Triển lãm bản đồ và tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

|

NDO - NDĐT - Sáng 9-9, tại Trung tâm triển lãm Hòa Bình, TP Đà Lạt, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Triển lãm lần này trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Qua đó, đều khẳng định bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông.

Đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, như: các văn bản Hán Nôm, Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; 65 bản đồ do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay… đều khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bốn tập atlas và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy, cương giới cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.

Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng những bằng chứng lịch sử và pháp lý, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới. Hiện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV đã tra tìm được 17 tấm mộc bản, 19 mặt khắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Trong đó, mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ (quyển 22, mặt khắc 2), đã ghi: “Năm Qúy Hợi - Gia Long thứ 2 (1803), tháng 7, lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”; mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 6, mặt khắc 18), ghi: “Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi có đảo Hoàng Sa, liền cát với biển làm thành trì”… Và tư liệu quý là các Châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn (1802 - 1945).

Triển lãm cũng trưng bày những hiện vật, hình ảnh về công cuộc thực thi chủ quyền và đấu tranh “bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa” của Việt Nam; hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện đảo Trường Sa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng khẳng định: “Các tư liệu, hiện vật trưng bày tại triển lãm là một phần các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được ở trong nước và từ các nước trên thế giới, trong đó có cả từ Trung Quốc, góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.

Cuộc triển lãm lần này khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, giúp bạn bè quốc tế, trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu được sự thật lịch sử, cũng như mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực để phát triển đất nước.

Triển lãm diễn ra đến ngày 13-9.

Các chiến sĩ hải quân tham dự triển lãm.

Giới thiệu Châu bản triều Nguyễn về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một phần nội dung mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ.

Đông đảo người dân và du khách đến với triển lãm.

Hình ảnh quá trình bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.