Tiền vay là máu và nước mắt
5 giờ chiều, Hùng “liều” vắt chân lên ghế của một quán trà đá nằm sâu trong con ngõ của quận Cầu Giấy (Hà Nội), rít một hơi thuốc lào và hất hàm bảo tôi: “Ngồi im, anh làm việc tí”. Hùng rút điện thoại, giở mảnh giấy ghi danh sách các con nợ và bắt đầu bấm số. “Alo, Hoàng à, ngày mai em đến ngày nhé”; “Alo, Trung hả, hôm tới trả cả nợ gốc đấy nhé”. “Vinh này, em hẹn anh hôm nay mà giờ này vẫn chưa thấy là sao, thu xếp gửi ngay đi nhé”.
Ngắn, gọn và đanh, những cú điện thoại của Hùng “liều” vang lên trong giờ “làm việc” của gã khiến ngay cả những người ngồi chung quanh cũng e dè. Hai cánh tay xăm trổ kín đặc những hình rồng phượng, gương mặt bặm trợn, vẻ bề ngoài của anh ta rất hợp với nghề cho vay nặng lãi. Hùng sẵn sàng tiếp chuyện và kể hết mọi ngóc ngách của nghề này khi tôi được một ông anh có uy tín giới thiệu đến gặp để tìm hiểu viết “luận văn thạc sĩ về tín dụng đen”. “Riêng chuyện của anh chú có thể làm cả luận án tiến sĩ”, anh ta vỗ ngực khoe. Nhìn tấm danh thiếp Hùng ghi tên mình với dòng chữ: “Chuyên gia tư vấn tài chính - Alo là có tiền” thuộc Công ty tài chính T.H.B có trụ sở ở đường Láng, tôi không khỏi bất ngờ. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, Hùng cười: “Cho vay nặng lãi bây giờ cũng phải “tiến hóa” cho kịp thời đại chú em ạ. Bọn anh lập doanh nghiệp, công ty tư vấn tài chính để cho vay. Lãi cao nhưng khách vay đông vì thủ tục vay đơn giản hơn ngân hàng nhiều. Nếu vay ngân hàng phải làm thủ tục cả tháng, xin hàng chục con dấu, rồi tài sản thế chấp thì bọn anh chỉ cần chứng minh thư, số điện thoại, đúng nghĩa: “Alo là có tiền”.
“Nhưng nếu cho vay nặng lãi sẽ vi phạm pháp luật?”. Hùng lại cười: “Nói thế thì bọn anh đi tù cả đám. Phải lách luật chú em ạ, thí dụ chú em đến anh vay tiền thì thỏa thuận viết giấy vay không ghi lãi suất hoặc “chuyển hóa” bằng hợp đồng mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hay yêu cầu chú viết giấy mượn tiền để lo công việc... Đây này, chú xem cứ giấy trắng mực đen thế này thì bọn anh có gì sai?”.
Hùng mở cặp đưa cho tôi xem một loạt hợp đồng mua bán cho thuê xe máy, ô-tô. Đó đều là những giấy tờ cho vay nặng lãi trá hình. Nhiều chủ nhân đã phải ký giấy thuê lại chiếc xe của chính mình “cắm” lại. Đó là cách để “công ty” của Hùng “liều” tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu cần có thể dùng những giấy tờ này để tố cáo ngược lại lên cơ quan công an. Lãi suất cho vay thường khoảng 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 182%/năm). Hùng tiết lộ từ khi “khởi nghiệp” nghề tín dụng đen đến này (năm 2016), “công ty” của gã đã cho hơn bảy nghìn khách hàng vay vốn, với số tiền 70 tỷ đồng, trong đó có 20 tỷ tiền lãi. Hùng “liều” nói trong cơn phê thuốc lào: “Tiền kiếm được là mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa đấy chú ạ. Tất nhiên nước mắt và máu là của người đi vay. Khi đã vay của bọn anh, thì đừng hòng xù nợ. Bùng thì còn khổ hơn đi tù. Nếu không trả, nhẹ thì đổ chất bẩn, chất thải vào nhà, đổ sơn viết chữ lên tường, nặng nữa thì mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó để khủng bố. Ai “rắn” quá thì lại có chiêu trò khác, như tìm nơi con nợ làm việc, đánh dằn mặt nhưng lấy lý do là con nợ ngoại tình nên cảnh cáo. Sẽ tìm đủ mọi cách, khi nào con nợ nôn tiền mới thôi”.
Cán bộ điều tra Công an tỉnh Phú Thọ xét hỏi đối tượng cho vay lãi nặng. Ảnh | Xuân Mai.
“Hệ sinh thái” tín dụng đen
Càng tìm hiểu, tôi càng giật mình bởi “công ty” của “chuyên gia tài chính” này đã xây dựng được cả một “hệ sinh thái” về tín dụng đen (TDĐ). Họ có cả đội quân “truyền thông - marketing - tiếp thị” hùng hậu chuyên đi phát tờ rơi, dán thông tin quảng cáo cho vay không cần thế chấp khắp nơi. Ngoài ra, còn những kẻ chuyên tiếp cận những người thường xuyên túng quẫn khát tiền như công nhân, sinh viên, mẹ đơn thân, đám nghiện cờ bạc... Đội quân chuyên đòi nợ máu lạnh luôn sẵn sàng ra tay với những con nợ chây ỳ. Tất cả tạo thành mạng lưới như thiên la địa võng “giăng bẫy”, khi đã sa bẫy rồi con nợ rất khó thoát ra.
Qua sự chỉ dẫn của Hùng “liều” trong vai một người cần vay tiền, tôi tiếp cận một “chi nhánh” của “công ty” Hùng ở Đông Anh. Đây là địa bàn mà đội quân tiếp thị của Hùng đang hoạt động mạnh, vì nhiều công nhân ở các khu công nghiệp thuê trọ.
Theo số điện thoại của một tờ quảng cáo cho vay dán trên cột điện, tôi gọi đến hỏi vay nóng 10 triệu thì chỉ 10 phút sau, một thanh niên đã phóng xe máy đến gặp trực tiếp. “Chuyên gia tư vấn tài chính” này lập tức tuôn ra một tràng như bán hàng đa cấp: “Vay 10 triệu thì thủ tục đơn giản, chỉ cần đưa chứng minh thư, nhận tiền luôn, lãi suất thấp thôi, 1,5% hoặc 15 nghìn đồng/1 triệu/ ngày. Có hai hình thức góp theo ngày và trả theo tháng, cứ 1 triệu lãi 15 nghìn đồng trên ngày, còn nếu theo tháng là 200 nghìn 1 tháng”.
Tôi cứ ngỡ lãi suất thế này thì rất nhẹ, nhưng nếu dại dột ký vào coi như đã mắc bẫy. Hóa ra để “ru ngủ” người vay, “công ty” sẽ chia nhỏ lãi suất theo ngày, thoạt nghe tưởng ít, chẳng đáng là bao. Nhưng nếu theo mức lãi suất này, mỗi năm người vay phải trả tới 540%, cao gấp nhiều lần mức quy định của ngân hàng nhà nước. Vay 10 triệu, nhưng tiền thực nhận chỉ 8,5 triệu đồng do bị trừ một phần lãi và phí vay.
Rơi vào “ma trận” tính lãi suất kiểu mập mờ thế này, nhiều người vay trở nên kiệt quệ vì càng trả lãi càng cao. Nhưng khi túng quẫn quá, đánh liều trông cậy vào các “ngân hàng cột điện”. Hầu hết nạn nhân đều mù mờ nhất trong các hợp đồng cho vay là quá nhiều nội dung ràng buộc, trong khi người vay đang cần gấp tiền nên không đọc hoặc đọc sơ sài. Tinh vi hơn, một số nhóm cho vay nóng khi tiếp cận “con mồi” thì giới thiệu họ là đại diện của chi nhánh, công ty thành viên của các ngân hàng nhà nước để lấy lòng tin.
Phát triển nhanh, biến tướng tinh vi
Nếu như trước đây, tội phạm TDĐ chủ yếu cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê với số ít, thực hiện bằng các phương thức truyền thống, thủ công thì gần đây có xu hướng phát triển nhanh, biến tướng tinh vi dưới nhiều hình thức. Cơn bão TDĐ càn quét gây phức tạp và bất ổn về TTATXH, thậm chí nhiều người dân sợ tội phạm TDĐ như cướp ngày. Qua rà soát hiện toàn quốc có gần 28 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (trong đó 640 cơ sở không có giấy phép kinh doanh hoạt động tín dụng đen, 4.048 cơ sở có dấu hiệu cho vay tín chấp trái phép), với 42 nghìn nhân viên; 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ với hơn 1.000 nhân viên; có 1.496 cơ sở kinh doanh tài chính trái phép dưới các hình thức (núp bóng dưới cho thuê xe tự lái, bán vé máy bay, hỗ trợ tài chính...), trong đó có 500 cơ sở không có giấy phép hoạt động; 4.600 cá nhân cho vay lãi nặng (họ, biêu, phường). Đối tượng đi vay đa dạng thành phần: sinh viên, học sinh, cán bộ công chức, người kinh doanh, gái mại dâm, các đối tượng chơi cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá, buôn lậu, buôn hàng cấm, cò mồi bất động sản, người dân cần tiền cấp bách...Nhiều người không cho vay chuyên nghiệp nhưng do hám lợi của lãi suất huy động cao nên đã vay của người thân, của các đối tượng cho vay TDĐ để cho vay lại hưởng lãi suất chênh lệch, đến khi con nợ bị vỡ nợ hoặc bỏ trốn thì những người trung gian trở thành con nợ bị các đối tượng cho vay TDĐ siết nợ.
Đáng chú ý, các băng nhóm TDĐ có xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động, vi phạm về ANTT còn nhiều như sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, nội dung ghi trong giấy chứng nhận kinh doanh; thường xuyên không thực hiện báo cáo theo quy định, kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn đầu tư, ủy thác đầu tư, đầu tư trái phiếu... với lãi suất cao). Các cơ sở, cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp, huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, biêu, phường...) hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp. Một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang mạng, trang mạng xã hội, ứng dụng di động để quảng cáo, tiếp cận mời chào người có nhu cầu vay với lãi suất rất cao.
TDĐ phát sinh hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra hơn 1.170 vụ phạm pháp liên quan đến hoạt động TDĐ, trong đó, xử lý hành chính 20 vụ với 782 đối tượng, đã điều tra, xử lý hình sự 390 vụ, bắt khởi tố 1.084 đối tượng phạm tội (trong đó có 90 vụ cố ý gây thương tích, 44 vụ hủy hoại tài sản; 382 vụ cho vay lãi nặng, 50 vụ bắt giữ người trái pháp luật, 200 vụ gây rối trật tự công cộng...). Mặc dù nhiều đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê đã bị triệt xóa nhưng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Vòi bạch tuộc” TDĐ vẫn xâm nhập len lỏi khắp nơi, có khi chặt vòi này nhanh chóng mọc lên vòi khác. Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây TDĐ “khủng” núp bóng bằng Công ty CP thương mại và dịch vụ vận tải Tín Nghĩa Hải Phòng, do Nguyễn Giang Huy ở quận Lê Chân (Hải Phòng) cầm đầu. Đường dây này đặt ra “luật”: Khi người dân đến vay tiền, các đối tượng này yêu cầu viết giấy vay tiền hoặc hợp đồng thuê xe máy (nhưng thực tế người dân không nhận được xe máy nào) và phải chịu lãi suất từ 5.000 - 9.000 đồng/ngày/1 triệu đồng (tương đương 182,5% - 328%/năm). Điều đáng nói là công ty này đã có tới hơn 50 chi nhánh trên phạm vi toàn quốc, chi nhánh mở đến đâu, gieo rắc tội ác đến đó.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ. Hoạt động TDĐ đan xen giữa hoạt động tín dụng, hoạt động doanh nghiệp và hoạt động tổ chức tội phạm, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương do đó chỉ có sự vào cuộc một cách đồng bộ, thống nhất, quyết liệt mới kỳ vọng ngăn chặn hiệu quả.
Theo định nghĩa của Bộ Công an, tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với hình thức vượt quá mức lãi suất cho vay mà pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Hoạt động tín dụng đen thường gắn với hoạt động của tội phạm có tổ chức và núp dưới các vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính, doanh nghiệp, công ty (được phép hoặc không phép).