu của cây, và cả sắc đỏ, sắc vàng của hoa. Đại tá Ngô Duy Đỗ kể những năm 90 của thế kỷ trước, khi ông lần đầu lên Nam Yết, tự tay trồng một hàng dừa. “Bây giờ trừ hàng dừa ra thì mọi cái đều thay đổi”, Đại tá Đỗ bồi hồi. Đảo chìm, đảo nổi Trường Sa bây giờ đều có những mầu xanh. Sơn, chính trị viên đảo Thuyền Chài vẫn rất tự hào vì đảo chìm mà trồng được một cây bàng vuông, lại còn ra quả hẳn hoi - quả bàng hiếm hoi tồn tại như một niềm kiêu hãnh giữa không gian bé nhỏ.
Còn nhớ anh lính trẻ Đỗ Đăng Đại khi đóng quân Nam Yết, một lần hồ hởi gọi điện báo: “Chị ơi đảo mới thu hoạch được một quả đu đủ tận 13 kg”. Đảo nhỏ không hổ danh là vương quốc của dừa và đu đủ. “Đấy là đợt này thời tiết khắc nghiệt, ít quả, chứ mọi năm là quả sai hơn nhiều”. Hiếm có hòn đảo nào dù khan hiếm nước ngọt, nước giếng độ mặn quá cao không thể dùng trong sinh hoạt mà lại có nhiều cây đa dạng như Nam Yết. Chùa Nam Yết là nơi hiếm hoi của Trường Sa có một cây bồ đề trong khuôn viên. “Đất liền có gì Nam Yết cũng có”, một anh lính trẻ đùa vui. Bữa cơm trên đảo, chúng tôi được mời món sung muối từ hai cây sung của đảo, món thịt cuốn lá tra chấm nước mắm ớt cũng toàn là sản phẩm của đảo. Chính trị viên đảo Nam Yết tiết lộ cuối năm sóng gió, thời tiết thất thường nên Nam Yết bớt xanh đi nhiều. Mùa tháng 3, tháng 4, đảo còn có cả hoa cúc, hoa giấy.
Song Tử Tây, hòn đảo điểm cực tây của Trường Sa nổi tiếng với đàn bò duy nhất cả đảo. Bò Song Tử thong dong tự tại, vì lúc nào cũng được thả rông, nằm lười dưới bóng mát của những cây bàng vuông, cây tra. Giữa tháng thời tiết đỏng đảnh này, vườn hoa Song Tử Tây vẫn rực rỡ mầu đỏ của hoa mười giờ, hoa giấy. Đảo Sơn Ca ít cây hơn, nhưng có cả một vườn hoa mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giữa đảo còn có một hòn non bộ kỳ công làm từ san hô, thêm một chú đồi mồi bơi tung tăng chẳng quan tâm gì thế sự. Trường Sa Đông, đảo được mệnh danh là hòn ngọc xanh cả quần đảo, có cả một giàn mướp hoa vàng rực đung đưa như mời gọi.
Ngày rời đảo trở về, chúng tôi nghe tiếng của một anh lính nhỏ nhẹ: “Rồi vài phút nữa là đảo vắng lắm”. Trường Sa lại chuẩn bị vào mùa hiếm nước, hiếm những cơn mưa, hiếm cả những chuyến thăm nom. Đảo vẫn rất xanh giữa Biển Đông, mỗi mầm xanh đều được nâng niu như sinh mạng. Tôi nhớ một anh lính trẻ trên đảo chìm Đá Thị, để tưới cây đã cẩn thận dùng một chiếc muôi múc canh nhỏ, tỉ mẩn chăm từng gốc cải đang lên. Nước hay rau xanh đều là những báu vật của đảo chìm những ngày sắp tới.
Cái cách con người trên đảo giữ những mầu xanh, khiến lòng người đất liền tự dưng thấy tràn đầy niềm tin. Tin là biển đảo rất gần đây, chủ quyền vẫn vững vàng nơi đầu sóng, bởi vẫn có những con người ấy, những mầu xanh ấy.