Giếng làng

|

Giếng làng, có thể nói ở bất cứ miền quê Việt Nam nào cũng có. Tùy địa hình, mỗi làng lại có cách xây giếng khác nhau nhưng thường là ở đầu làng, hoặc nơi trung tâm cư dân sinh sống, có cảnh quan tươi đẹp, sạch sẽ, địa thế vừa phải, để không lo khô hạn về mùa nắng, không sợ ngập lụt về mùa mưa, có mạch ngầm sâu để nguồn nước quanh năm không bao giờ cạn kiệt.

Giếng làng gắn bó với đời sống người dân Việt Nam từ lâu. Giếng được xem như tài sản chung, là nơi “linh thiêng” bởi huyệt đất tốt, hoặc để trấn yểm đất dữ cho làng. Nhiều nơi có những giếng đã nghìn năm tuổi nên có bệ thờ thần Giếng. Tại nhiều miền quê hiện nay, người dân dùng nước cấp đến tận nhà nên giếng làng ít sử dụng chung như trước. Tuy nhiên, dân làng không bỏ đi mà còn sửa sang, giữ gìn giếng nước sạch sẽ.

Giếng làng là báu vật của người Việt. Trải qua bao biến cố của lịch sử, thời gian, nhưng những chiếc giếng làng vẫn trường tồn như một minh chứng cho giá trị bất biến của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp năm mới Ất Mùi - 2015, xin gửi tới bạn đọc một số tác phẩm trong bộ ảnh Giếng làng.

Giếng ở giữa đường ra, vào làng, một sự sáng tạo của người xưa nhằm tránh điều không may theo thuyết phong thủy.

Giếng ngay đầu làng Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội được giữ lại, xây sửa để người dân có thể sử dụng khi cần.

Giếng làng Khánh Tân, xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội thật khác lạ so nhiều nơi bởi bao quanh là ao làng.

Giếng Ngọc làng Diềm, có từ thời Vua Lý năm 1006, thuộc xã Hòa Long, tỉnh Bắc Ninh.

Giếng Vuông cổ hơn 600 năm tuổi từ thời Vua Hồng Đức năm 1490 ở Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, còn khá nguyên vẹn.